Tiềm năng phát triển kinh tế số của TP.HCM rất lớn, cần được đẩy mạnh
Diễn đàn Kinh tế TP.HCM (HEF) với chủ đề: “Kinh tế số - Động lực tăng trưởng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai” do Ủy ban Nhân dân TP.HCM tổ chức chính thức khai mạc vào ngày 15/4/2022 tại TP.HCM...
Với hơn 900 đại biểu, bao gồm lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành; đại diện các cơ quan ngoại giao; các tổ chức, định chế tài chính, các chuyên gia kinh tế và kinh tế số… HEF 2022 đã khái quát về Động lực tăng trưởng và phát triển TP.HCM trong tương lai, cũng như tiềm năng phát triển kinh tế số tại Thành phố năng động nhất cả nước này.
Trong năm 2021, nền kinh tế số của Việt Nam đạt 21 tỷ USD, đóng góp 5% GDP và cao gấp 7 lần so với năm 2015 và dự kiến sẽ đạt 57 tỷ USD vào năm 2025, đứng thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á. Nếu tận dụng tối đa lợi thế, kinh tế số có thể đem lại 27% GDP vào năm 2030.
TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ TP.HCM RẤT LỚN
Phát biểu tại HEF 2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số xác định “là xu thế tất yếu của thế giới, là đòi hỏi khách quan của sự phát triển. Chúng ta không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc”.
Đảng và Nhà nước đã có nhiều văn bản về chủ trương, chính sách chủ động tham gia thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số.
Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đề ra mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm tỷ lệ 20% GDP. Tỷ lệ này tiếp tục được khẳng định trong Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, ngoài ra, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%.
Mới đây, ngày 31/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đề ra các điểm đột phá và xác định thể chế, hạ tầng, nhân lực, người dân, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế số.
Có thể thấy rằng, phát triển kinh tế số là một nhiệm vụ được đặt ở mức ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển quốc gia và những điều kiện để hình thành, phát triển kinh tế số đều đã được chuẩn bị tương đối đầy đủ, toàn diện. Trải qua gần bốn thập kỷ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.
Theo báo cáo “e-Conomy SEA 2021” do Tập đoàn Google, Bain (Mỹ) và Temasek (Singapore) phối hợp công bố, nền kinh tế internet của Việt Nam năm 2021 đạt giá trị 21 tỷ USD, đóng góp hơn 5% GDP của đất nước, cao gấp 7 lần năm 2015, và dự kiến đạt 57 tỷ USD năm 2025, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á (tốc độ tăng trưởng khoảng 29% một năm). Nếu tận dụng tối đa, kinh tế số có thể đem lại 27% GDP vào năm 2030.
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, đạt được thành quả trên có sự đóng góp quan trọng của TP.HCM. Phó Thủ tướng đánh giá cao tính nhạy bén, năng động của Đảng bộ, Chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân Thành phố trong việc tổ chức Diễn đàn với chủ đề kinh tế số ngày hôm nay, nhằm thu thập các ý kiến chuyên gia, các bài học tốt để triển khai và cụ thể hóa chủ trương, chiến lược và chính sách của Trung ương.
Trong 2 năm vừa qua, TP.HCM là một trong những địa phương chịu tác động nặng nề nhất bởi làn sóng đại dịch Covid-19, kinh tế-xã hội và mọi mặt đời sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng đến quý 1/2022, toàn thể bộ máy chính quyền, doanh nghiệp và người dân Thành phố đã nỗ lực vượt qua khó khăn, đưa nền kinh tế phục hồi và từng bước phát triển nhanh hơn, sớm hơn dự kiến, đóng góp tích cực vào đà phục hồi chung của cả nước. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố (GRDP) quý 1 năm nay ước tăng 1,88% so với cùng kỳ, lần đầu đạt mức tăng trưởng dương sau quý 3 và quý 4 năm ngoái bị giảm sâu. Tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện ước đạt hơn 121.000 tỷ đồng, tăng 9,41% so với cùng kỳ.
“Ngay trong quý 1/2022, TP.HCM đã đưa nền kinh tế phục hồi sớm hơn dự kiến, đóng góp tích cực vào đà phục hồi chung của cả nước. Tuy nhiên, chuyển đổi số trong thời gian vừa qua mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu và tiềm năng phát triển còn rất lớn. Do đó, chính quyền TP.HCM cần tập trung khai thác tiềm năng này trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng đánh giá cao tính nhạy bén, năng động của Đảng bộ, Chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân Thành phố trong việc tổ chức Diễn đàn với chủ đề kinh tế số HEF 2022 nhằm thu thập các ý kiến chuyên gia, các bài học tốt để triển khai và cụ thể hóa chủ trương, chiến lược và chính sách của Trung ương.
ĐẨY MẠNH CHUYỂN ĐỐI SỐ
Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, trong năm 2021 vừa trải qua một biến cố lớn là đại dịch Covid-19, gây tổn thất cả về kinh tế - xã hội và con người; tổn thất không chỉ về vật chất mà cả đời sống tinh thần của người dân. Riêng tại TP.HCM, trong Quý 3/2021, kinh tế trên địa bàn giảm khoảng 25%, đến quý 4/2021 giảm 11,6%, làm tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm giảm 6,78%.
Nhưng đến cuối năm 2021, đầu năm 2022, TP.HCM nói riêng và cả Việt Nam nói chung đã từng bước mở cửa kinh tế theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả trong điều kiện thực hiện thành công chiến dịch tiêm chủng thần tốc và lớn nhất từ trước tới nay. Việt Nam đã trở thành một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất trên thế giới.
Phát biểu tại HEF 2022, Bí thư thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, chia sẻ: mục tiêu đề ra là đến 2030 TP.HCM trở thành thành phố dịch vụ công nghiệp hiện đại, là trung tâm kinh tế tài chính của khu vực, trong đó kinh tế số chiếm 40% GRDP.
Để thực hiện thành công mục tiêu kép, trước tiên phải nhờ chủ trương đúng đắn của Trung ương cùng với tinh thần đồng thuận của nhân dân, sự năng động của doanh nghiệp cùng sự nỗ lực và sáng tạo của cả hệ thống chính trị trong thực hiện mục tiêu kép: phòng chống dịch và phục hồi kinh tế. Đến nay, đời sống kinh tế - xã hội Thành phố đang khởi sắc và dần dần trở lại sự hoạt động bình thường. Quý 1/2022, kinh tế TP.HCM đang lấy lại đà tăng trưởng với mức +1,88%, so với mức -11,6% của Quý 4/2021 và tiếp tục đóng góp đến 1/3 ngân sách cả nước.
Đại dịch Covid-19 để lại những hậu quả nặng nề và cũng chưa lường hết được, nhưng mặt khác đã và đang tác động thúc đẩy chuyển đổi số trên cả 3 nội dung: chính quyền số, doanh nghiệp số và xã hội số... Chúng ta thường nói trong nguy có cơ và đây là cơ hội để TP.HCM triển khai mạnh mẽ hơn chương trình chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, tái cơ cấu nền kinh tế trên nền tảng phát triển trong thời đại Công nghiệp 4.0.
Với tinh thần năng động sáng tạo, các doanh nghiệp TP.HCM đã và đang tận dụng các cơ hội kinh doanh mới từ chuyển đổi số, tham gia và đóng góp tích cực vào kinh tế số. Đây cũng là định hướng phát triển mới của Thành phố, nhằm phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, thích ứng trong điều kiện bối cảnh còn nhiều biến động.
Tuy nhiên, kinh tế số vẫn còn là lĩnh vực rất mới mẻ, bên cạnh sự đầu tư hạ tầng và dẫn dắt của chính quyền địa phương, rất cần sự chung tay đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách từ Trung ương, các bài học kinh nghiệm quý báu từ các doanh nghiệp, địa phương và các tổ chức quốc tế để đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả.
Kinh tế số cũng đòi hỏi tinh thần dám nghĩ dám làm, đổi mới sáng tạo tìm kiếm cơ hội kinh doanh của các doanh nhân. Triển khai hiệu quả chuyển đổi số, kinh tế số là một trong những cơ hội quan trọng, giúp TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung đi tắt, đón đầu, phát triển nhanh chóng, đuổi kịp và tiến vượt so với các nước trong khu vực.