12:02 01/11/2013

“Sự cố công trình chủ yếu do chủ đầu tư lơ là”

Nguyên Anh

"Sự cố thường tập trung ở những công trình có vốn tư nhân, vốn doanh nghiệp", theo lãnh đạo Cục Giám định

Theo Cục Giám định  chất lượng công trình xây dựng, cả nước hiện có hàng trăm công trình tháp phát thanh, truyền hình nhưng chất lượng thì không có cơ quan này kiểm định, kiểm tra.<br>
Theo Cục Giám định chất lượng công trình xây dựng, cả nước hiện có hàng trăm công trình tháp phát thanh, truyền hình nhưng chất lượng thì không có cơ quan này kiểm định, kiểm tra.<br>
Đập thuỷ điện bị nứt, vỡ, tháp truyền hình, phát thanh bị sập đổ, mặt đường nhựa sụt lún, cháy nổ… liên tiếp xảy ra trong thời gian qua dường như là lời cảnh báo về chất lượng các công trình xây dựng hiện nay.

"Sự cố thường tập trung ở những công trình có vốn tư nhân, vốn doanh nghiệp", Phó cục trưởng Cục Giám định chất lượng công trình xây dựng Lê Quang nói tại một hội thảo về sự cố công trình xây dựng do Bộ Xây dựng tổ chức chiều 31/10. Lý do, theo ông Quang, là "do thiếu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý".

Tuy nhiên, ông Quang cho hay, hiện nay tình trạng này đã được khắc phục bằng Nghị định 15 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình, tức là cơ quan quản lý sẽ giám sát tất cả các công trình, bất kể được xây dựng từ nguồn vốn nào.

Riêng đối với những công trình có vốn nhà nước, đại diện Cục Giám định cũng thừa nhận có xảy ra sự cố, song phần lớn đều là do thiếu sự quan tâm của chủ đầu tư. Trong các sự cố đó, khi kiểm tra đều phát hiện ra sự lơ là của chủ đầu tư, nhiều trường hợp để cho các đơn vị thi công tự quản lý, tự chịu trách nhiệm trong quá trình xây dựng.

Nói về ngọn nguồn của các sự cố công trình trong thời gian qua, lãnh đạo Cục Giám định thừa nhận bao gồm cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, trong đó nhiều sự cố như sập giàn giáo, công trình sụp đổ… phần lớn là do sự quản lý lỏng lẻo của chủ đầu tư, của nhà thầu và các đơn vị giám sát.

Theo ông Quang, hàng loạt các nghị định, quy định mới của Chính phủ và ngành xây dựng mới ban hành sẽ xử phạt nghiêm các sai phạm này để ngăn ngừa những sự cố đáng tiếc.

Đối với các sự cố về đập thuỷ điện, TS. Nguyễn Chiến, Trường Đại học Thuỷ Lợi, cho rằng dù có nhiều nguyên nhân, song phổ biến nhất vẫn là do thi công và quản lý chất lượng xây dựng. Tiếp đó là công tác quản lý, vận hành và khảo sát, thiết kế.

Sau sự cố một số tháp truyền hình tại Nam Định, Quảng Bình bị đổ vừa qua, Cục trưởng Cục Giám định Lê Quang Hùng cho biết, tới đây Bộ Xây dựng có thể sẽ yêu cầu kiểm tra, kiểm định lại mức độ an toàn của tất cả các kết cấu công trình dạng tháp, trước hết là thực hiện với các công trình có độ cao từ 100m trở lên.

Ông Hùng cho hay, từ trước tới nay chưa có cơ quan nào kiểm định định kỳ độ an toàn của kết cấu dạng tháp trong quá trính sử dụng. Đặc biệt, trong khi cả nước có hàng trăm công trình loại này thì hiện vẫn chưa có số liệu kiểm định định lượng về độ an toàn của các công trình này.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, qua các sự cố công trình trong thời gian gần đây cho thấy, vấn đề liên quan đến chất lượng và sự an toàn của các công trình xây dựng cần được xem xét một cách nghiêm túc và thấu đáo. Trong đó các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ cần phải giám sát chặt chẽ quá trình xây dựng, vận hành và mức độ an toàn của các công trình như hồ, đập thủy lợi, thủy điện, các công trình kết cấu dạng tháp; hệ thống dàn giáo trong thi công xây dựng công trình, các công trình giao thông, đường sá…