21:01 26/08/2021

TP.HCM: Test gần 1 triệu mẫu, khoảng 3,5% mẫu dương tính

Minh Tâm

Trong 3 ngày triển khai triệt để việc giãn cách xã hội, TP.HCM đã triển khai nhiều công tác an sinh xã hội, tổ y tế lưu động hỗ trợ y tế và điều trị F0, tiêm vaccine và tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, trong đó đã phát hiện 3,5% mẫu dương tính trên gần 1 triệu mẫu…

TP.HCM đang đẩy nhanh tiến độ  xét nghiệm trên toàn địa bàn thành phố.
TP.HCM đang đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm trên toàn địa bàn thành phố.

Chiều 26/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM (Ban chỉ đạo) tổ chức họp định kỳ để cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố trong 24 giờ qua. 

KHOẢNG 3,5% MẪU DƯƠNG TÍNH TRÊN GẦN 1 TRIỆU MẪU XÉT NGHIỆM

Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cho biết, tổng số mũi vaccine đã triển khai tiêm đến ngày 25/8 là 5.627.728, trong đó tổng số mũi 1 là 5.390.903, mũi 2 là 236.825 và số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 573.771.

Cũng theo ông Hải, thành phố xác định cơ bản phải tiêm hết tất cả đối tượng được tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế trước ngày 15/9. Đồng thời nhấn mạnh “vaccine sớm nhất là vaccine tốt nhất”.

 
Những ngày tới, thành phố sẽ tiếp tục test nhanh để đạt chỉ tiêu 2 triệu mẫu test nhanh theo kế hoạch.

Về kết quả xét nghiệm, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết: trong 3 ngày qua tốc độ xét nghiệm của thành phố đã tăng nhanh.  Cụ thể, thành phố đã triển khai test nhanh gần 1 triệu mẫu, trong đó có khoảng 3,5% tỷ lệ mẫu dương tính. “Mặc dù con số này chưa đạt chỉ tiêu 2 triệu mẫu test nhanh theo kế hoạch nhưng các quận huyện đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ. Những ngày tới, thành phố sẽ tiếp tục test nhanh để đạt chỉ tiêu và tiếp tục test nhanh đợt 2”, ông Nam nói.

Kết quả xét nghiệm cho thấy ngày 23/8 phát hiện 3,5% test dương tính; ngày 24/8 khoảng 3,2% mẫu dương tính và ngày 25/8 khoảng 3,8% mẫu dương tính. 

"Qua đánh giá của các nhà dịch tễ thì trung bình 3 ngày qua phát hiện khoảng là 3,5% mẫu dương tính. Nếu dưới 5% thì chúng ta có niềm tin có thể quét được hết F0 từ đây đến 15/9", ông Nam nhấn mạnh.

TRIỂN KHAI HIỆU QUẢ TRẠM Y TẾ LƯU ĐỘNG

Nhằm đảm bảo việc chăm sóc trường hợp F0 đang được theo dõi tại nhà và đảm bảo người dân mắc bệnh khác tại cộng đồng vẫn được chăm sóc điều trị tốt, Sở Y tế đã phối hợp các quận huyện thành lập Trạm y tế lưu động. 

 
Người F0 có thể gọi tổng đài “1022” và bấm số “3” để được tư vấn từ Hội Y học TP.HCM hoặc bấm số “4” để được tư vấn từ “Thầy thuốc đồng hành".

Tính đến thời điểm hiện tại, thành phố có 401/413 trạm y tế lưu động đã chính thức hoạt động, riêng Nhà Bè và Củ Chi đang khẩn trương triển khai bổ sung cho đầy đủ số trạm.

Tính đến 8h ngày 25/8, Trạm y tế lưu động tại các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đang phụ trách chăm sóc và điều trị cho 23.197 người F0 cách ly tại nhà, thực hiện 4 nhiệm vụ chính.

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam thông tin về trạm y tế lưu động và công tác chăm sóc, điều trị F0 tại nhà.
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam thông tin về trạm y tế lưu động và công tác chăm sóc, điều trị F0 tại nhà.

Đại diện Sở Y tế cho biết Sở đã cập nhật “Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0” phiên bản 1.4, theo đó có bổ sung hoạt động của trạm y tế lưu động, điều kiện cách ly tại nhà và điều chỉnh về hướng dẫn sử dụng thuốc tại nhà cho người F0.

Cụ thể, Trạm y tế lưu động phụ trách khám bệnh và theo dõi sức khỏe cho các trường hợp F0 đang cách ly tại nhà trên địa bàn được phân công phụ trách, quản lý danh sách động tổ chức thăm khám và theo dõi sức khỏe tại nhà cho người F0, kịp thời phát hiện các trường hợp F0 có triệu chứng, các trường hợp F0 thuộc nhóm nguy cơ cao trên địa bàn (người già neo đơn, người có bệnh lý tâm thần,…) để kịp thời đưa đến các cơ sở cách ly điều trị.

 
F0 khi có dấu hiệu chuyển nặng như khó thở biểu hiện thở hụt hơi, thở nhanh trên 30 lần/phút, li bì, lừ đừ, tím tái môi, đầu chi, SpO2 < 95% thì gọi ngay tổng đài “115” hoặc gọi số điện thoại của Trạm Y tế lưu động, Tổ phản ứng nhanh phường, xã, quận, huyện để được cấp cứu và vận chuyển đến bệnh viện điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, hướng dẫn người F0 khai báo tình hình sức khỏe mỗi ngày qua ứng dụng khai báo y tế điện tử, lập phiếu theo dõi sức khỏe, kịp thời phát hiện các trường hợp có triệu chứng nặng để phối hợp với Tổ phản ứng nhanh của phường, xã, quận, huyện vận chuyển người bệnh tới các bệnh viện quận, huyện để điều trị. Hướng dẫn người F0 gọi tổng đài “1022” và bấm số “3” để được tư vấn từ Hội Y học TP.HCM hoặc bấm số “4” để được tư vấn từ “Thầy thuốc đồng hành”.

Cập nhật thông tin về tình trạng sức khỏe người F0 hàng ngày vào phần mềm “Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19”.

Cùng đó, hướng dẫn F0 sử dụng toa thuốc điều trị tại nhà; Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà (test nhanh hoặc RT-PCR) cho người F0 vào ngày 14 để chuẩn bị kết thúc thời gian cách ly và làm xét nghiệm cho người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với người nhiễm khi có triệu chứng nghi mắc Covid-19.

THAY ĐỔI CHÍNH SÁCH AN SINH HỖ TRỢ NGƯỜI DÂN

Về công tác an sinh xã hội, TP.HCM đang triển khai nghị quyết số 09 của HĐND thành phố về một số chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố (gói hỗ trợ 886 tỷ đồng) và nghị quyết số 68 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó do Covid-19 (gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng).

 
TP.HCM có khoảng 3 - 4 triệu người dân gặp khó khăn do Covid-19. Thành phố sẽ chi từ nguồn ngân sách hỗ trợ hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn bởi dịch Covid-19, cố gắng phấn đấu hoàn thành trước 30/8.

Theo Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải, ngoài việc thực hiện hai nghị quyết trên, ngày 25/8, UBND TP.HCM ban hành công văn khẩn 2876 điều chỉnh cụm từ “hộ lao động nghèo” thành “hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”, như vậy đối tượng người lao động được hỗ trợ sẽ mở rộng hơn.

Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cũng cho biết, trước khi có dịch Covid-19, TP.HCM có khoảng 53.000 hộ nghèo và cận nghèo, tương đương khoảng 170.000 người nghèo và cận nghèo.

Ph&oacute; Ban chỉ đạo ph&ograve;ng, chống dịch Covid-19 TP.HCM Phạm Đức Hải th&ocirc;ng tin tại cuộc họp.
Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM Phạm Đức Hải thông tin tại cuộc họp.

Khi dịch Covid-19 xảy ra, một số người lao động mất việc, mất thu nhập nên gặp khó khăn. Ví dụ như một công nhân bình thường làm lương 5 - 6 triệu nhưng hiện nay mất việc, hay một người mở tiệm sửa xe do dịch không sửa được nữa, hoặc người có căn hộ cho thuê nhưng do dịch không ai thuê, không có thu nhập thì là lao động gặp khó khăn do Covid-19. 

Ước tính, TP.HCM có khoảng 3 - 4 triệu người dân gặp khó khăn do Covid-19. Thành phố sẽ chi từ nguồn ngân sách hỗ trợ hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn bởi dịch Covid-19, cố gắng phấn đấu hoàn thành trước 30/8. Mỗi hộ khó khăn do dịch sẽ được nhận 1,5 triệu đồng. 

Bên cạnh đó, hiện nay thành phố cũng đang chuẩn bị 2 triệu gói an sinh. Sáng 26/8, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã ký tiếp văn bản số 2889. Trong đó quy định nếu hộ dân nào đã nhận gói quà an sinh 300.000 đồng thì sẽ nhận tiếp 1,2 triệu đồng tiền mặt. Còn nếu chưa nhận gói an sinh thì nhận luôn 1,5 triệu đồng tiền mặt. 

Lũy kế từ ngày 11/7/2021 đến 26/8, thành phố tiếp nhận 452 đối tượng cơ nhỡ, lang thang sinh sống nơi công cộng vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội và 140 đối tượng cai nghiện ma túy vào Cơ sở xã hội Thanh Thiếu niên 2.

QUY ĐỊNH ĐỐI TƯỢNG RA ĐƯỜNG

Theo Phó trưởng phòng Tham mưu Lê Mạnh Hà, đại diện Công an TP.HCM, Công an thành phố hiện chỉ cấp giấy đi đường cho cá nhân trong trường hợp tiêm vaccine, tái khám. Theo quy định, người dân cần cung cấp bệnh án và giấy tái khám khi ra đường.

Đối với việc cung cấp giấy đi đường cho đơn vị vận chuyển dược phẩm đến các nhà thuốc, Công an thành phố đã có văn bản, trong đó nêu, nếu đơn vị có giấy tờ chứng minh phù hợp thì sẽ được phép lưu thông.

Thông tin về cấp giấy đi đường cho các nhóm thiện nguyện, ông Lê Mạnh Hà cho biết, công tác thiện nguyện được thành phố khuyến khích. Tuy nhiên, do dịch bệnh phức tạp nên công tác này có thể tăng nguy cơ lây nhiễm, việc cấp giấy có thể mất kiểm soát và việc giãn cách không được đảm bảo. Người dân có thể đóng góp bằng cách liên hệ Tổ công tác đặc biệt hoặc tổ chức địa phương.