12:41 23/01/2015

Thanh tra VietinBank và thị trường vàng: “Đợt tới có kết luận”

Bảo Quyên

Thanh tra Chính phủ lý giải việc chậm ban hành kết luận thanh tra VietinBank và thị trường vàng

Quá trình thanh tra VietinBank bắt đầu từ tháng 11/2012 nhưng đến nay kết luận thanh tra vẫn chưa được công bố.<br>
Quá trình thanh tra VietinBank bắt đầu từ tháng 11/2012 nhưng đến nay kết luận thanh tra vẫn chưa được công bố.<br>
“Quá trình thanh tra tại ngân hàng VietinBank và công tác quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước đã cơ bản hoàn tất và đã báo cáo lên Thủ tướng, chắc chắn đợt tới sẽ có kết luận chính thức”.

Đó là khẳng định của Phó tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh trước thắc mắc của báo giới: “Tại sao đã kết thúc hai cuộc thanh tra nói trên nhưng không công bố kết luận?”.

Tại buổi họp báo sáng 23/1, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ chỉ đưa ra câu trả lời khá chung chung cho các câu hỏi liên quan đến tiến độ và kết quả thanh tra tại một số đơn vị, vụ việc được dư luận quan tâm trong thời gian qua như ngân hàng VietinBank, thị trường vàng, Tập đoàn Dầu khí (Petro Vietnam), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC)…

Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cũng như đại diện các cục, vụ có liên quan đều chỉ khẳng định “đã hoàn thành thanh tra trực tiếp nhưng đã trong quá trình hoàn chỉnh kết luận, chưa thể thông tin trước được”.

Dường như hiểu được sự thất vọng của báo giới, cả hai phó tổng thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng và Ngô Văn Khánh đồng chủ trì buổi họp báo không dưới một lần nhấn mạnh “mong các nhà báo thông cảm, đó là quy định của pháp luật”.

Theo ông  Ngô Văn Khánh, đối với vụ việc thanh tra VietinBank và thị trường vàng, đây là hai vấn đề khá phức tạp, có mối liên hệ với nhiều lĩnh vực khác, nên kết luận thanh tra phải chính xác, khách quan, phải "đi vào cuộc sống".

Chính vì vậy, theo ông Khánh, mặc dù nhiều cuộc thanh tra nói chung có thể đã kết thúc, nhưng nhiều vấn đề vẫn cần phải lấy ý kiến các bộ, ngành khác, có thể phải điều chỉnh cho thật chính xác.

“Chắc chắn trong đợt tới sẽ có kết luận chính thức và có thể công khai sớm đối với hai cuộc thanh tra này”, ông Khánh khẳng định.

Đối với một số cuộc thanh tra khác như Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Cao su, SCIC…, đại diện lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cho hay một số đã hoàn tất, một số đang tiếp tục thanh tra, nhưng cũng đều là những vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều đơn vị, lĩnh vực khác. Cuộc thanh tra tại Tổng công ty Đường sắt thì đã kết thúc rồi, nhưng phải bổ sung thêm.

Đặc biệt, đối với dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, mặc dù trong thời gian qua các cơ quan chức năng nhận được nhiều đơn phản ánh, song theo Phó tổng thanh tra Trần Đức Lượng, đây là dự án thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông Vận tải. Việc thanh tra các hoạt động liên quan theo quy trình thanh tra cũng thuộc quyền của Bộ.

Tuy nhiên, theo ông Lượng, trong thời gian tới, nếu thấy thật sự cần thiết thì Thanh tra Chính phủ cũng sẽ xem xét để vào cuộc, tiến hành thanh tra dự án này.

Đối với đơn tố cáo chính quyền Hà Tĩnh cấp phép sai quy định cho chủ đầu tư dự án Fomosa khi thực hiện cấp đất lên tới 70 năm, trong khi luật định tối đa chỉ 50 năm, Phó tổng Thanh tra Trần Đức Lượng khẳng định, việc này là do “độ vênh” của pháp luật.

Cụ thể, theo Luật Đầu tư thì thẩm quyền Hà Tĩnh chỉ được cấp phép tối đa 50 năm, nếu thấy cần kéo dài thêm thì phải xin ý kiến cấp cao hơn. Song trong Luật Đất đai lại có quy định “có những dự án được cấp tới 70 năm”.

Chính vì vậy, quan điểm của Thanh tra Chính phủ là sẽ xin ý kiến Thủ tướng, đồng thời khẳng định, việc cấp 50 hay 70 năm cũng không phải là vấn đề quá lớn, mà quan trọng là hiệu quả của dự án đối với kinh tế xã hội của địa phương, đời sống nhân dân tại đó như thế nào…