15:52 05/12/2018

Thủ tướng: Việt Nam khát vọng lọt vào nhóm nước thu nhập cao

KIỀU LINH

"Chúng tôi có khát vọng trở thành nền kinh tế thịnh vượng, nhưng nhận thức rõ rằng con đường đi đến không bằng phẳng, sẽ có nhiều thách thức"

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Diễn đàn  Cải cách và Phát triển Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam.

"Việt Nam vẫn là nền kinh tế bất lợi trong cạnh tranh toàn cầu. Nhận thức rõ điều này nên thời gian tới, Chính phủ sẽ tăng tốc cải thiện thủ tục hành chính, xây dựng thể chế kinh tế sao cho các chủ thể kinh tế đều có quyền tham gia vào hoạch định kế hoạch phát triển và chính sách", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 5/12.

"Cải cách và phát triển như cuộc thi hoa hậu"

Mở đầu diễn đàn cải cách và Phát triển Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Đây là thời điểm vàng, nếu không thực hiện đồng thời cải cách phát triển một cách mạnh mẽ, Việt Nam sẽ ngay lập tức bị tụt hậu so với thời đại.

Nói là thời điểm vàng bởi chúng ta đang đứng trước những cơ hội quý. Cơ hội về tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động cao, tỷ lệ qua đào tạo ngày càng tăng; cơ hội về hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Và cả cơ về dòng vốn đầu tư từ các nền kinh tế phát triển, từ các tập đoàn đa quốc gia, xuyên quốc gia ngày càng chảy nhiều hơn vào các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi...

"Thời gian và vận hội sẽ không chờ đợi chúng ta. Chúng ta không thể không không nắm bắt lấy những cơ hội quan trọng này. Chúng ta phải cải cách và phát triển với tất cả sự quyết tâm, với sức mạnh mà hơn 30 năm trước chúng ta đã làm được", Bộ trưởng lưu ý.

Ông Sudhir Shetty, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) lại ví von cải cách và phát triển như một cuộc thi hoa hậu, mà ở đó, "Việt Nam phải đẹp nhất". Việt Nam phải hoàn hảo hơn, bằng sự liên tục cải cách, có năng lực cạnh tranh, hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.

Theo vị chuyên gia WB, Việt Nam cần giảm bớt mức độ dễ bị tổn thương trong ngắn hạn từ các tác động bên ngoài với nền kinh tế; tăng cường tính sẵn sàng, bao gồm cả các giải pháp liên quan đến chính sách tài khóa.

Việt Nam cần tiếp tục cải cách nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh, trong đó có cải cách về chính sách thương mại và đầu tư.

Bên cạnh đó, xây dựng kỹ năng cho người lao động, bao gồm các kỹ năng nhận thức bậc cao và kỹ năng số, thông qua mở rộng tiếp cận giáo dục sau phổ thông. Việc nâng cao kỹ năng là điều rất quan trọng, giúp nguồn nhân lực có tính cạnh tranh, thích ứng với sự thay đổi về nghề nghiệp và công nghệ trên thế giới mà Việt Nam cần đặc biệt quan tâm.

Cuối cùng, đề nghị Việt Nam tăng cường tính bao trùm sự phát triển và cải cách đến mọi vùng miền, mọi tầng lớp trong xã hội. Đặc biệt, việc mở rộng dịch vụ việc làm và tiếp cận công nghệ số.

Tăng tốc cải thiện thủ tục hành chính

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Cách mạng công nghệ 4.0 đã và đang thay đổi và là động lực giúp các nước thay đổi vị thế của mình nếu biết tận dụng và chủ động tạo cơ hội.

Việt Nam có khát vọng đến năm 2045 sẽ trở thành nước thịnh vượng nhân dịp kỉ niệm 100 năm ngày lập nước.

"Chúng tôi có khát vọng lọt vào nhóm nước có thu nhập cao trên thế giới. Chúng tôi có khát vọng trở thành nền kinh tế thịnh vượng, nhưng nhận thức rõ rằng con đường đi đến không bằng phẳng, sẽ có nhiều thách thức. Đó là những thách thức đến từ nội tại nền kinh tế và tác động lớn từ những biến động của kinh tế quốc tế", Thủ tướng bày tỏ.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ: Diễn đàn kinh tế Thế giới vừa qua xếp hạng thể chế kinh tế Việt Nam đứng ở 94/140 quốc gia. Như vậy, Việt Nam vẫn là nền kinh tế bất lợi trong cạnh tranh toàn cầu. Nhận thức rõ điều này nên thời gian tới, Chính phủ sẽ tăng tốc cải thiện thủ tục hành chính, xây dựng thể chế kinh tế sao cho các chủ thể kinh tế đều có quyền tham gia vào hoạch định kế hoạch phát triển và chính sách.

Việt Nam sẽ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng mềm, chuyển đổi nền kinh tế sang số hóa, đổi mới cơ chế tuyển dụng, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, người tài để tận dụng Cách mạng công nghệ 4.0 làm động lực tăng trưởng đất nước.

Việt Nam mới chỉ có 40% lao động trong tổng số lao động đã qua đào tạo. Cách mạng 4.0 chưa khả thi nếu chúng ta không cố gắng thay đổi. Cần tìm cơ chế khơi thông nguồn lực để gia tăng năng lực hạ tầng, trong đó thời gian tới là hạ tầng cảng biển, hạ tầng thông minh và kết nối số.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: "Chính phủ sẽ tiếp tục chỉnh sửa môi trường kinh doanh theo các tiêu chuẩn của OECD - (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) theo hướng nâng cấp hơn. Năm 2019, Chính phủ sẽ thực hiện các chính sách cải cách mạnh mẽ hơn, mới hơn để mở đường cho các chiến lược phát triển mới năm 2020, 2025 và đặt nền móng cho năm 2045...".