08:54 11/06/2018

Tổng thống Pháp: Không thể dùng “nắm đấm giận dữ” để làm ngoại giao

An Huy

Ông Trump đã có một cuộc khẩu chiến kịch liệt với Thủ tướng Canada, chủ nhà thượng đỉnh G7

Bức ảnh đăng trên tài khoản Instagram chính thức của Thủ tướng Đức Angela Merkel phản ánh mâu thuẫn giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với các nhà lãnh đạo còn lại trong G7 tại thượng đỉnh vừa diễn ra ở Canada - Ảnh: Instagram/BBC.
Bức ảnh đăng trên tài khoản Instagram chính thức của Thủ tướng Đức Angela Merkel phản ánh mâu thuẫn giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với các nhà lãnh đạo còn lại trong G7 tại thượng đỉnh vừa diễn ra ở Canada - Ảnh: Instagram/BBC.

Sau hai ngày họp, hội nghị thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đã khép lại trong tình trạng mâu thẫu gay gắt giữa Mỹ với các thành viên còn lại xung quanh vấn đề thương mại.

Dù rời hội nghị sớm để bay đến Singapore dự thượng đỉnh Mỹ-Triều, Tổng thống Donald Trump không quên lên mạng xã hội Twitter chỉ trích Thủ tướng Justin Trudeau của Canada, chủ nhà thượng đỉnh G7 lần này, là "thiếu trung thực và yếu đuối".

Ngoài ra, ông Trump cũng đứng ngoài tuyên bố chung của hội nghị - BBC đưa tin. Đây là tuyên bố nhằm khắc phục những bất đồng sâu sắc trong G7, chủ yếu là mâu thuẫn thương mại giữa Mỹ với các nước còn lại trong khối.

Đáp trả nhà lãnh đạo Mỹ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng không thể dùng "nắm đấm giận dữ" để làm ngoại giao. Một tuyên bố của văn phòng ông Macron khẳng định Pháp và các nước khác trong EU giữ nguyên sự ủng hộ cho tuyên bố chung của thượng đỉnh G7.

"Xin hãy nghiêm túc và xứng đáng với người dân của chúng ta. Chúng ta cam kết và giữ lời", tuyên bố có đoạn viết. "Hợp tác quốc tế không thể được thực thi bằng nắm đấm giận giữ và kiểu nói lời chẳng giữ lấy lời".

Đức cũng tuyên bố sẽ giữ vững tuyên bố chung của hội nghị - tuyên bố ủng hộ "một hệ thống thương mại dựa trên các nguyên tắc", đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với "thương mại tự do, bình đẳng, đôi bên cùng có lợi", và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chống lại chủ nghĩa bảo hộ.

Hôm 1/6, Mỹ áp thuế nhập khẩu 25% lên thép và 10% lên nhôm từ Liên minh châu Âu (EU), Canada và Mexico sau một thời gian tạm miễn cho các đối tác này. Chương trình đánh thuế thép và nhôm nhập khẩu của chính quyền Trump dựa trên lý do an ninh quốc gia.

Sau đó, EU, Canada và Mexico đồng loạt đáp trả Mỹ bằng cách áp thuế lên nhiều mặt hàng của Mỹ, gồm thịt lợn, xe mô-tô Harley-Davidson, rượu whiskey…

Mâu thuẫn thương mại giữa Mỹ với các đối tác này bùng lên giữa lúc Mỹ còn chưa giải quyết được mâu thuẫn thương mại với Trung Quốc.

Tại một cuộc họp báo sau thượng đỉnh G7 tại La Malbaie, Quebec, Thủ tướng Trudeau tái khẳng định sự phản đối của Canada đối với hàng rào thuế quan thép và nhôm của Mỹ. Ông Trudeau cho biết việc Canada áp thuế lên hàng Mỹ để trả đũa sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7.

"Canada rất lịch sự và biết điều, nhưng chúng tôi cũng không dễ bị bắt nạt", ông nói.

Viết trạng thái (tweet) trên Twitter trong lúc trên đường tới Singapore, ông Trump nói ông đã chỉ đạo các quan chức Mỹ "không phê chuẩn tuyên bố chung G7 trong lúc chúng tôi còn đang xem xét thuế quan đối với ôtô". Gần đây, Mỹ đã mở một cuộc điều tra đối với ôtô nhập khẩu mà kết quả có thể dẫn tới mức thuế 25%.

Ông Trump nói việc ông quay lưng lại với thông cáo chung của hội nghị là do "những tuyên bố sai (của ông Trudeau) và việc Canada đang áp thuế cao ngất ngưởng đối với nông dân, công nhân và các công ty của chúng tôi".

Vào ngày Chủ nhật, cố vấn kinh tế cấp cao nhất của ông Trump là ông Larry Kudlow nói với hãng tin CNN rằng ông Trump và các quan chức Mỹ đã đến thượng đỉnh G7 "với niềm tin tốt đẹp" nhưng ông Trudeau "đã đâm lén sau lưng chúng tôi".

Văn phòng của ông Trudeau lên tiếng bảo vệ các tuyên bố của nhà lãnh đạo Canada, nói rằng tất cả những gì ông Trudeau nói đều là những điều mà ông đã nói từ trước, với công chúng và trong các cuộc thảo luận với ông Trump.