12:45 12/10/2021

Trào lưu mua sắm trang phục theo những bộ phim

Minh Nguyệt

Điện ảnh và thời trang, lâu nay vẫn là hai khái niệm không thể tách rời. Khán giả xem phim không chỉ quan tâm đến nội dung, diễn xuất của các diễn viên mà việc họ mặc gì cũng gây chú ý lớn... 

Squid Game – là bộ phim Hàn Quốc trở thành hiện tượng trên hệ thống phim trực tuyến của Netflix, dẫn đầu danh sách phim yêu thích của 90 quốc gia. Series Squid Game gồm có 9 tập với nội dung kể về một nhóm gồm 456 người chơi tham gia vào trò chơi sống còn, người chiến thắng sẽ nhận được giải thưởng tiền mặt khổng lồ. Sau một giấc ngủ trong xe tải và tỉnh dậy vào sáng hôm sau, tất cả người chơi đều mặc những bộ đồ tập xanh lá và giày slip-on giống hệt nhau. Cũng từ đây, một loạt trò chơi gay cấn đến ngộp thở bắt đầu.

Nhưng cơn sốt Squid Game không dừng lại chỉ trên màn ảnh. Mới đây, tờ Variety đưa tin đôi giày slip-on màu trắng của thương hiệu Vans mà các nhân vật mang trong phim có mức doanh thu tăng vọt đến 7.800% kể từ sau khi bộ phim lên sóng, theo như số liệu của Sole Supplier. Chưa hết, lượt tìm kiếm của mẫu giày này cũng tăng 97% theo báo cáo từ Lyst.

Ăn theo sức nóng của phim, nhà sản xuất Netflix cũng tung bộ sưu tập trang phục lấy cảm hứng nhân vật. Các mẫu áo phông có giá từ 34,95 đến 39,95 USD, áo hoodie giá 49,95 USD. Nhiều hãng như H&M, Cotby ra mắt các bộ trang phục mô phỏng người chơi, quản trò trong phim, được săn lùng cho Halloween. Trong đó, H&M tung ra một bộ đồ thể thao màu xanh lá cây đậm giống trang phục của nhân vật với giá 55 USD. Trong khi đó, Cotby cũng ra mắt bộ sưu tập jumpsuit màu đỏ 40 USD mang tên "Squid Game".

Trào lưu mua sắm trang phục theo những bộ phim - Ảnh 1
Trào lưu mua sắm trang phục theo những bộ phim - Ảnh 2
 
Ăn theo sức nóng của phim Squid Game, rất nhiều hãng thời trang cũng tung bộ sưu tập trang phục lấy cảm hứng nhân vật.
Ăn theo sức nóng của phim Squid Game, rất nhiều hãng thời trang cũng tung bộ sưu tập trang phục lấy cảm hứng nhân vật.

Không chỉ từ Squid Game mà nhiều năm qua, các bộ phim vẫn có sức ảnh hưởng to lớn trong việc định hướng phong cách thời trang của giới mộ điệu. Khi Audrey Hepburn diện chiếc váy đen trơn của Givenchy trong Breakfast at Tiffany’s (1961), váy đen (little black dress) trở thành món đồ mà mọi quý cô phải có trong tủ đồ. Khoảnh khắc Julia Robers rạng rỡ trên màn ảnh trong Pretty Woman (1990) với chiếc váy đỏ trễ vai, mọi cô gái tuổi teen đều muốn có một phiên bản tương tự để diện đến buổi dạ hội…

Theo Vogue Business, phim ảnh đang trở thành kênh truyền bá thời trang hữu hiệu nhất. Bộ phim Emily in Paris từng thúc đẩy lượng tìm kiếm mũ xô Kangol, trong khi đó Gossip Girl giúp gu thẩm mỹ preppy trở lại. Cũng trên nền tảng Netflix, series phim Bridgerton đã truyền cảm hứng cho xu hướng "Regencycore" thịnh hành trên mạng xã hội, đặc biệt là TikTok, với cách phối đồ lộng lẫy theo phong cách cổ điển. Những chiếc áo corset tưởng như lỗi thời quay trở lại mạnh mẽ với vô vàn cách biến tấu để thay vì mặc bên trong như nội y, các cô gái có thể diện ra ngoài một cách đầy gợi cảm và kiêu hãnh. Ngoài ra, những món đồ hiệu như dây ngọc trai của Chanel, váy tay phồng ngọt ngào đến từ Cecilie Bahnsen và Luisa Beccaria, vòng cổ bằng men hoa Dolce & Gabbana… cũng được quan tâm.

Trào lưu mua sắm trang phục theo những bộ phim - Ảnh 3
Series phim Bridgerton đã truyền cảm hứng cho xu hướng "Regencycore" thịnh hành trên mạng xã hội.
Series phim Bridgerton đã truyền cảm hứng cho xu hướng "Regencycore" thịnh hành trên mạng xã hội.

Còn bộ phim The Queen's Gambit thì kích thích sự quan tâm đến vẻ ngoài của thập niên 1960. Nhà thiết kế trang phục Gabriele Binder đã khéo léo kể câu chuyện về kỳ thủ cờ vua người Mỹ - Beth Harmon (do Anya Taylor-Joy thủ vai) thông qua trang phục của cô, từ vùng Trung Tây nước Mỹ những năm 1950 đến phong cách những năm 1960 ở New York (Mỹ) và Paris (Pháp). Sau đó, phong cách phim "thống trị" sàn diễn thời trang Xuân - Hè 2021 của Miu Miu và bộ sưu tập gần đây nhất đến từ Azzaro Couture.

Bên cạnh The Queen's GambitThe Crown cũng là bộ phim có ảnh hưởng lớn đến thời trang khi được chăm chút bởi nhà thiết kế kỳ cựu Amy Roberts. Công nương Diana là biểu tượng thời trang. Sự miêu tả của The Crown về những năm đầu bà trong gia đình hoàng gia đã thúc đẩy việc liên kết giữa các thương hiệu với nhà thiết kế làm việc cùng công nương. Áo len của Rowing Blazer được bán hết sạch ngay sau khi phim phát sóng. Những chiếc vòng cổ đặc trưng của công nương cũng đang trở lại.

Trào lưu mua sắm trang phục theo những bộ phim - Ảnh 4
Trào lưu mua sắm trang phục theo những bộ phim - Ảnh 5
 
Bộ phim The Crown làm sống lại xu hướng tìm kiếm những món đồ giống với trang phcuj của công nương Diana.
Bộ phim The Crown làm sống lại xu hướng tìm kiếm những món đồ giống với trang phcuj của công nương Diana.

Kathryn Vanderveen Drake - người sáng lập của Createology ở Los Angeles, Mỹ - nói: "Những thương hiệu xa xỉ cũng như nội dung phim, là những người kể chuyện hay nhất thế giới. Các nhà thiết kế là chìa khóa của thương hiệu thời trang và trang sức cao cấp. Họ mượn nhân vật để nói lên quần áo, đồ trang sức, đồng hồ và phụ kiện".

"Ngay cả khi lệnh giãn cách được dỡ bỏ, các buổi trình diễn thời trang trực tiếp trở lại, tính thẩm mỹ từ các bộ phim nổi tiếng vẫn là cách thông minh để các nhà bán lẻ thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng", Vogue Business viết. Xu hướng này được dự đoán sẽ tiếp tục gia tăng thời gian tới, từ các tác phẩm như No Time To Die hay House of Gucci đến các drama Hàn Quốc hứa hẹn sẽ truyền cảm hứng cho nhiều nhà bán lẻ.