10:15 22/03/2011

Thỏa thuận mua bán ngoại tệ: Bán thu phí, mua có trả phí?

Nguyễn Hoài

Ngày 18/3, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi một số thông điệp quan trọng đối với quản lý ngoại tệ

Theo ý kiến một số chuyên gia, đối với quan hệ vay mượn ngoại tệ, hiện tại chỉ nên cho nhà xuất khẩu vay.
Theo ý kiến một số chuyên gia, đối với quan hệ vay mượn ngoại tệ, hiện tại chỉ nên cho nhà xuất khẩu vay.
Ngày 18/3, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi một số thông điệp quan trọng đối với quản lý ngoại tệ, tại hội nghị giao ban trực tuyến với địa phương.

Nhiều ý kiến cho rằng, các giải pháp này vẫn mang tính tình thế, đặc biệt là sự ngập ngừng kết hối, dù Chính phủ đã “bật đèn xanh”.

Ba vấn đề đáng chú ý

Trong báo cáo số 20/BC-NHNN tại hội nghị nói trên, có ba vấn đề liên quan đến quản lý ngoại tệ đáng chú ý.

Thứ nhất, cho phép tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận tỷ giá giao dịch kỳ hạn 3 tháng đến 1 năm.

Thứ hai, cho phép tổ chức tín dụng thu phí 2% so với tỷ giá chuyển khoản niêm yết khi bán ngoại tệ cho nhu cầu chính đáng của cá nhân, nhằm để ngân hàng bù đắp chi phí nhập khẩu, kiểm đếm, lưu kho.

Thứ ba, vẫn cho đối tượng xuất khẩu vay ngoại tệ. Còn đối tượng nhập khẩu nếu chứng minh có nguồn ngoại tệ tái tạo đến hạn cũng được vay ngoại tệ.

Cán bộ kinh doanh ngoại tệ một ngân hàng lớn nhận xét rằng, khi cho phép giao dịch tỷ giá thỏa thuận (dù là kỳ hạn 3 tháng - 1 năm) có vẻ như Ngân hàng Nhà nước đang hướng đến việc thả nổi tỷ giá hơn. Còn việc thu phí 2% khi bán cho cá nhân, về bản chất, Ngân hàng Nhà nước đã thừa nhận “cơ chế hai giá”.

Liên quan đến “thu phí 2%”, ông này nêu vấn đề: “Tại sao không phải 1%, 3%, 4%... mà lại là 2%? Ngân hàng Nhà nước cần bảo vệ và chứng minh con số 2% thì mới thuyết phục!”.

Theo ông, việc thu phí 2% nói trên chỉ là giải pháp mang tính ngắn hạn của Ngân hàng Nhà nước. Vì: con số 2% có thể chỉ đúng với thời điểm hiện tại nhờ việc Chính phủ đang ráo riết ổn định lại thị trường ngoại tệ tự do nhưng trong tương lai, khi tỷ giá thực tế cao hơn thế, lại là chuyện khác.

Và rất có thể, lúc đó, nếu ngân hàng thương mại không bán cho người dân thì rất khó cho Ngân hàng Nhà nước có “nới” thêm phần trăm hay không.

Một vấn đề khác cũng chưa được Ngân hàng Nhà nước làm rõ là: khi người dân có nhu cầu chính đáng mua ngoại tệ của ngân hàng thương mại thì phải trả thêm 2% phí, nhưng khi người dân bán đứt thì có được ngân hàng thương mại cộng thêm 2% phí?

“Mặc dù Ngân hàng Nhà nước có đề cập là mua bán ngoại tệ kỳ hạn 3 tháng - 1 năm tháng được phép thỏa thuận, nhưng tôi không hiểu gia đình tôi có nguồn ngoại tệ từ xuất khẩu lao động Hàn Quốc gửi về thường xuyên, khi bán cho ngân hàng thương mại thì có được thêm 2% không”, bà Nguyễn Thị Trinh, ở Phùng Khoang, Từ Liêm, Hà Nội nói.

Thắc mắc trên không phải không có lý, khi nhìn vào con số  tổng quan 10 tỷ USD kiều hối, xuất khẩu lao động gửi về mỗi năm, nếu bán cho các ngân hàng thì ngân hàng được lợi khá nhiều. Số ngoại tệ này người dân chuyển từ nước ngoài về nước, nếu qua ngân hàng thì đã đóng phí cho ngân hàng; nếu mang trực tiếp thì không phải đóng phí. Tuy nhiên, dù mang trực tiếp hay gửi qua ngân hàng thì xét đến cùng, người dân không gây phát sinh các chi phí “nhập ngoại tệ tiền mặt và các chi phí liên quan khác” như cách nói của Ngân hàng Nhà nước.

Trong khi đó, ngân hàng thương mại mua số ngoại tệ này, cũng không nói rõ là trả thêm phí cho người dân nhưng khi bán cho người dân lại được thu thêm 2% phí. Mặc dù trong câu chuyện này, việc rành rẽ “đồng nào mua mắm, đồng nào mua muối” không đơn giản, nhưng nếu không tách bạch, người dân sẽ bị thiệt.

Ngập ngừng chuyển đổi quan hệ

Trong báo cáo số 20, không thấy Ngân hàng Nhà nước đề cập  đến vấn đề “kết hối một phần”, mặc dù trước đó, Chính phủ đã cho phép tại Thông tư  26 và gần đây nhất, Nghị quyết 11/NQ-CP cũng đề cập đến vấn đề này.

Nhiều lãnh đạo các ngân hàng thương mại ngạc nhiên rằng, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng hạn chót 4/3/2011 phải báo cáo toàn bộ số dư tiền gửi ngoại tệ. Tuy nhiên, sau khi các tổ chức tín dụng hoàn thành báo cáo và chờ đợi một ngày, hai ngày và đã ba tuần nay, mọi chuyện vẫn im ắng.

Tổng giám đốc một ngân hàng nói: “Hình như không làm nữa. Nhưng chúng tôi cứ sợ đánh đùng lại ra một quyết định như hồi 2010 thì rất khó khăn”. Vì thế, ông này cho rằng, “tốt nhất cứ giữ “cục Đô la” cho chắc ăn”!

Từ  thực tế này, một số lãnh đạo ngân hàng có ý kiến, khi Nghị quyết 11 đã “bật đèn xanh” cho kết hối đối với các doanh nghiệp lớn của nhà nước và trước đó là Thông tư 26 kết hối với 7 tập đoàn, tổng công ty thì Ngân hàng Nhà nước cần phải hành xử thật rõ ràng và minh bạch.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước nên sơ kết lại Thông tư 26, bởi thông tư này vẫn còn hiệu lực, xem tính hiệu quả đến đâu, kiểm điểm những mặt cần phải rút kinh nghiệm.

Thứ hai, cần đưa ra một lộ trình kết hối đối với những trường hợp khác khi mà Nghị quyết 11 đã cho phép để thị trường chuẩn bị tâm lý.

Thứ  ba, hiện tại số dư tiền gửi ngoại tệ trên hệ thống ngân hàng khoảng 20 tỷ USD, nếu chuyển sang quan hệ mua bán, dù chỉ một phần trong số đó, áp lực tỷ giá sẽ giảm rất mạnh.

Ở con số này, khá nhiều người nhận xét, về bản chất, dự trữ ngoại tệ quốc gia chưa hẳn đã đủ ngưỡng an toàn của thông lệ quốc tế, nhưng ngoại tệ trong dân cư và tổ chức lại rất dồi dào. Và từ đây lại liên quan tới một vấn đề tiếp theo là chuyển đổi quan hệ vay mượn sang mua bán.

Theo ý kiến một số chuyên gia, đối với quan hệ vay mượn ngoại tệ, hiện tại chỉ nên cho nhà xuất khẩu vay. Bởi lẽ, hiện nay chưa thể dừng cho xuất khẩu vay vì phải đợi đến bao giờ ngừng huy động ngoại tệ thì mới có thể ngừng cho vay. Hơn nữa, nếu ngừng cho vay thì số ngoại tệ huy động từ dân cư và tổ chức trong hệ thống ngân hàng chưa thể giải quyết được ngay.

Mặt khác, tiiếp tục cho xuất khẩu vay thì ngân hàng vẫn đang chuyển quan hệ vay sang mua một cách khéo léo, ở chỗ: khi người xuất khẩu vay ngoại tệ thì họ phải bán ngoại tệ đó để lấy VND thu mua hàng xuất khẩu; khi dòng ngoại tệ của họ về, thay vì giữ lại trên tài khoản thì doanh nghiệp phải trả cho ngân hàng và lặp lại chu kỳ trên để mua hàng hóa trong nước cho xuất khẩu.

Còn đối với nhập khẩu, theo nhiều ý kiến từ các ngân hàng thương mại nên dừng hẳn cho vay ngoại tệ bởi nhập khẩu không bao giờ có nguồn ngoại tệ tái tạo, ngoại trừ một số hàng hóa thiết yếu, đặc biệt cần nhập khẩu thì có cơ chế riêng.

“Thà cho vay VND để họ mua ngoại tệ từ ngân hàng, thì không những tránh được áp lực tỷ giá dồn nén lên suốt thời gian kể từ khi giải ngân đến lúc đáo hạn mà nhờ đó, rủi ro tỷ giá cho họ cũng bị loại trừ”, tổng giám đốc một ngân hàng nói.