Tổng thống Pháp ngầm chỉ trích ông Trump trước Quốc hội Mỹ
Sau khi bài phát biểu kết thúc, các nghị sỹ Mỹ đã đồng loạt đứng lên và vỗ tay suốt 3 phút đồng hồ để bày tỏ sự hoan nghênh và ủng hộ
Sau khi ca ngợi tình bạn với người đồng cấp Mỹ Donald Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã dùng bài phát biểu ngày 25/4 của ông trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ để lên án chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa biệt lập.
Bài phát biểu này được xem là một sự chỉ trích ngầm nhằm vào chủ trương "nước Mỹ trên hết" của ông Trump.
Theo hãng tin BBC, ông Macron nói rằng những chính sách như vậy đặt ra nguy cơ đối với sự thịnh vượng toàn cầu.
Trước đó, trong suốt chuyến thăm chính thức cấp nhà nước đến Mỹ, ông Macron đã thể hiện tình cảm thân mật với ông Trump và nhận được sự đón tiếp trọng thị từ người đồng cấp. Là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm chính thức Mỹ kể từ khi ông Trump lên cầm quyền, ông Macron đã phát triển được mối quan hệ gắn kết giữa ông với ông Trump, cũng như giữa Paris và Washington.
Phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào ngày thứ Tư, ông Macron đã ca ngợi "mối quan hệ không thể tách rời" giữa Mỹ và Pháp, một mối quan hệ mà ông gọi là được hun đúc bởi "tự do, khoan dung và các quyền bình đẳng".
Tuy nhiên, ngay sau đó, nhà lãnh đạo Pháp đề cập đến hàng loạt khác biệt trong quan điểm của ông với ông Trump về các vấn đề thương mại toàn cầu, Iran và môi trường, dù không nêu đích danh ông chủ Nhà Trắng.
Ông Macron nói rằng chủ nghĩa bảo hộ, sự co cụm và chủ nghĩa dân tộc "có thể hấp dẫn với chúng ta như thể đó là liều thuốc tức thời cho nỗi sợ hãi của chúng ta. Nhưng đóng cửa với thế giới sẽ chặn đứng sự phát triển của thế giới. Điều đó sẽ không xoa dịu mà sẽ thổi bùng nỗi sợ hãi của người dân".
"Chúng ta sẽ không để cho sự điên cuồng của chủ nghĩa dân tộc cực đoan làm rung chuyển một thế giới đang chất chứa đầy những tia hy vọng về sự thịnh vượng lớn hơn", ông Macron nói. Tổng thống Pháp cho rằng Mỹ đã sáng tạo ra chủ nghĩa đa phương và giờ là lúc Mỹ cần sáng tạo lại chủ nghĩa đa phương để tạo ra một trật tự thế giới mới cho thế kỷ 21.
Bài phát biểu thể hiện trí tuệ sâu sắc của Tổng thống Macron thậm chí "vay mượn" ngôn từ của chính ông Trump để chỉ trích ông Trump. Ông nói, giờ là lúc làm cho Trái Đất "tuyệt vời trở lại" - tương tự như khẩu hiệu tranh cử Tổng thống Mỹ của ông Trum là "hãy làm cho nước Mỹ tuyệt vời trở lại" (Make America Great Again).
"Bằng cách làm ô nhiễm các đại dương, không cắt giảm khí thải CO2 và phá hủy đa dạng sinh học, chúng ta đang giết chết hành tinh của mình. Hãy đối mặt với điều đó, bởi vì chẳng có một hành tinh B nào khác", ông Macron nói.
Năm ngoái, ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, nói rằng đây là một "thỏa thuận rất tồi tệ đối với nước Mỹ".
Về thương mại, ông Macron nói "chiến tranh thương mại không phải là câu trả lời đúng đắn" và "sẽ phá hủy việc làm, đẩy giá cả gia tăng". "Chúng ta nên đàm phán thông qua Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Chúng ta đã viết nên những quy tắc này, và chúng ta nên tuân thủ chúng".
Ông Trump từng nói chiến tranh thương mại là "tốt và dễ thắng".
Về vấn đề Iran, ông Macron nói Pháp sẽ không từ bỏ thỏa thuận hạt nhân với Tehran. Đây là thỏa thuận đạt được giữa Tehran và các cường quốc phương Tây khi Tổng thống Barack Obama còn cầm quyền, nhưng bị ông Trump chỉ trích là một thỏa thuận tồi tệ.
"Thỏa thuận này có thể không giải quyết được mọi mối lo, và những mối lo rất quan trọng. Sự thật là thế. Nhưng chúng ta không nên từ tỏ thỏa thuận mà chưa có một thứ gì đó thực chất hơn để thay thế", ông Macron nói. "Iran sẽ không bao giờ sở hữu bất kỳ một vũ khí hạt nhân nào. Trong 5 năm cũng không, trong 10 năm cũng không. Không bao giờ cả".
Bài phát biểu của ông Macron đôi lúc bị ngắt quãng bởi những tràng pháo tay của các nghị sỹ Mỹ. Sau khi bài phát biểu kết thúc, các nghị sỹ Mỹ đã đồng loạt đứng lên và vỗ tay suốt 3 phút đồng hồ để bày tỏ sự hoan nghênh và ủng hộ.
BBC đánh giá rằng đây là một khoảnh khắc quan trọng tại Quốc hội Mỹ. Ông Macron đã nổi lên thành một nhà lãnh đạo thế giới đưa ra quan điểm trái ngược sâu sắc với tầm nhìn của Tổng thống Mỹ, đồng thời cũng giữ được mối quan hệ thân tình với ông Trump. Điều này có thể được xem như một kỳ công chính trị.