09:42 17/12/2009

Tín hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ

Tuấn Linh

Chính sách tiền tệ bắt đầu có dấu hiệu thắt chặt thông qua việc tăng lãi suất cơ bản từ đầu tháng 12

Sự phối kết hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá, nhất là trong quá trình điều hành, ở một chừng mực nhất định còn thiếu sự phối hợp, hay thậm chí là “lệch pha” nhau.
Sự phối kết hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá, nhất là trong quá trình điều hành, ở một chừng mực nhất định còn thiếu sự phối hợp, hay thậm chí là “lệch pha” nhau.
Chính sách tiền tệ bắt đầu có dấu hiệu thắt chặt thông qua việc tăng lãi suất cơ bản từ đầu tháng 12, trong khi chính sách tài khoá dù có chặt hơn đôi chút nhưng nhìn chung vẫn theo hướng nới lỏng.

Bài học từ giai đoạn trước cho thấy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai chính sách này để phát huy tốt hiệu quả của mỗi chính sách, góp phần thực hiện mục tiêu của Chính phủ.

Theo TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá là hai công cụ quản lý kinh tế vĩ mô quan trọng của bất cứ quốc gia nào. Tuy mỗi chính sách đều có mục tiêu riêng nhưng chung quy lại đều cùng theo đuổi mục tiêu của quản lý kinh tế vĩ mô là tăng trưởng kinh tế bền vững, kiểm soát lạm phát và công ăn việc làm cao.

Từ “mở” đến “thắt”

TS. Hoàng Huy Hà, Phó tổng giám đốc BIDV nhận định, trong 2 năm gần đây, chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá đã 3 lần được điều chỉnh để đối phó với những biến động của kinh tế trong nước và thế giới, đặc biệt là cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Cụ thể, sau giai đoạn mở rộng cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từ nửa cuối năm 2007 đến nửa đầu năm 2008, chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá được điều chỉnh theo hướng thắt chặt để đối phó với lạm phát, mà đỉnh cao là việc nâng lãi suất cơ bản lên 14%/năm vào tháng 6/2008.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2008, nguy cơ lạm phát cao tạm thời lắng xuống. Để từng bước phục hồi kinh tế, tạo đà cho tăng trưởng GDP, Chính phủ chủ trương nới lỏng hơn chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá trên cơ sở bám sát theo dõi và phản ứng linh hoạt với diễn biến thị trường.

Việc nới lỏng hai chính sách này đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP khi chỉ số này liên tục tăng qua các tháng, nhưng theo TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cái giá phải trả là nguy cơ lạm phát cao quay trở lại cũng nhưng rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô.
Bởi vậy, Chính phủ bắt đầu phát đi những tín hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ, cụ thể là động thái nâng lãi suất cơ bản lên 8%/năm kể từ ngày 1/12/2009 của Ngân hàng Nhà nước.

“Những động thái vừa qua của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đang có một sự dịch chuyển nhất định trong điều hành chính sách, từ kích thích kinh tế để duy trì tăng trưởng sang mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thể hiện qua các quyết định về lãi suất, tỷ giá và một số biện pháp giám sát, kiểm soát tín dụng vừa qua”, ông Thành nói.

Mặt khác, để đạt được mục tiêu nói trên rất cần sự phối hợp của chính sách tài khoá bởi theo ông Thành, chính sách tài khoá mặc dù đã “chặt hơn đôi chút” nhưng so với những năm trước thì vẫn được nới lỏng, thể hiện ở con số thâm hụt ngân sách được Quốc hội quyết định là 6,2% trong năm 2010.

Làm thế nào để không “lệch pha”

Mặc dù vậy, theo đánh giá của TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, trên thực tế, sự phối kết hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá, nhất là trong quá trình điều hành, ở một chừng mực nhất định còn thiếu sự phối hợp, hay thậm chí là “lệch pha” nhau.

Ví dụ trước tháng 6/2007, chính sách tiền tệ được nới lỏng quá mức khiến cung tiền trong lưu thông tăng vọt, trong khi mức độ mở rộng của chính sách tài khoá thấp hơn nhiều so với chính sách tiền tệ khiến nền kinh tế không thể hấp thụ được nguồn vốn lớn, hiệu quả đầu tư thấp, nhập khẩu lạm phát từ nước ngoài.

Hay như cuối năm 2007, đầu năm 2008, trong khi chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm mục tiêu kiềm chế lạm phát thì chính sách tài khoá lại nới lỏng khiến áp lực lạm phát và lãi suất tăng. Chỉ đến khi những dấu hiệu lạm phát trở nên rõ ràng, chính sách tài khoá mới được điều chỉnh lại.

Bởi vậy, theo TS. Võ Trí Thanh, để hạn chế những ảnh hưởng bất lợi giữa hai chính sách, nâng cao hiệu quả điều hành, nhất thiết phải có sự phối hợp đồng bộ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá, sự phối hợp và chia sẻ thông tin giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, đảm bảo thống nhất mục tiêu và có sự cân nhắc tác động trái chiều của các chính sách.

Trên cơ sở đó, trong quá trình thực thi, sự phối hợp sẽ được thể hiện trong các vấn đề: bù đắp thâm hụt ngân sách, điều tiết cung tiền, liều lượng tham gia của mỗi chính sách...
Sự phối hợp này còn phụ thuộc vào hiệu lực của bản thân hai chính sách: số nhân của chính sách tài khoá thông qua thay đổi thuế, thay đổi chi tiêu của Chính phủ; tác động của lãi suất lên tiêu dùng, đầu tư, tiết kiệm trong chính sách tiền tệ...

Đấy là chưa nói đến bối cảnh thực hiện của mỗi chính sách: chính sách tiền tệ trong môi trường đô la hoá cao, chỉ số ICOR... Độ trễ của mỗi chính sách cũng là một vấn đề vì quy trình quyết định các chính sách này không giống nhau.