00:32 28/09/2009

“Tăng trưởng ngành ngân hàng là một viễn cảnh lạc quan”

Minh Đức

Nhận định của ông Nguyễn Hùng Mạnh, Tổng giám đốc ABBank, về triển vọng phát triển của ngành ngân hàng những năm tới

"Cổ phiếu ngân hàng mang tính chất ổn định, ít biến động giá cả nên nhà đầu tư ngắn hạn ít quan tâm. Thế nhưng, theo tôi, nếu đầu tư dài hạn, cổ phiếu ngân hàng sẽ là lựa chọn tốt".
"Cổ phiếu ngân hàng mang tính chất ổn định, ít biến động giá cả nên nhà đầu tư ngắn hạn ít quan tâm. Thế nhưng, theo tôi, nếu đầu tư dài hạn, cổ phiếu ngân hàng sẽ là lựa chọn tốt".
Đây là nhận định của ông Nguyễn Hùng Mạnh, Tổng giám đốc Ngân hàng An Bình (ABBank), khi trao đổi với VnEconomy về triển vọng phát triển của ngành ngân hàng những năm tới.

Sau năm 2008 và những tháng đầu năm 2009 nhiều khó khăn, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã dần đi vào hoạt động ổn định. Đến thời điểm này, nhiều ngân hàng thương mại thông báo đã hoàn thành những kế hoạch kinh doanh chính của cả năm 2009.

Về chuyển biến trên, ông Nguyễn Hùng Mạnh, Tổng giám đốc ABBank, bình luận:

“Năm 2008, ngành tài chính ngân hàng đã trải qua thời điểm khó khăn, đồng thời cũng chưa dự đoán được rõ ràng về tình hình kinh tế năm 2009. Vì vậy, có thể thấy là các ngân hàng đều không đặt mục tiêu cao, mà chỉ đưa ra mục tiêu vừa phải, và tập trung vào việc củng cố hoạt động để phát triển vững chắc hơn.

Bước sang năm 2009, nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực, do đó việc các ngân hàng thương mại sớm hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm cũng không nằm ngoài dự đoán. Đặc biệt vừa qua gói kích cầu của Chính phủ đã phát huy tác dụng đúng lúc, giúp hoạt động của ngành tài chính khởi sắc hơn”.

Với những kết quả đó, có thể nói các ngân hàng đã trải qua thời điểm khó khăn nhất của ảnh hưởng khủng hoảng tài chính thế giới và suy giảm kinh tế trong nước. Theo ông, điều gì cần rút ra trong hoạt động ngân hàng sau những ảnh hưởng đó?

Theo tôi, có một số điều cần rút ra từ sau ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới. Trước hết, cần xây dựng hệ thống dự báo rủi ro, đặc biệt chú ý đến rủi ro về thị trường.

Điều này có thể thấy qua cuối năm 2007 khi các ngân hàng thương mại đang trong giai đoạn phát triển với tốc độ cao thì khủng hoảng kinh tế thế giới xẩy ra, trong khi đó công tác dự báo của chúng ta kém nên phần lớn các ngân hàng đều gặp khó khăn ở các mức độ khác nhau.

Do đó bài học quan trọng nhất là chúng ta phải xây dựng một cơ chế phòng ngừa rủi ro toàn diện, đặc biệt là rủi ro về thị trường. Trong phương pháp xây dựng kế hoạch kinh doanh, thường thì trước nay các ngân hàng ít chú ý đến điều này. Tại ABBank, chúng tôi đã thành lập bộ phận kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng Quản trị, độc lập với Ban điều hành. Chúng tôi tự hào là một trong các ngân hàng đầu tiên xây dựng hệ thống quản trị rủi ro tương đối hoàn chỉnh. Trong đó bao gồm cả quản trị rủi ro thị trường và quản trị rủi ro điều hành.

Ngoài ra các ngân hàng phải chú trọng đa dạng hoá hoạt động, không chỉ tập trung vào tín dụng mà còn phải mở rộng nguồn thu từ dịch vụ - rủi ro sẽ thấp hơn. Bên cạnh đó, có thể mở rộng mối quan hệ liên kết với các đối tác để đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ, chẳng hạn như hiện nay ABBank đang hợp tác với EVN để triển khai dịch vụ thu hộ tiền điện, hợp tác với Prudential Việt Nam để phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng…

Có thể không phù hợp với nội dung cuộc phỏng vấn này, nhưng xin được hỏi ông về một phản ánh cụ thể từ thị trường chứng khoán. Thời gian gần đây, giá cổ phiếu của những nhóm ngành như bất động sản, vật liệu xây dựng, cao su… tăng rất mạnh, các chỉ số của thị trường cũng tăng cao nhưng giá cổ phiếu ngân hàng lại không có nhiều chuyển biến. Liệu đó có phải là một phản ánh về triển vọng hoạt động của các ngân hàng? Ông có bình luận gì không?

Thời điểm hiện nay thị trường chứng khoán đang ở trong xu thế giằng co, biến động nhiều, do đó nhà đầu tư tập trung vào các cổ phiếu tạo ra lợi nhuận nhanh. Trong khi đó cổ phiếu ngân hàng lại mang tính chất ổn định, ít biến động giá cả nên nhà đầu tư ngắn hạn ít quan tâm.

Thế nhưng, theo tôi, nếu đầu tư dài hạn, cổ phiếu ngân hàng sẽ là lựa chọn tốt.

Như vậy có thể hiểu hoạt động ngân hàng có triển vọng khả quan trong dài hạn? Ông dự tính thế nào về triển vọng đó trong năm 2010, thậm chí xa hơn? Và triển vọng phát triển của ABBank như thế nào?

Hiện nay tình hình kinh tế trong và ngoài nước đã dần hồi phục và bắt kịp đà tăng trưởng. Theo các chuyên gia, GDP Việt Nam có thể tăng trưởng đến 6,5% trong năm 2010. Trong 3 năm tới, tình hình kinh tế sẽ phát triển rất khả quan. Tôi hy vọng khoảng năm 2012 kinh tế Việt Nam sẽ sớm trở lại thời kỳ mà tốc độ tăng trưởng có thể lên đến 7% - 8%. Vì vậy sự tăng trưởng của ngành tài chính ngân hàng là một viễn cảnh lạc quan.

Tuy nhiên nền kinh tế có thể đối mặt với nguy cơ lạm phát cao hơn. Dù vậy, tôi tin rằng Nhà nước sẽ có những chính sách phù hợp để điều tiết, giám sát chặt chẽ và hỗ trợ hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Về phía ABBank, chúng tôi phấn đấu giữ nhịp độ tăng trưởng ở mức 30% - 40% trong năm 2010, hướng đến mục tiêu trở thành một trong 10 Ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu Việt Nam.