06:00 01/12/2021

Kinh tế TP.HCM ghi nhận những dấu hiệu tích cực

Xuân Thái

TP.HCM đã kiểm soát dịch bệnh đồng thời tiến hành mở cửa các hoạt động sản xuất kinh doanh theo phương châm “An toàn là trên hết”. Tính đến hết tháng 11/2021, kinh tế thành phố ghi nhận các tín hiệu tích cực, trong đó đáng chú ý là tổng thu cân đối ngân sách 11 tháng đầu năm 2021 ước tăng 8,6% so với cùng kỳ...

Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP.HCM...
Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP.HCM...

Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP.HCM; tuy nhiên so với tháng 10 vừa qua, tổng thu cân đối ngân sách tháng 11 tăng 1,3% và tăng 8,6% so cùng kỳ.

NGUỒN THU TĂNG: DẤU HIỆU ĐÁNG MỪNG

Theo số liệu từ Cục Thống kê TP.HCM vừa công bố, tổng thu cân đối ngân sách 11 tháng đầu năm 2021 trên địa bàn Thành phố ước tăng 8,6% so với cùng kỳ. Nếu không kể nguồn thu từ quỹ dự trữ tài chính thì tổng thu ngân sách ước tăng 6,2% so với cùng kỳ.

Con số tương ứng này ở tháng 10 vừa qua là 7,3% và 4,6%. Đây là dấu hiệu tích cực cho bài toán thu ngân sách cuối năm. Theo đó, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn TP.HCM lũy kế 11 tháng đầu năm 2021 ước thực hiện 347.298 tỷ đồng, đạt 95,2% dự toán và tăng 8,6% so cùng kỳ năm 2020. Cụ thể như sau:

Thu nội địa ước thực hiện 228.843 tỷ đồng, đạt 92,1% dự toán, chiếm 65,9% tổng thu cân đối và tăng 6,6% so cùng kỳ. Trong đó: Thu từ doanh nghiệp nhà nước ước thực hiện 24.161 tỷ đồng, đạt 89,4% dự toán, chiếm 7% tổng thu và tăng 9% so cùng kỳ; thu từ khu vực ngoài nhà nước ước thực hiện 66.107 tỷ đồng, đạt 97,6% dự toán, chiếm 19% tổng thu và tăng 13,5% so cùng kỳ; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ước thực hiện 58.276 tỷ đồng, đạt 97,6% dự toán, chiếm 16,8% tổng thu và tăng 6,1% so cùng kỳ.

Thu dầu thô ước thực hiện 12.934 tỷ đồng, vượt 51,3% dự toán năm, chiếm 3,7% tổng thu cân đối và tăng 27,9% so cùng kỳ. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 105.500 tỷ đồng, đạt 97,7% dự toán, chiếm 30,4% tổng thu cân đối và tăng 11,1% so cùng kỳ.

Thu cân đối ngân sách địa phương lũy kế 11 tháng đầu năm 2021 ước thực hiện 84.462 tỷ đồng, vượt 2,8% dự toán, chiếm 24,3% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước và giảm 7,5% so cùng kỳ năm 2020.

Theo ông Trần Phước Tường, Phó cục trưởng phụ trách Cục Thống kê TP.HCM, nguồn thu ngân sách tăng chủ yếu đến từ kết quả kinh doanh khả quan từ các doanh nghiệp trong khối kinh doanh bất động sản, tài chính ngân hàng và tác động từ chính sách gia hạn thời gian nộp thuế theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP góp phần làm tăng tổng thu ngân sách trong 6 tháng đầu năm 2021.

Là một trong ba nhân tố tác động tích cực đến nguồn thu tăng ngân sách thành phố, tính đến thời điểm hiện nay, tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19.

Tổng vốn huy động tính đến ngày 01/11/2021 đạt 3.027,4 nghìn tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 10,4% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó, vốn huy động bằng VNĐ đạt 2.685 nghìn tỷ đồng, chiếm 88,7% tổng vốn huy động, tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 12,4% so cùng kỳ. Vốn huy động bằng ngoại tệ đạt 342,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,3% tổng vốn huy động, giảm 1,4% so tháng trước và giảm 3,4% so cùng kỳ.

Hiện ngành ngân hàng tiếp tục thực hiện các chương trình tín dụng, bảo đảm cung ứng đầy đủ vốn đầu tư cho nền kinh tế, thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Trung ương trong bối cảnh bị tác động bởi đại dịch Covid-19. Tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố tính đến ngày 01/11/2021 đạt 2.679,6 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 10,6% so cùng kỳ năm 2020.

Tổng chi ngân sách địa phương (chưa tính tạm ứng), lũy kế 11 tháng đầu năm 2021 THành phố ước thực hiện 79.353 tỷ đồng, đạt 81,8% dự toán và tăng 17,1% so cùng kỳ năm 2020. Tổng chi cân đối ngân sách địa phương ước thực hiện 77.368 tỷ đồng, đạt 83% dự toán, chiếm 97,5% tổng chi ngân sách địa phương và tăng 24,7% so cùng kỳ 2020. Trong đó, chi cho đầu tư phát triển ước thực hiện 14.540 tỷ đồng, đạt 38% dự toán, chiếm 18,3% tổng chi ngân sách địa phương và giảm 44,2% so cùng kỳ; chi thường xuyên ước thực hiện 52.585 tỷ đồng, vượt 9,7% dự toán, chiếm 66,3% tổng chi ngân sách địa phương và tăng 50,7% so cùng kỳ.

CHẬT VẬT VÀ QUYẾT TÂM THÁNG CUỐI NĂM 2021

Kinh tế TP.HCM trong hai tháng cuối năm diễn ra giữa lúc đà tăng trưởng kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu bị đe doạ do tác động của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư. Tại thành phố, việc bảo vệ sức khoẻ và ổn định sản xuất, giữ vững an ninh và an sinh xã hội là thách thức đòi hỏi nỗ lực rất lớn của chính quyền cùng doanh nghiệp và người dân Thành phố.

Để hoàn thành đồng thời hai nhiệm vụ “vừa chiến thắng dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ cho người dân, vừa ổn định xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó” từ nay đến hết năm 2021, thành phố tập trung giải quyết nhanh một số nội dung chủ yếu như sau:

Một là, tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh. Không chủ quan, lơ là; cách ly có chọn lọc, linh hoạt, thích ứng với trạng thái bình thường mới; nâng cao năng lực xét nghiệm tại các cửa khẩu sân bay, bến cảng cùng với năng lực điều trị bệnh Covid-19, năng lực tiêm chủng tại các cơ sở y tế nhà nước và tư nhân.

Hai là, huy động sức mạnh của toàn hệ thống chính trị, khơi dậy sức mạnh văn hoá của người Việt Nam để mỗi người là một chiến sĩ trong việc tự bảo vệ sức khoẻ của chính bản thân và gia đình, bảo vệ doanh nghiệp, cơ quan, trường học không bị nhiễm virus. Thực hiện các chính sách giảm, giãn thuế; chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế để duy trì hoạt động của doanh nghiệp nhằm tạo việc làm và thu nhập tối thiểu cho người lao động.

Ba là, tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai; giải quyết các xung đột pháp lý về thủ tục giao đất, xác định đơn giá đền bù, thủ tục thanh quyết toán xây dựng cơ bản để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trước mắt, ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế.

Bốn là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong tất cả các hoạt động hành chính của cơ quan nhà nước, nhất là những nơi thực hiện dịch vụ hành chính công, xem đây là nhiệm vụ cấp bách trong xây dựng chính quyền điện tử phục vụ người dân, từ đó thay đổi tư duy quản lý, phương pháp quản trị điều hành trong toàn xã hội. Tranh thủ thời cơ đẩy nhanh việc số hoá dữ liệu ở tất cả cơ quan, nhất là dữ liệu dân cư, dữ liệu doanh nghiệp.

 
Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ban hành ngày 19/4/2021 gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Trong đó quy định, thời gian gia hạn là 5 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2021 và quý 1, quý 2 năm 2021, thời gian gia hạn là 4 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 7/2021, thời gian gia hạn là 3 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 8 năm 2021. Thời gian gia hạn tại điểm này được tính từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về quản lý thuế (Điều 3 mục 1 khoản a).