Trung Quốc lo xảy ra “cơn hoảng loạn tài chính”
Một báo cáo bị rò rỉ cảnh báo khả năng xảy ra một “cơn hoảng loạn tài chính” tại nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới
Bản báo cáo bị rò rỉ từ một viện nghiên cứu được Chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn cảnh báo về khả năng xảy ra một "cơn hoảng loạn tài chính" tại nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
Thông tin này được xem là một dấu hiệu cho thấy một số nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đang ngày càng lo ngại khi chứng kiến thị trường biến động và căng thẳng thương mại gia tăng - theo hãng tin Bloomberg.
Các vụ vỡ nợ trái phiếu, tình trạng thiếu thanh khoản, đồng Nhân dân tệ mất giá nhanh và cú sụt gần đây của chứng khoán Trung Quốc đặt ra những nguy cơ không nhỏ đối với nước này vào thời điểm lãi suất của Mỹ tăng và căng thẳng thương mại Trung-Mỹ leo thang.
Đây là nhận định được đưa ra trong bản báo cáo bị rò rỉ từ Viện nghiên cứu Quốc gia về Tài chính và phát triển (NIFD) do Bloomberg thu thập được. Một quan chức đề nghị giấu tên của NIFD đã xác nhận với Bloomberg về báo cáo này.
Bản báo cáo cảnh báo rằng mức độ mua cổ phiếu bằng vay nợ trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã đạt mức cao như hồi năm 2015, năm mà thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm 1/3 khiến 5 nghìn tỷ USD vốn hóa "bốc hơi".
"Chúng tôi cho rằng Trung Quốc hiện nay rất có khả năng sẽ chứng kiến một cơn hoảng loạn tài chính", báo cáo có đoạn viết. Bản báo cáo xuất hiện chớp nhoáng trên mạng Internet vào ngày thứ Hai tuần này trước khi bị gỡ. "Ngăn chặn sự hoảng loạn đó xảy ra và lan rộng cần phải là ưu tiên lớn nhất của các nhà quản lý tài chính và kinh tế vĩ mô trong mấy năm tới".
Bản báo cáo là một bằng chứng nữa cho thấy Trung Quốc ngày càng lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế nước này từ xung đột thương mại với Mỹ.
Trong mấy tuần gần đây, các học giả nổi tiếng đã bắt đầu đặt câu hỏi liệ nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại và đang có chiều hướng giảm tốc của nước này có thể chống chọi được với tình trạng xung đột thương mại kéo dài. Đến thời điểm này, căng thẳng thương mại đã bắt đầu gây sức ép lên giá cổ phiếu và tỷ giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc.
Báo cáo của NIFD khuyến nghị Trung Quốc nên sẵn sàng triển khai kết hợp các biện pháp tài khóa và tài chính trong trường hợp xảy ra khủng hoảng hệ thống. Nhà chức trách cũng được khuyến nghị vào cuộc bằng sự hỗ trợ tài chính đầy đủ nếu xảy ra một vụ vỡ nợ lớn gây biến động mạnh trên thị trường, thay vì chỉ đưa ra những biện pháp từng phần.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc hiện đã rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market), với chỉ số Shanghai Composite Index giảm hơn 20% so với mức đỉnh thiết lập hồi tháng 1. Đồng Nhân dân tệ đã giảm giá hơn 3% trong vòng 2 tuần qua.
Hai vấn đề lớn nhất đè nặng lên tâm trí của các nhà đầu tư ở Trung Quốc thời điểm này là căng thẳng thương mại leo thang và chiến dịch giảm nợ trong nền kinh tế của Chính phủ nước này có thể khiến tăng trưởng giảm tốc và dẫn tới hàng loạt vụ vỡ nợ.
NIFD nói Trung Quốc đã thất bại trong việc giải quyết vấn đề đầu tư cổ phiếu bằng tiền đi vay - một nguyên nhân chính dẫn tới sự suy sụp của thị trường chứng khoán nước này cách đây 3 năm. Hiện tại, đầu tư cổ phiếu bằng tiền đi vay ở Trung Quốc đã đạt khoảng 5 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 760 tỷ USD, tương đương mức của năm 2015 - theo báo cáo.
"Chúng ta đã không làm sạch được tình trạng vay nợ mua chứng khoán sau đợt biến động 2015. Tình trạng này đã quay trở lại dưới một vỏ bọc mới", báo cáo viết.
NIFD khuyến nghị Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cần sẵn sàng thực thi bất kỳ biện pháp hỗ trợ thị trường nào để phối hợp với Ngân hàng Trung ương (PBoC), các cơ quan điều tiết khác, các bộ ngành hữu quan và lực lượng cảnh sát.