Tiếp cận thông tin: Có luật rồi nhưng dân vẫn phải "xin"
Không dễ để tìm được tên, số điện thoại hay e-mail của người cung cấp thông tin, đầu mối chưa thống nhất, cán bộ còn e dè, người dân chưa biết hết quyền của mình
Không dễ để tìm được tên, số điện thoại hay e-mail của người cung cấp thông tin, đầu mối chưa thống nhất, cán bộ còn e dè, người dân chưa biết hết quyền của mình...
Đó là những khó khăn được đề cập tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thực thi Luật Tiếp cận thông tin, do Oxfam Việt Nam phối hợp với một số cơ quan khác tổ chức sáng 27/3 tại Hà Nội.
Chuẩn bị 10 năm, ban hành đã 3 năm, Luật Tiếp cận thông tin, theo bà Nguyễn Quỳnh Liên (Bộ Tư pháp) từ khi có hiệu lực thi hành (1/7/2018) đã tạo ra sự chuyển biến không nhỏ trong lĩnh vực này.
Bà Liên khẳng định việc tuyên truyền thi hành luật được tiến hành bài bản, nhiều cơ quan đã bố trí cán bộ có năng lực làm đầu mối thực hiện việc cung cấp thông tin cho nhân dân theo quy định của luật.
Tuy nhiên, những ý kiến từ các tổ chức khác cho thấy khoảng cách từ văn bản giấy tờ đến thực thi trên thực tế còn rất lớn.
Kết quả nghiên cứu của Oxfam và một số đối tác cho biết chưa tìm thấy chuyên mục thực hiện Luật Tiếp cận thông tin trên cổng thông tin điện tử của một số bộ, ngành. Theo đó cũng chưa tìm thấy các thông tin về đầu mối cung cấp thông tin, quy chế và quy trình cung cấp thông tin, danh mục thông tin bắt buộc phải công khai theo quy định của luật trên cổng thông tin điện tử và bảng niêm yết của các cơ quan này.
Tuy nhiên, người trình bày kết quả nghiên cứu, bà Ngô Thu Hà cho biết, cá biệt, như Văn phòng Quốc hội cung cấp công khai rất đầy đủ tên, điện thoại, e-mail cá nhân cán bộ thực thi việc cung cấp thông tin.
Với khuyến nghị nên thiết kế chuyên mục để người dân có nhu cầu tiếp cận thông tin dễ tìm thấy thông tin cần thiết, bà Hà nhấn mạnh khó khăn hiện nay là người dân vẫn phải tiếp cận công chức chuyên môn để xin thông tin.
Đại diện Sở Tư pháp (Hà Giang) cũng nêu không ít khó khăn của việc thi hành luật.
Đó là việc rà soát, lập danh mục thông tin được công khai, thông tin không được công khai, thông tin được tiếp cận có điều kiện tại các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai còn chậm.
Cán bộ được giao làm đầu mối cung cấp thông tin của các cấp, các ngành chủ yếu kiêm nhiệm, chưa được tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về hoạt động cung cấp thông tin do đó khó đáp ứng yêu cầu hoạt động cung cấp thông tin của cơ quan, đơn vị ngay khi luật có hiệu lực thi hành.
Khó khăn nữa là hiện tại luật và nghị định đều xác định trách nhiệm thực hiện cung cấp thông tin thuộc về cơ quan Nhà nước các cấp, trong đó có cán bộ đầu mối giúp thủ trưởng cơ quan thực hiện. Tuy nhiên, chưa xác định rõ mô hình về cán bộ đầu mối; tiêu chuẩn, điều kiện của cán bộ đầu mối thực hiện nhiệm vụ này. Do đó dẫn đến tình trạng áp dụng không thống nhất, có nơi giao cho cán bộ văn phòng thực hiện, có nơi giao cho cán bộ tiếp công dân thực hiện, có nơi giao cho công chức tư pháp cấp xã hoặc cán bộ pháp chế ngành, có nơi giao cho Thanh tra thực hiện.
Mặt khác, do chưa quy định cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện của cán bộ đầu mối thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin do đó có nhiều cơ quan, đơn vị bố trí cán bộ không đủ năng lực, kỹ năng để thực hiện hoạt động tổng hợp, tiếp nhận, xử lý và cung cấp thông tin theo quy định của luật.
Tâm lý e ngại của cán bộ có trách nhiệm cung cấp thông tin cũng được vị đại diện sở Tư pháp Điện Biên nhấn mạnh. Bởi, hiện chưa có quy định giải thích, hoặc xác định cụ thể về các tiêu chí, điều kiện được coi là "thông tin gây nguy hại hoặc ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác" hoặc thông tin nào là "cần thiết vì lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng".
Do đó việc xác định những yếu tố cần thiết hoặc gây ảnh hưởng, nguy hại đều do cán bộ đầu mối cung cấp thông tin tự xác định căn cứ vào nhận định chủ quan của mình. Vì vậy có thể dẫn việc áp dụng không thống nhất và hạn chế quyền yêu cầu cung cấp thông tin của công dân nếu cán bộ bộ đầu không nhận thức đúng đắn về các quy định nêu trên.
Ngoài ra, theo Sở Tư pháp Điện Biên, các nội dung quy định về trách nhiệm của cơ quan thông tin còn thiếu các chế tài về đánh giá, bình xét, xử lý đối với các cơ quan, tổ chức không hoàn thành nhiệm vụ hoặc không thực hiện đúng nhiệm vụ cung cấp thông tin theo quy định của luật, vì vậy chưa thực sự nâng cao và phát huy hết trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong hoạt động cung cấp thông tin.
Đáng chú ý, đại diện xã Xuân Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) cho biết thời điểm hiện tại xã này cũng vẫn chưa có kế hoạch cụ thể để triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin.
Liên quan đến chủ đề trình bày là việc tiếp cận thông tin của công dân gắn với thực thi chính sách giao đất giao rừng tại địa phương, vị này cho biết vì thiếu thông tin và do ý chí chủ quan của cơ quan nhà nước cấp trên dẫn đến giao đất giao rừng không đúng nguyện vọng của dân. Dân cần đất để sản xuất nhưng khi giao lại giao rừng tự nhiên dẫn đến dân không sản xuất được.