12:04 01/07/2011

Thị trường liên ngân hàng: Thời thế thay đổi…

Minh Đức

Loạt điều chỉnh chính sách đã tác động đến các dòng vốn, tạo nên những thay đổi lớn và cả bất ngờ trên thị trường liên ngân hàng

Thanh khoản hệ thống ngân hàng đã được cải thiện trong thời gian gần đây.
Thanh khoản hệ thống ngân hàng đã được cải thiện trong thời gian gần đây.
Loạt điều chỉnh của chính sách đã tác động đến các dòng vốn, tạo nên những thay đổi lớn và cả bất ngờ trên thị trường liên ngân hàng hiện nay.

Gần hai tháng trở lại đây, thị trường liên ngân hàng khá ổn định cả ở diễn biến lãi suất và quy mô giao dịch. Những cú sốc lãi suất, hay bất cập từng gây lo ngại trước đây đã tạm lắng.

Bất ngờ từ “ông lớn”

Năm 2011 đã và đang thể hiện là một năm khó khăn của các ngân hàng thương mại. Sẽ không bất ngờ nếu chốt lại cả năm nhiều thành viên bị vỡ các chỉ tiêu kinh doanh chính.

Với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), khả năng đó cũng đặt ra trước mắt, khi kết quả đã thực hiện mới chỉ ở mức thấp.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Vietcombank, cho biết, đến gần nửa năm rồi nhưng việc thực hiện một số chỉ tiêu tăng trưởng quan trọng vẫn còn xa kế hoạch chung. Kỳ vọng đặt ra là thị trường sẽ khả quan hơn trong 6 tháng còn lại.

Đến đầu tháng 6/2011, tổng tài sản của Vietcombank ước tính mới chỉ tăng khoảng 6% so với cuối năm 2010; đáng chú ý là huy động vốn tăng trưởng thấp, chỉ khoảng 5%.

Năm 2011, Vietcombank đặt chỉ tiêu tăng trưởng huy động là 20% (tức 249.984 tỷ đồng). Xem ra với kết quả đã thực hiện đó, thách thức hoàn thành chỉ tiêu là khó. Đặc biệt là từ đầu năm đến nay, lượng vốn huy động từ dân cư tại ngân hàng này bị giảm sút, cả vốn VND lẫn ngoại tệ.

“Huy động vốn giảm sút cũng là dễ hiểu thôi. Lạm phát cao trong khi chủ trương khống chế lãi suất huy động ở mức 14%/năm và 2%/năm đối với USD. Vietcombank thì không dám làm sai quy định của Ngân hàng Nhà nước về trần lãi suất”, Chủ tịch Nguyễn Hòa Bình giải thích.

Trước thực tế đó, ông Bình cho biết tăng trưởng huy động của Vietcombank thời gian qua chủ yếu có từ thị trường liên ngân hàng. Đây là một thực tế bất ngờ.

Bất ngờ bởi trong quá khứ, đặc biệt là các năm 2008, 2009 và cả trong năm 2010 vừa qua, Vietcombank được biết đến là một “ông lớn” đóng vai trò con thoi trên thị trường liên ngân hàng, hỗ trợ vốn cho các thành viên tại những kỳ khó khăn thanh khoản. Điều này cũng được Vietcombank đề cập trong một báo cáo chung trước đây. Dĩ nhiên, có những thời điểm, vai trò con thoi đó đi cùng với những mức lãi suất cho vay trên liên ngân hàng hấp dẫn...

Thế nhưng, với thông tin từ lãnh đạo cao cấp trên, trước tình trạng huy động tăng thấp, tiền gửi của dân cư sụt giảm và “không dám làm sai quy định” về trần lãi suất, có thể suy luận vai trò con thoi đó đã mờ nhạt và Vietcombank phải co về cố thủ cho chính mình. Thậm chí, tăng trưởng huy động của ngân hàng này còn dựa chủ yếu vào thị trường liên ngân hàng.

“Ông lớn” đã vậy, các ngân hàng nhỏ thì sao? Chuyện phải đi vay nặng lãi trên liên ngân hàng thì ít ai nói về mình, nhưng tình trạng này khoảng hai tháng trở lại đây không còn mở rộng.

Một tính toán cho thấy, trong năm 2010, vốn điều lệ của hệ thống ngân hàng đã tăng trên dưới 37%; trong đó nổi bật là loạt thành viên cán đích yêu cầu vốn pháp định. Đây là sự gia cố đáng kể cho năng lực tài chính, góp phần chống đỡ cho yêu cầu thành khoản. Vốn tăng mạnh, tổng tài sản thường thì cần phải tăng đối ứng. Nhưng năm nay, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã chốt tối đa 20%.

Thực tế là, một số ngân hàng cho biết, do năm 2010 quy mô vốn còn nhỏ nên tăng trưởng tín dụng hạn chế. Năm nay, với chỉ tiêu tăng trưởng 20% thì con số tuyệt đối tăng lên không lớn, và sau nửa đầu năm 2011 “room” này đã gần đầy. Thế nên, không bất ngờ khi có những “cá nhỏ” bơi trên liên ngân hàng, trở thành người cho vay tranh thủ dùng vốn ngắn hạn thay vì phải đi vay lãi suất khủng ở những thời điểm căng thẳng thanh khoản trong quá khứ…

Lỗ hổng đã được bịt

Đến thời điểm này, quyết định điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng Nhà nước ngày 8/3/2011 vẫn để lại dấu ấn cơ bản trong quá trình hoạt động của thị trường liên ngân hàng.

Cụ thể, ngày 8/3, Ngân hàng Nhà nước tăng mạnh lãi suất tái chiết khấu từ 7%/năm lên tới 13%/năm và giữ nguyên cho đến nay. Cú nhảy đột biến này được xem là một miếng vá quan trọng góp phần bịt lỗ hổng của chính sách hỗ trợ vốn trước đó.

Suốt một thời gian dài, thị trường chứng kiến tình trạng một số ngân hàng thương mại dư giả vốn, rót vào trái phiếu Chính phủ lãi suất cao, rồi dùng trái phiếu đó tái chiết khấu, cầm cố để mượn vốn lãi suất thấp hơn của Ngân hàng Nhà nước, rồi lại dùng vốn đó cho vay trên liên ngân hàng lãi suất cao hơn nữa. Vòng quay này tạo những chênh lệch lợi nhuận lớn, trong khi dòng vốn bị “quẩn”…

Sau quyết định ngày 8/3, cũng như liên tiếp tăng lãi suất nghiệp vụ thị trường mở (từ 8,25% lần lượt lên 15%/năm), lỗ hổng đó đã được vá lại. Thêm vào đó, khoảng một tháng trở lại đây, sự sụt giảm trông thấy của lãi suất trái phiếu Chính phủ qua đấu giá tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), hiện đã xuống gần 12%/năm ở hầu hết các kỳ hạn, cũng góp phần hạn chế dòng vốn quay vòng đó.

Khoảng hai tháng trở lại đây, thị trường liên ngân hàng hoạt động khá ổn định. Lãi suất liên ngân hàng dao động quanh mức 12%/năm đối với kì hạn qua đêm, kỳ báo cáo gần nhất mức bình quân chỉ còn 11,84%/năm; ở kỳ hạn 1 tuần quanh 13,5%/năm; 2 tuần quanh 14%/năm; 1 tháng quanh 15%/năm…; sự căng thẳng và leo thang của lãi suất trước đây đã được hạn chế.

Tất nhiên, ngoài sự điều chỉnh của chính sách, ở đây còn có sự điều tiết trực tiếp về nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước, qua hoạt động mua vào ngoại tệ, tái cấp vốn… trong thời gian qua; hay một tín hiệu khá rõ là tổng phương tiện thanh toán vừa tăng rất mạnh trong 20 ngày đầu tháng 6 (so với 5 tháng đầu năm).

Báo cáo mới đây của Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, từ đầu tháng 5/2011 đến nay, thị trường liên ngân hàng đã dần ổn định và hoạt động tốt. Nhưng vẫn khó loại trừ những cơn biến động có thể xẩy ra trong tương lai, cũng như việc tái hiện những bất cập.

Dự phòng cho khả năng đó, và mang tính lâu dài, được biết Ngân hàng Nhà nước đang giao Vụ Chính sách tiền tệ làm đầu mối để chuẩn bị xây dựng một thông tư quy định cụ thể về quan hệ vay vốn giữa các tổ chức tín dụng trên thị trường liên ngân hàng. Các quy định có thể sẽ chi tiết ở mục đích vay vốn, kỳ hạn và cả cơ chế lãi suất… để góp phần tạo khung pháp lý giữ ổn định và lành mạnh trong giao dịch.