Sở GD-ĐT TP.HCM kiến nghị ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho ngành giáo dục
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh vừa kiến nghị Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố thống nhất chủ trương trình dự thảo ban hành Nghị quyết hỗ trợ học phí cho ngành giáo dục do ảnh hưởng của dịch bệnh...
Cụ thể dự thảo ban hành Nghị quyết về chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố trong học kỳ I năm học 2021-2022.
Theo đó, "Thời gian áp dụng từ tháng 9/2021 đến hết tháng 12/2021 của học kỳ 1 năm học 2021-2022" như một giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, từ 15/9 Sở đã có công văn góp ý, tham mưu: Theo thông báo, thời gian áp dụng từ 9/2021 đến 12/2021 của học kỳ 1 năm học 2021-2022” nhưng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 là: “Văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND các cấp, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt không quy định hiệu lực trở về trước”.
Mặt khác, ngày 23/8, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có tờ trình đề xuất trình UBND thành phố chủ trương cơ chế hỗ trợ học phí. Thì đến ngày 27/8, Chính phủ ban hành Nghị định số 81 về cơ chế thu, sử dụng học phí và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, có hiệu lực từ ngày 15/10.
Trong khi đó, thời gian năm học 2021 -2022 được bắt đầu từ 9/2021 nên việc áp dụng thời hiệu các căn cứ pháp lý để hỗ trợ học phí chưa phù hợp. Ông Nguyễn Văn Hiếu cho rằng việc không áp dụng hiệu lực về thời gian hỗ trợ học phí cho các đối tượng từ 9/2021 là thiệt thòi và không mang đầy đủ ý nghĩa kịp thời nhằm ổn định và chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh, học sinh và người dân do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Vì vậy, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất áp dụng đồng thời các quy định tại điều 17 của Nghị định 81: "Khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, các sự kiện bất khả kháng do cơ quan có thẩm quyền công bố; tùy theo mức độ và phạm vi thiệt hại, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định không thu học phí trong thời hạn nhất định đối với trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông công lập, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông thuộc vùng bị thiên tai, dịch bệnh, vùng xảy ra các sự kiện bất khả kháng” và áp dụng theo các quy định trong trường hợp đặc biệt khác để đề xuất xây dựng nghị quyết.
Hiện nay, theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố có khoảng 1.500 học sinh mồ côi cha/mẹ hoặc cả cha và mẹ. Con số này được công bố mới khiến nhiều người đau xót. Đang còn trong tuổi ăn, tuổi học, mất cha mẹ là sự mất mát đầu đời quá lớn với các em, không có gì có thể bù đắp, thay thế được... và đồng nghĩa cuộc sống sẽ trở nên khó khăn hơn.
Ngoài ra, thông tin từ các các quận - huyện và TP Thủ Đức cũng cho biết, số người lao động chịu tác động bởi dịch Covid - 19 tạm ngừng việc trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố là hơn 381.420 người lao động và 18.464 hộ, điểm/sạp của thương nhân tại các chợ truyền thống. Những gia đình học sinh có cha mẹ phải tạm ngừng công việc trong thời gian dịch bệnh chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Từ thực tế đó, thành phố quyết tâm sẽ chung tay, nỗ lực chăm lo, hỗ trợ cho các em vượt qua hoàn cảnh khó khăn này.