14:23 10/06/2019

Trung Quốc dọa hạn chế xuất khẩu công nghệ sang Mỹ

Bình Minh

Bắc Kinh tính thiết lập một hệ thống bảo vệ công nghệ của mình, đáp trả việc Washington hạn chế doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận công nghệ Mỹ

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: Getty/CNBC.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: Getty/CNBC.

Bắc Kinh đang tính thiết lập một hệ thống bảo vệ công nghệ của mình nhằm đáp trả việc Washington hạn chế doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận công nghệ Mỹ, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nước leo thang.

Hãng tin CNBC dẫn một bài viết trên tờ Nhân dân Nhật báo Trung Quốc cuối tuần vừa rồi nói rằng Bắc Kinh sẽ xây dựng một "tường lửa" vững mạnh để tăng cường khả năng của Trung Quốc về sáng tạo và thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ chủ chốt.

"Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép một số quốc gia nhất định sử dụng công nghệ của Trung Quốc để kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc và chèn ép doanh nghiệp Trung Quốc", bài báo viết. Đây được xem là một lời cảnh báo ngầm nhằm vào Mỹ, dù không nêu đích danh Mỹ.

Theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã, việc hạn chế xuất khẩu công nghệ của Trung Quốc sẽ được thực thi dựa trên một "danh sách quản lý an ninh công nghệ quốc gia". Mục đích của kế hoạch này là nhận diện sớm và ngăn chặn hiệu quả hơn các mối nguy an ninh quốc gia. Tân Hoa Xã cũng nói chi tiết cụ thể của kế hoạch sẽ sớm được công bố.

Sáng kiến trên được Trung Quốc đưa ra sau khi Mỹ cấm bán công nghệ và linh kiện Mỹ cho Huawei vì lý do an ninh quốc gia. Huawei là "ngôi sao sáng" trong làng doanh nghiệp công nghệ Mỹ, được xem là đại diện tiêu biểu nhất cho sức mạnh công nghệ đang lên của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.

Trung Quốc đã tuyên bố sẽ đưa ra một bản danh sách các công ty nước ngoài "không đáng tin cậy" nhằm đáp trả biện pháp của Mỹ đối với Huawei.

Tờ Thời báo Hoàn cầu nói, việc Trung Quốc cuối tuần vừa rồi công bố kế hoạch quản lý an ninh công nghệ là có liên quan đến bản danh sách doanh nghiệp nước ngoài "không đáng tin cậy". Bài báo nói các động thái này sẽ là nền tảng pháp lý để hạn chế xuất khẩu công nghệ và đáp trả việc Mỹ cắt nguồn cung đối với một số công ty Trung Quốc.

"Từ năm 2018, Mỹ đã nhiều lần dựa vào luật của nước họ để gây sức ép lên các công ty công nghệ ccao của Trung Quốc", Thời báo Hoàn cầu viết. "Các biện pháp đáp trả của Trung Quốc đối với Mỹ đòi hỏi phải có thêm vũ khí pháp lý".

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang có chiều hướng lan rộng sang lĩnh vực công nghệ. Sau 11 vòng đàm phán, cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước đã lâm vào bế tắc kể từ đầu tháng 5.

Vào cuối tháng 6 này, ông Trump sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản. Vào cuối tuần vừa rồi, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói vói hãng tin CNBC rằng nếu cuộc gặp không đạt kết quả tốt, ông Trump sẽ tiếp tục áp thêm thuế lên hàng hóa Trung Quốc.