11:38 07/03/2023

Tìm giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế thế giới còn bất ổn

Vũ Khuê

Sử dụng các giải pháp về ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, tháo gỡ khó khăn về vốn… nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khu vực chế biến, chế tạo có thêm nguồn lực phục hồi sản xuất kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn...

2 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 6,3% so với cùng kỳ.
2 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 6,3% so với cùng kỳ.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong 2 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 6,3% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giảm khoảng 13% trong đó xuất khẩu ước đạt 49,45 tỷ USD, giảm 10,4%; nhập khẩu ước đạt 46,6 tỷ USD, giảm 16%. Tuy nhiên, cán cân thương mại tiếp tục ở mức xuất siêu 2,82 tỷ USD.

NGUYÊN NHÂN SUY GIẢM SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP, XUẤT NHẬP KHẨU

Theo phân tích của Bộ Công Thương, nguyên nhân chính của sự suy giảm sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu đến từ cả yếu tố bên trong và bên ngoài.

Đó là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột tại Ukraine khiến giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng và logistics toàn cầu vẫn ở mức cao… đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước.

Lạm phát cũng ở mức cao, chính sách tiền tệ vẫn chưa nới lỏng, xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ tại một số thị trường tiêu thụ dệt may, da giày, đồ gỗ, linh kiện điện tử lớn như Mỹ, EU khiến nhu cầu nhập khẩu giảm.

Ngoài ra, các yếu tố bên trong như sức mua trong nước dù đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng, hoạt động mua hàng trở lại giảm.

Sự thiếu hỗ trợ giữa thị trường nội địa và các ngành sản xuất hay liên kết giữa thị trường nội địa và khu vực sản xuất yếu.

Các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào nguyên vật liệu vẫn ở mức cao, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang ở trong bối cảnh khó khăn do thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn đã bắt đầu giảm.

Sức ép lạm phát, lãi suất gia tăng cũng đã trực tiếp ảnh hưởng đến việc tiêu dùng các sản phẩm xa xỉ như ô tô. Thị trường ô tô trong 2 tháng đầu năm 2023 sụt giảm mạnh so với cùng kỳ các năm do lãi suất vay tiêu dùng cao khiến người dân không bảo đảm nguồn tài chính mua trả góp.

Mặt khác, thói quen tiêu dùng trong thời kỳ Covid-19 của một bộ phận người dân vẫn được duy trì đến thời điểm hiện tại, người lao động mất việc làm. Theo đó, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm để tiêu dùng các sản phẩm thiết yếu hơn là các sản phẩm xa xỉ, kể cả sản phẩm thông thường như dệt may, giày dép….

Nhu cầu tiêu dùng đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình cũng giảm nhiều do người dân chủ yếu tập trung mua sắm các mặt hàng này trong giai đoạn trước Tết.

Bộ Công Thương nhận định, trong thời gian tới sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức do kinh tế thế giới đang ở giai đoạn khó khăn, hồi phục chậm, tổng cầu giảm.

Lạm phát và lãi suất vẫn duy trì ở mức cao khiến nhu cầu tiêu dùng tiếp tục giảm tại các quốc gia trên thế giới trong đó có khu vực châu Âu - châu Mỹ.

Nhu cầu tiêu dùng tiếp tục giảm tại các quốc gia trên thế giới khiến xuất khẩu giảm.
Nhu cầu tiêu dùng tiếp tục giảm tại các quốc gia trên thế giới khiến xuất khẩu giảm.

Xung đột Nga - Ukraine tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực và rất khó đoán định khiến đầu tư giảm và gián đoạn, niềm tin của doanh nghiệp và nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu giảm, tạo thêm khó khăn cho hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam…

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cộng với việc một số địa bàn xuất khẩu trọng điểm nới lỏng các biện pháp hạn chế thương mại đối với Trung Quốc làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam…

CẦN THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ NHIỀU GIẢI PHÁP

Để vượt qua những thách thức trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết trong thời gian tới Bộ sẽ tập trung mọi giải pháp phát triển mạnh mẽ thị trường nội địa, thông qua các Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa.

Tổ chức đẩy mạnh triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các Chương trình, đề án về phát triển thương mại trong nước. Đổi mới phương thức, lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước vào các chương trình kích cầu tiêu dùng.

Hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho các chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ trong nước; quảng bá các đặc sản vùng miền, sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất trong nước bằng việc rà soát các tồn đọng ở các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng, tháo gỡ khó khăn để sớm đi vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản... nhằm gia tăng năng lực sản xuất mới và tạo chủ động nguồn cung nguyên, nhiên vật liệu, phát triển bền vững sản xuất.

Tuy nhiên, để thực hiện được các giải pháp trên, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản để sớm đưa vào khai thác, sử dụng, tạo nguồn động lực tăng trưởng mới, bảo đảm tự chủ một phần nguồn cung nguyên liệu cho các ngành luyện kim, vật liệu trong nước.

Đồng thời sớm phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện 8), ngoài việc phát triển điện lực còn giúp tạo dựng thị trường cho các ngành cơ khí năng lượng (như chế tạo các thiết bị điện gió, điện mặt trời, điện khí…) phát triển mạnh trong thời gian tới.

Để tăng cường sức mua nhằm phục hồi thị trường ô tô, duy trì và thúc đẩy hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, trên cơ sở đề xuất của các doanh nghiệp trong ngành và một số địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước phối hợp nghiên cứu, tiếp tục trình ban hành một số chính sách hỗ trợ về tài chính cho ngành như chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong năm 2023, chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời hạn nhất định (06 tháng hoặc đến hết năm 2023).

Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có chính sách điều hành tín dụng sao cho nguồn vốn tín dụng chảy vào khu vực sản xuất và xuất khẩu, đặc biệt là khu vực chế biến, chế tạo để tiếp sức cho doanh nghiệp. Xem xét điều chỉnh lãi suất cho vay đối với sản xuất và tiêu dùng để kích thích nhu cầu mua sắm của người dân.

Đối với các địa phương, người đứng đầu Bộ Công Thương cũng đề nghị phối hợp với các Bộ, ngành đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu…