17:52 12/05/2008

Trung Quốc: Lạm phát, thặng dư thương mại cùng “ngất ngưởng”

Kiều Oanh

Tỷ lệ lạm phát của Trung Quốc trong tháng 4/2008 đã xấp xỉ mức cao nhất trong vòng 12 năm trở lại đây

Giá lương thực tại Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh.
Giá lương thực tại Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh.
Tỷ lệ lạm phát của Trung Quốc trong tháng 4/2008 đã xấp xỉ mức cao nhất trong vòng 12 năm trở lại đây, khiến Ngân hàng Trung ương nước này (PBC) yêu cầu tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ tư liên tiếp trong năm nay.

Các số liệu mà Cơ quan Thống kê Trung Quốc vừa công bố cho thấy, tỷ lệ lạm phát ở nước này trong tháng 4 vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái là 8,5%, so với mức 8,3% trong tháng 3. Như vậy, tỷ lệ lạm phát hiện nay của Trung Quốc chỉ thua mức 8,7% trong tháng 2 vừa qua - mức cao nhất kể từ tháng 5/1996, khi lạm phát đạt mức 8,9%.

Trong số 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới, hiện Trung Quốc là nền kinh tế có tỷ lệ lạm phát cao nhất.

Điểm đáng chú ý nhất trong dữ liệu về lạm phát tại Trung Quốc lần này vẫn là giá lương thực - thực phẩm. Chiếm 1/3 rổ hàng hóa làm căn cứ tính tỷ lệ lạm phát, nhóm hàng này trong tháng 4 đã tăng giá 22,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá thịt lợn tăng tới 48%, còn bột mỳ tăng 63%.

Trong khi đó, giá của các mặt hàng phi lương thực chỉ tăng có 1,8%, bằng với mức tăng trong tháng 3.

Ngay sau khi các số liệu lạm phát trên được đưa ra, BPC đã tuyên bố tăng dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng thương mại từ mức 16% hiện nay lên mức 16,5%, áp dụng từ ngày 20/5 tới. Đây đã lần thứ 4 trong năm nay, Trung Quốc nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong các ngân hàng thương mại.

Cũng như ở nhiều nước châu Á khác, lạm phát đang là vấn đề khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc “đau đầu”. Cuối tuần trước, Thống đốc PBC, ông Chu Tiểu Xuyên cho biết, nước này sẽ ưu tiên mục tiêu chống lạm phát so với mục tiêu tăng trưởng và giảm thất nghiệp.

Năm ngoái, Trung Quốc đã tăng lãi suất đồng Nhân dân tệ tới 6 lần vì mục tiêu này, nhưng từ đầu năm 2008 đến nay, PBC vẫn chưa có động thái tăng lãi suất thêm nào. Thay vào đó, PBC sẽ áp dụng một loạt biện pháp khác, như tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc để kiềm chế hoạt động cho vay, và tăng giá Nhân dân tệ so với USD.

Ngay trong ngày hôm nay, PBC đã áp dụng mức tỷ giá giao dịch Nhân dân tệ/USD hàng ngày cao nhất từ khi Trung Quốc chấm dứt chế độ neo buộc cố định đồng tiền của mình vào đồng USD vào tháng 7/2005, ở mức 1 USD = 6,8290 Nhân dân tệ. Trong quý 1 năm nay, đồng Nhân dân tệ đã tăng giá 4,2% so với USD, còn từ cuối tháng 3 đến nay, tốc độ tăng giá này là 0,4%.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, với tình hình hiện nay, sớm muộn gì Trung Quốc cũng phải tiếp tục tăng lãi suất Nhân dân tệ từ mức 7,47% hiện nay. Mục tiêu lạm phát cho cả năm nay của Chính phủ Trung Quốc là 4,8%, nhưng những số liệu từ đầu năm tới nay cho thấy, đây là mục tiêu khó đạt.

“Tình hình lạm phát tại Trung Quốc hiện rất nghiêm trọng và Chính phủ cần có giải pháp rõ ràng”, nhà kinh tế Li Wei của ngân hàng Standard Chartered tại Thượng Hải nhận xét.

Trung Quốc đang là một quốc gia có nguồn tiền khổng lồ. Lượng dự trữ ngoại hối lớn nhất của nước này tính ở thời điểm cuối tháng 3 đã tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 1.680 tỷ USD. Lượng tiền “nóng” từ các quỹ đầu cơ đổ vào nước này trong 3 tháng đầu năm đạt mức 80 tỷ USD.

Trong 4 tháng đầu năm nay, lượng vốn FDI đổ vào Trung Quốc tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 35 tỷ USD.

Những số liệu mới công bố cũng cho thấy, thặng dư thương mại của Trung Quốc vẫn cao vượt dự kiến của giới phân tích, mặc dù có giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tháng 4, thặng dư thương mại của nước này là 16,68 tỷ USD, so với mức 13,4 tỷ USD trong tháng 3 và mức 16,9 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tháng 4 tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2007, đạt mức 118,68 tỷ USD, còn nhập khẩu tăng 26,3%, đạt mức 102 tỷ USD.

(Theo Bloomberg, CNBC)