21:40 16/09/2010

Tai nạn chết người trong xây dựng liên tục tăng

Vũ Quỳnh

Lao động tại các công trình xây dựng gần như không được huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động

Tai nạn chết người trong xây dựng đang gia tăng là thực tế được nêu ra tại cuộc hội thảo an toàn lao động trong ngành xây dựng do Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 16/9.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng (công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông) chiếm 51,11% tổng số vụ tai nạn lao động chết người. Chỉ tính riêng năm 2009, thiệt hại về vật chất lên tới gần 40 tỷ đồng, thiệt hại về tài sản là 2,7 tỷ đồng và tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động lên tới 457.817 ngày.

Số liệu hồ sơ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động trong 5 năm gần đây cũng cho thấy tai nạn chết người trong lĩnh vực xây dựng trên toàn quốc liên tục tăng (năm 2005: 172 người chết; năm 2006: 174 người; năm 2007: 276 người; năm 2008: 212 người; năm 2009: khoảng 280 người).

Tại Hà Nội, ông Bạch Quốc Việt, Trưởng phòng An toàn lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, tính đến tháng 8/2010, toàn thành phố đã xảy ra 87 vụ tai nạn lao động, trong đó có 29 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết 30 người và bị thương nặng 12 người khác. Trong đó, có tới 70% số vụ tai nạn lao động thuộc ngành xây dựng.

Theo ông Việt, có một thực tế rất đáng lo ngại hiện nay là người sử dụng lao động thường bỏ qua các qui định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, không thực hiện huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho người lao động. Nếu có, chỉ phổ biến sơ sài từ 5 đến 10 phút trước giờ làm việc. Trong khi đó, lao động phần lớn là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo, không hiểu gì về các biện pháp an toàn trong quá trình làm việc, nhất là các công việc trên cao.

Ông Đặng Khắc Tuấn, kiểm soát viên Công ty TNHH Một thành viên Kiểm định kỹ thuật an toàn và tư vấn xây dựng cũng đưa ra cảnh báo về tai nạn thường xảy ra nhất trong lĩnh vực xây dựng là tai nạn ngã cao.

Nguyên nhân chính theo ông Tuấn vẫn thuộc về công tác tổ chức của chủ sử dụng lao động và các yếu tố về an toàn kỹ thuật. Đặc biệt là việc vi phạm kỹ thuật khi tháo dỡ, sử dụng giàn giáo và việc sử dụng máy móc, phương tiện kém chất lượng, cũ kỹ, lạc hậu, gây ra nhiều rủi ro cho người lao động.