08:38 21/08/2022

Tỉnh Sóc Trăng muốn thử nghiệm dùng cát biển dồi dào bù vào nguồn cát sông khan hiếm để làm cao tốc

Xuân Nghi

Tỉnh Sóc Trăng vừa có đề xuất thử nghiệm dùng nguồn cát biển dồi dào mà địa phương này đang sở hữu nguồn dự trữ lớn để phục vụ việc san lấp, thi công các dự án đường bộ cao tốc đi qua tỉnh này và các tỉnh khác vùng đồng bằng sông Cửu Long…

Tỉnh Sóc Trăng muốn thử nghiệm dùng cát biển thay thế cát sông phục vụ thi công các dự án cao tóc. Trong ảnh: Bãi biển Hổ Bể, Vĩnh Châu, Sóc Trăng.
Tỉnh Sóc Trăng muốn thử nghiệm dùng cát biển thay thế cát sông phục vụ thi công các dự án cao tóc. Trong ảnh: Bãi biển Hổ Bể, Vĩnh Châu, Sóc Trăng.

Chính quyền tỉnh Sóc Trăng vừa có buổi làm việc với Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận, nhằm phối hợp triển khai dự án xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.

Tại buổi làm việc này, người đứng đầu chính quyền tỉnh Sóc Trăng xác nhận rằng địa phương này có nguồn dự trữ cát biển rất lớn và đề nghị khai thác thử nghiệm để phục vụ cho dự án cao tốc đang thiếu nguồn cát san lấp.

Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận đề nghị lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng hoàn thiện dự thảo quy chế để thống nhất ban hành; đồng thời giao cho Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận làm đầu mối để phối hợp, cung cấp thông tin để tổng hợp báo cáo Bộ Giao thông vận tải và Chính phủ theo định kỳ. 

Về phía địa phương, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng, cho biết tỉnh Sóc Trăng sẽ nghiên cứu để bổ sung dự thảo quy chế phối hợp triển khai dự án cao tốc; đồng thời, giao các tổ giúp việc Ban Chỉ đạo tỉnh làm đầu mối liên hệ với Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận để phối hợp thực hiện các công việc liên quan.

Về vật liệu cho dự án, nhất là vật liệu/cát san lấp, Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận cho biết mới đây qua khảo sát đã ghi nhận nguồn cát tại khu vực biển Sóc Trăng có trữ lượng rất lớn, có thể lên đến hàng tỷ m3. Vì vậy, chủ đầu tư đè nghị tỉnh Sóc Trăng cho phép đơn vị tư vấn tổ chức khảo sát thăm dò, đánh giá lại trữ lượng đồng thời lấy mẫu thí nghiệm để đánh giá chất lượng.

Hiện nay nguồn cát sông trên sông Hậu đoạn đi qua Sóc Trăng vẫn còn nhưng không dồi dào và đủ để phục vụ dự án nên tỉnh đang cho khảo sát lại để có thống kê cụ thể. Trong khi đó, nguồn cát biển ở Sóc Trăng rất nhiều, có trữ lượng khủng và sẵn sàng chia sẻ với các địa phương có dự án cao tốc.

Tuy nhiên, phía Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng cũng yêu cầu Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận tiến hành rà soát coi thủ tục cấp phép như thế nào để được thăm dò, lấy mẫu thử nghiệm, tiến tới khai thác theo đúng quy định của pháp luật. Và, “nếu được phép khai thác cũng cần đánh giá kỹ tác động môi trường, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống người dân”, Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng lưu ý.

Để bắt tay vào việc này, Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận đề nghị có thể sẽ khai thác khoảng 3.000 m3 cát biển tại khu vực biển Sóc Trăng, vận chuyển về vị trí thi công thử nghiệm, đánh giá tiêu chuẩn trước khi báo cáo về Bộ Giao thông vận tải.

Nguồn cát sông phục vụ san lấp đang thiếu hụt trầm trọng. Ảnh: Khai thác cát trên sông Hậu.
Nguồn cát sông phục vụ san lấp đang thiếu hụt trầm trọng. Ảnh: Khai thác cát trên sông Hậu.

Trước đó, vào đầu tháng 6/2022, Cục quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Bộ Giao thông vận tải, thông tin hiện có đến 3/10 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 đang triển khai vẫn thiếu hơn 3 triệu m3 đất đắp do chưa hoàn thành hồ sơ cấp phép khai thác. Trong đó, hai dự án thành phần là tuyến cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và cao tốc Hậu Giang - Cà Mau giai đoạn 2 đang cần khoảng 10 triệu m3 đất cát san lấp. 

Cục quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cũng nói rõ, hai dự án thành phần là tuyến Cần Thơ - Hậu Giang và tuyến Hậu Giang - Cà Mau theo tính toán ban đầu của Bộ Giao thông vận tải thì cần khoảng 15 triệu m3 cát san lấp. Bao gồm: Năm 2023 cần khoảng 10 triệu m3 cát đắp, năm 2024 cần khoảng 5 triệu m3 cát đắp. Nếu không thu xếp đủ nguồn cung cấp sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành hai dự án thành phần này.

 

Dự án cao tốc thành phần Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1 thuộc dự án cao tốc Bắc Nam có chiều dài 188 km, quy mô 4 làn xe với tổng mức đầu tư khoảng 44.700 tỷ đồng, đi qua địa bàn các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và TP. Cần Thơ. Dự án có điểm đầu kết nối quốc lộ 91 (TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) đi qua TP.Cần Thơ, Hậu Giang và điểm cuối giao với tuyến quốc lộ 91B – Nam Sông Hậu dẫn đến cảng biển Trần Đề (Sóc Trăng).

Dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau có tổng chiều dài 109 km, có tổng mức đầu tư hơn 27.254 tỷ đồng. Trong đó, đoạn Cần Thơ – Hậu Giang dài 37 km, đoạn Hậu Giang - Cà Mau dài 73 km. Những dự án này cần hàng chục triệu mét khối cát san lấp và được dự báo thiếu hàng triệu mét khối loại vật liệu này.