Thị trường xuất khẩu Trung Quốc đã hết thời dễ tính?
Đòi hỏi người nông dân, doanh nghiệp Việt Nam cũng phải thay đổi, nâng cao chất lượng sản phẩm từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến, đóng gói
Lâu nay các doanh nghiệp quen với khái niệm Trung Quốc là thị trường dễ tính, nhưng hiện nay, hàng rào kỹ thuật cũng như quy định của Trung Quốc đã thay đổi. Điều này đòi hỏi người nông dân, doanh nghiệp Việt Nam cũng phải thay đổi, nâng cao chất lượng sản phẩm từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến, đóng gói bao bì xuất khẩu...
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 8 tháng đầu năm 2018, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu đứng thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ) đạt 23,4 tỷ USD, tăng 25,2%. Trung Quốc nhập khẩu (nhập khẩu) nhiều sản phẩm của Việt Nam gồm gạo, sắn, rau quả, cao su, gỗ, thuỷ sản...
Yêu cầu cao về chất lượng
Bộ Công Thương cho biết, để đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội khu vực biên giới, duy trì mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu, trong những năm qua, Việt Nam cùng với Trung Quốc từng bước xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý; quản lý đầu tư theo hướng khuyến khích phát triển thương mại biên giới, tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động thương mại qua biên giới của các thương nhân, cư dân khu vục biên giới...
Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này vẫn còn nhiều khó khăn. Do doanh nghiệp vẫn giữ thói quen xuất khẩu qua các kênh thương mại không chính thức nên tăng độ rủi ro, khó tiếp cận thông tin, thiếu hiểu biết về các quy định cũng như yêu cầu của thị trường, đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các công ty Trung Quốc. Xuất khẩu tiểu ngạch khiến doanh nghiệp bị động trong quan hệ thương mại dẫn đến bị ép giá, giá bán lên xuống thất thường.
Mặc dù thường xuyên giao thương với thị trường Trung Quốc, nhưng doanh nghiệp Việt Nam biết rất ít thông tin về thị trường này vì nắm bắt thông tin, nhu cầu thị trường quá yếu kém.
Đặc biệt, Trung Quốc hiện đã trở thành một thị trường có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm. Mới đây, một số địa phương của Trung Quốc đưa ra quy định về truy xuất nguồn gốc đối với một số mặt hàng nông sản của Việt Nam. Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng đang siết chặt quản lý về an toàn thực phẩm, hàng rào kiểm dịch.
Tại buổi làm việc với đoàn chiêu thương Hội chợ Biên giới Trung - Việt (Hà Khẩu) năm 2018, ông Lê Hoàng Tài, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương nhận định, Trung Quốc giờ đây không còn là thị trường dễ tính, họ đòi hỏi cao về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm rõ ràng.
Do đó, doanh nghiệp Việt Nam phải dần thay đổi cách thức trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để đáp ứng các quy định thị trường nhập khẩu đặt ra. Để xây dựng được thương hiệu sản phẩm Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, sản phẩm phải đáp ứng các yêu cầu phía Trung Quốc đặt ra như kiểm dịch kiểm nghiệm, cung cấp thông tin tình hình trồng trọt, nơi sản xuất, bao gói ghi rõ tên sản phẩm, số hồ sơ vườn trồng...
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường áp dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap nhằm đáp ứng đầy đủ các quy định về kiểm nghiệm, kiểm dịch ngày càng nghiêm ngặt của Chính phủ Trung Quốc. Trước khi xuất khẩu cần phân loại rõ ràng phẩm cấp, quy cách của từng loại hàng cụ thể. Nghiên cứu thiết kế bao bì riêng cho thị trường Trung Quốc, trong đó nên ưu tiên các thông tin trên bao bì bằng tiếng Trung.
Tăng cường xúc tiến thương mại
Bộ Công Thương cho biết, để tăng cường giao thương hai nước, Việt Nam có nhiều cơ quan, đại diện thương mại nằm ở nhiều tỉnh, thành phố của Trung Quốc, đặc biệt 3 tỉnh của Trung Quốc giáp với Việt Nam đều có văn phòng đại diện như Côn Minh (Vân Nam), Nam Ninh (Quảng Tây), Quảng Châu (Quảng Đông), văn phòng Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương ở Trùng Khánh và sắp tới là văn phòng ở Hàng Châu... nhằm thúc đẩy đưa hàng hoá của Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hoá sang Trung Quốc.
"Không chỉ ở Bắc Kinh, Việt Nam có nhiều văn phòng đặt tại các địa phương của Trung Quốc để góp phần giải quyết những vấn đề về chính sách cũng như thúc đẩy đưa hàng hoá vào thị trường này, đồng thời thúc đẩy quan hệ thương mại hai bên tốt hơn", ông Tài cho biết.
Để đẩy mạnh xuất khẩu, Hội chợ thương mại biên giới Việt – Trung là hội chợ luân phiên giữa hai nước như Lào Cai – Hà Khẩu, Lạng Sơn – Bằng Tường, Hà Khẩu – Móng Cái (Quảng Ninh) được tổ chức thường niên.
Ông Phan Văn Cương, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai cho biết, Lào Cai giữ vai trò là cửa ngõ không chỉ của Việt Nam mà còn của các nước ASEAN với thị trường tỉnh Vân Nam và vùng Tây Nam (Trung Quốc). Do đó, trong những năm qua, tỉnh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy, kết nối giao thương, đặc biệt tạo điều kiện tối đa cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua địa bàn.
Thực hiện bản ghi nhớ về tiêu thụ nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc từ năm 2013, tỉnh Lào Cai đã phối hợp, trao đổi, thống nhất với các cơ quan chức năng của tỉnh Vân Nam cho phép 4 mặt hàng trái cây tươi của Việt Nam gồm thanh long, chuối, dưa hấu, vải xuất khẩu qua cửa khẩu Kim Thành được vận chuyển bằng xe trọng tải lớn chạy thẳng vào Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam) mà không cần phải hạ tải xuống xe trọng tải nhỏ, nhưng vẫn được hưởng cơ chế ưu đãi của chính sách biên mậu. Hiện hai bên đang tiến hành rà soát mở rộng thêm các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu qua Lào Cai được hưởng cơ chế ưu đãi như nhãn, mít, chôm chôm, xoài...
Bà Đặng Thuỵ, Huyện trưởng huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam cho biết, Trung Quốc rất coi trọng quan hệ thương mại với Việt Nam. Năm 2017, Hà Khẩu tiếp nhận 642 vạn tấn hàng hoá từ Việt Nam với kim ngạch 2,4 tỷ USD. Chỉ trong 9 tháng, thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc 60 vạn tấn và qua cửa khẩu Hà Khẩu lớn nhất.
Trung Quốc chủ yếu nhập từ Việt Nam các nông sản, hoa quả mà người dân Trung Quốc rất ưa chuộng. Để tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp Việt, Hà Khẩu đang xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới.
"Chúng tôi hy vọng Việt Nam – Trung Quốc cùng nhau thúc đẩy phát triển khu này, sớm ký kết hiệp định và thoả thuận hai bên", bà Đặng Thuỵ kỳ vọng.