Thanh khoản dồi dào, lãi suất tiếp tục đi ngang ở vùng thấp
Với nguồn tiền đồng đối ứng thông qua các hợp đồng mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước và Kho bạc, thanh khoản hệ thống tiếp tục dồi dào, lãi suất giảm sâu...
Dữ liệu tuần từ 8 - 12/11 cho thấy, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục đi ngang vùng thấp nhờ thanh khoản dồi dào của các ngân hàng.
Chốt tuần, các mức lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 0,68%; 1 tuần 0,78%; 2 tuần 0,88% và 1 tháng 1,16%.
Nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán SSI phân tích: thanh khoản chủ yếu được hỗ trợ bởi lượng tiền VND cung ứng từ hoạt động mua ngoại tệ kỳ hạn của Ngân hàng Nhà nước. Trái lại, kênh trung hoà vốn truyền thống tại nghiệp vụ thị trường mở vẫn không được sử dụng.
Cũng theo nhóm phân tích, thanh khoản tiền đồng sẽ tăng mạnh nhờ các hợp đồng mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước và Kho bạc Nhà nước, qua đó giúp lãi suất liên ngân hàng giảm thêm.
Cụ thể, đối với Ngân hàng Nhà nước, nghiệp vụ mua ngoại tệ giao ngay được kỳ vọng quay lại nhờ nguồn cung ngoại tệ dồi dào trong các ngân hàng, trong khi đó nguồn VND đến từ hợp đồng mua ngoại tệ kỳ hạn vẫn được đáo hạn với khối lượng lớn.
Với Kho bạc Nhà nước, cơ quan này đã thực hiện chào mua thành công 250 triệu USD vào cuối tuần trước và dự kiến được thanh toán trong đầu tuần này; qua đó, bổ sung hàng nghìn tỷ đồng cho thị trường
Thanh khoản dồi dào cũng khiến lợi suất Trái phiếu Chính phủ giảm trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp.
Theo đó, trên thị trường thứ cấp, lãi suất trái phiếu cũng giảm 0,02-0,08 điểm phần trăm, chốt tuần ở mức 0,45%/năm với kỳ hạn 1 năm; 0,67%/năm với kỳ hạn 3 năm; 0,76%/năm với kỳ hạn 5 năm. Với nhóm kỳ hạn dài 10-15-20-30 năm, lãi suất lần lượt ở mức 2,09%/năm; 2,34%/năm; 2,79%/năm và 2,98%/năm.
Còn tại thị trường sơ cấp, trong tuần trước, Kho bạc Nhà nước gọi thầu 10.000 tỷ đồng trái phiếu với tỷ lệ trúng thầu đạt 99%. Mặt bằng lãi suất trúng thầu giảm 0,05 – 0,06 điểm phần trăm ở kỳ hạn 10 và 15 năm; không thay đổi ở kỳ hạn 20 năm.
Hiện tại, nhiều khả năng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công đã được đẩy nhanh trong thời gian gần đây, khi khối lượng gọi thầu có sự cải thiện.
Tuy nhiên, việc kênh phát hành sẽ khó có thể đạt được như kế hoạch đặt ra trước đó (huy động gần 120 tỷ đồng trong 2 tháng cuối năm) khi tính đến hết tháng 10, giải ngân đầu tư công chỉ mới đạt gần 60% kế hoạch.
Mặt khác, tín dụng cũng có xu hướng tăng trở lại do vậy nhu cầu về Trái phiếu Chính phủ từ các ngân hàng thương mại sẽ có phần hạn chế.
Với việc cung-cầu trên thị trường sơ cấp sẽ không có nhiều thay đổi lớn, mặt bằng lợi suất Trái phiếu Chính phủ dự kiến sẽ vẫn duy trì ở mức thấp như hiện nay.