15:35 28/02/2023

Sản xuất công nghiệp tăng 5,1%, nhiều ngành chủ lực vẫn gặp khó

Huyền Vy

Do số ngày làm việc nhiều hơn và người lao động đã quay trở lại làm việc trong doanh nghiệp, nên sản xuất công nghiệp trong tháng 2/2023 tăng 5,1% so với tháng trước...

Chỉ số sản xuất công nghiệp trong 2 tháng đầu năm 2023 giảm do kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Chỉ số sản xuất công nghiệp trong 2 tháng đầu năm 2023 giảm do kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Theo số liệu báo cáo của Tổng cục thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 02/2023 ước tính tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 7%; ngành chế biến, chế tạo tăng 3,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 2,8%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6%.

Tuy nhiên, tính chung hai tháng đầu năm 2023, IIP ước giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 5,6%) do kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường, lạm phát các nước mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, đơn hàng giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm.

Trong đó, ngành khai khoáng giảm 3,8% (cùng kỳ năm 2022 tăng 0,1%), làm giảm 0,6 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành chế biến, chế tạo giảm 6,9% (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,1%), làm giảm 5,3 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 5,2% (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,4%), làm giảm 0,5 điểm phần trăm; riêng ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 3,7%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm.

Chỉ số sản xuất công nghiệp hai tháng đầu năm 2023 của một số ngành trọng điểm cấp II giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, gồm: Sản xuất thiết bị điện giảm 50,7%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 13,6%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 13%; sản xuất kim loại giảm 12,2%; sản xuất trang phục giảm 11,7%; dệt giảm 11%; sản xuất phương tiện vận tải khác và sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác cùng giảm 8,6%; sản xuất xe có động cơ giảm 6%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan giảm 5,3%.

Tốc độ tăng/giảm chỉ số IIP hai tháng đầu năm các năm 2019-2023 so với cùng kỳ năm trước của một số ngành công nghiệp trọng điểm.
Tốc độ tăng/giảm chỉ số IIP hai tháng đầu năm các năm 2019-2023
so với cùng kỳ năm trước của một số ngành công nghiệp trọng điểm.

Bên cạnh đó, chỉ số IIP của một số ngành sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước là đồ uống tăng 32,4%; than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 20%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị tăng 6,5%; thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 6,1%; sản phẩm từ cao su và plastic tăng 6%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 4,3%; khai thác quặng kim loại tăng 4,2%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp hai tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 44 địa phương và giảm ở 19 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.

Cụ thể, Tuyên Quang tăng 26,3%; Hải Phòng tăng 14,4%; Hải Dương và Phú Thọ tăng 14,3%; Kon Tum tăng 13,4%; Bắc Giang tăng 11,9%; An Giang tăng 11,8%; Hậu Giang tăng 8,9%. Các địa phương có chỉ số sản xuất của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao: Hậu Giang tăng 208,2%; Thái Bình tăng 74,5%; Quảng Trị tăng 40,6%.

Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm. Điển hình như Quảng Nam giảm 38,9%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 18,2%; Vĩnh Long giảm 15,7%; Sóc Trăng giảm 15,5%; Lai Châu giảm 15,3%; Đà Nẵng giảm 10,4%; Bắc Ninh giảm 9,1%; Quãng Ngãi giảm 8,5%; Hà Giang giảm 6%

Tốc độ tăng/giảm IIP hai tháng đầu năm 2023so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương (%).
Tốc độ tăng/giảm IIP hai tháng đầu năm 2023so với cùng kỳ năm trước
của một số địa phương (%).

Báo cáo của Tổng cục thống kê cũng cho thấy, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/02/2023 tăng 0,5% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 1,1% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,1% và tăng 0,4%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 0,2% và giảm 1,3%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,8% và giảm 1,1%.

Theo ngành hoạt động, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng tăng 0,1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 0,2% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 0,5% và giảm 1,1%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí không đổi và giảm 2,5%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,3% và tăng 0,6%.

Để ngành công nghiệp tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2023, theo Tổng cục Thống kê, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm như tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu; hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu; kích cầu tiêu thụ trong nước.

Theo Bộ Công Thương, để tăng tốc phát triển sản xuất công nghiệp trong năm 2023, Bộ Công Thương sẽ triển khai tích cực Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp ưu tiên. Cùng với đó, rà soát cơ chế, chính sách tác động đến công nghiệp của từng ngành, sản phẩm. Từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu để hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỉ lệ nội địa hóa.