14:42 18/10/2020

Rau, củ muối có lợi và hại như thế nào?

An Nhiên

Thực phẩm này có các loại men, khuẩn có lợi cho đường ruột. Tuy nhiên, cách thức chế biến rau, củ muối không đúng ẩn chứa không ít nguy cơ cho sức khỏe của người sử dụng.
Dưa, cà, các loại rau, củ, quả muối chua từ lâu đã được xem là một thực phẩm phố biến ở nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Ở các khu chợ dân sinh nào bạn cũng có thể dễ dàng tìm thấy những hàng bán rau, củ, quả muối. Gian hàng cũng rất đơn giản chỉ cần một chiếc bàn và vài bình nhựa, bên trong là mỗi món muối, dưa, cà, sung, kim chi rất bắt mắt và tiện cho người mua.
Thời điểm này khoa học kỹ thuật phát triển, rau, củ, quả được muối  đóng gói công nghiệp đã trở nên phổ biến, tuy nhiên hương vị của các rau củ muối theo phương pháp truyền thống vẫn có sức hấp dẫn riêng, nhưng không phải người nội trợ nào cũng có thời gian làm tại nhà. Việc mua sẵn rau, củ, quả muối ở các hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ, hoặc chợ dân sinh ngày càng trở nên phổ biến, tuy nhiên việc sử dụng bình lọ không đúng tiêu chuẩn sẽ tác động không nhỏ tới chất lượng cũng như an toàn cho sản phẩm rau củ muối. PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm cho biết: rau củ quả muối là cách để người dân bảo quản thực phẩm. Quá trình này giúp bảo tồn được vitamin, giá trị dinh dưỡng vốn có, đồng thời trong quá trình đó sinh ra các axit có lợi cho sức khỏe, tăng vị chua giúp dễ ăn dễ tiêu hóa hơn. Tuy nhiên, muối như vậy cũng không hoàn toàn có lợi bởi vì ăn đồ có chứa lượng muối cao ảnh hưởng nhiều đến hệ tim mạch nhất là với người mắc bệnh lý tim mạch. Theo Y tế khuyến cáo, người bình thường không nên ăn vượt quá 6-8g muối/ ngày. Ngoài ra, rau, củ, quả được muối lâu ngày sẽ gây ra một số chất độc hại vì khi trồng trọt chúng được bón nitrat nhiều, khi muối có khả năng là nguyên nhân gây bệnh ung thư. Do đó, ăn nhiều sẽ càng tích tụ nhiều, khi cơ thể quá tải đào thải độc tố, sẽ có thể gây hậu quả không tốt.   Theo quan sát của phóng viên, đa số các hộ kinh doanh đều dùng các bình nhựa thậm chí các thùng, xô đựng sơn để muối rau, củ, quả. Muối dưa theo cách truyền thống là sử dụng các đồ sành, sứ, sau này bằng đồ thủy tinh như vậy muối dưa mới an toàn cho người sử dụng. Dùng các đồ nhựa, chất dẻo hay inox sẽ dễ dàng thôi nhiễm làm cho thực phẩm nhiễm bẩn, nhiễm độc.   
Rau, củ muối có lợi và hại như thế nào? - Ảnh 1.
Như vậy, chị em nội trợ cần thận trọng, chọn mua rau củ quả muối chua an toàn để đảm bảo sức khỏe. Ngoài muối chua, bạn cũng có thể bảo quản rau củ quả bằng những mẹo này: Những loại rau sống như xà lách, rau diếp, rau thơm, dễ trở nên héo úa khi mua về, đặc biệt nếu rửa qua nước. Bởi khi rửa rau quả sẽ mất đi lớp bảo vệ tự nhiên bên ngoài giúp chúng tránh bị thối rữa hay có mùi. Do đó, rau củ nếu bẩn, bạn nên dùng khăn lau hoặc nếu rửa nên để thật ráo nước mới cho vào bảo quản trong tủ lạnh. Sau khi rủa sạch rau quả, bạn vẩy ráo rồi bọc trong khăn giấy cho vào túi ziplock kéo kín khóa lại, lưu ý càng ít không khí vào trong túi càng tốt rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh. Lớp khăn giấy sẽ hút độ ẩm tử rau xanh từ đó rau không bị nhớt. Bên cạnh đó, túi rau bọc kín giảm không khí lưu thông bên trong làm chậm quá trình héo úa. Để rau quả tươi lâu hơn, bạn nên để nhiệt độ tủ lạnh thấp 1-4 độ C, nhiệt độ quá cao sẽ khiến vi khuẩn phát triển, lạnh quá sẽ khiến rau củ đóng băng nhanh hỏng. Không để lẫn thực phẩm chín chúng với rau xanh vì rất dễ lây nhiễm vi khuẩn. Đối với rau ăn lá, có thể để riêng lá và cọng rau, loại bỏ phần lá úa để giữ rau tươi lâu hơn.