14:35 12/09/2017

Trung Quốc ồ ạt thâu tóm công ty tài chính châu Âu

Bình Minh

Đặc biệt là khi những mục tiêu mua lại này có thể phục vụ cho sáng kiến con đường tơ lụa

Trụ sở của công ty bảo hiểm Anbang ở Bắc Kinh, Trung Quốc, tháng 8/2016 - Ảnh: Reuters.<br>
Trụ sở của công ty bảo hiểm Anbang ở Bắc Kinh, Trung Quốc, tháng 8/2016 - Ảnh: Reuters.<br>
Sau khi thâu tóm một loạt cảng biển và khu công nghiệp, các công ty Trung Quốc đang quay sang ngành tài chính. Một loạt ngân hàng, công ty bảo hiểm và công ty quản lý tài sản của châu Âu đã trở thành mục tiêu mua lại của Trung Quốc trong thời gian gần đây.

Kinh nghiệm, chuyên môn và nguồn vốn của các công ty tài chính châu Âu được cho là những điểm hấp dẫn đối với các nhà thâu tóm đến từ Trung Quốc, đặc biệt là khi những mục tiêu mua lại này có thể phục vụ cho sáng kiến “Vành đai và Con đường”, hay còn gọi là con đường tơ lụa.

Theo hãng tin Reuters, vào tuần trước, nguồn thạo tin nói rằng hai trong số công ty Trung Quốc tích cực nhất trong hoạt động thâu tóm là HNA Group và Anbang Insurance Group đã cân nhắc chào mua công ty bảo hiểm Đức Allianz SE.

Hiện cả hai công ty này chưa đưa ra lời chào mua chính thức, nhưng sự cân nhắc của họ đánh dấu một mức độ tham vọng mới của Trung Quốc: Allianz là một hãng bảo hiểm lớn và lâu năm của Đức, giữ vai trò trụ cột trong vấn đề lương hưu ở nước này, và quản lý số tài sản lên tới 1,9 nghìn tỷ Euro, tương đương 2,3 nghìn tỷ USD.

HNA hiện đã nắm giữ cổ phần dưới 10% tại ngân hàng Đức Deutsche Bank.

Giới tài chính nói thời gian tới sẽ có nhiều thương vụ thâu tóm trong ngành tài chính châu Âu mà bên mua là doanh nghiệp Trung Quốc, đi đầu là những tập đoàn quốc doanh khổng lồ như China Life, China Everbright, và những công ty tư nhân có tiếng như Legend Holdings và China Minsheng Financial.

“Thông điệp từ nhà chức trách Trung Quốc rất rõ ràng. Họ muốn những công ty này ra nước ngoài và giành quyền tiếp cận với những nguồn vốn và chuyên môn dồi dào”, một nhà tư vấn về mua bán và sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực tài chính tại một ngân hàng toàn cầu, nhận định.

“Họ sẽ ưu tiên những thương vụ có liên hệ với chương trình con đường tơ lụa, vì Trung Quốc cần tăng cường sức mạnh tài chính cho chương trình này. Nhưng Bắc Kinh sẽ đảm bảo rằng những hoạt động thâu tóm quá ồ ạt như mấy năm vừa qua sẽ không lặp lại”, vị này nói.

Sau làn sóng thâu tóm mà các công ty Trung Quốc chi nhiều tỷ USD tiền đi vay để mua lại mọi thứ từ bất động sản tới các câu lạc bộ bóng đá phương Tây trong mấy năm gần đây, Bắc Kinh đã áp dụng một số biện pháp kiềm chế sự thái quá. Tuy nhiên, các thương vụ thuộc phạm vi chiến lược con đường tơ lụa đã không trở thành mục tiêu của sự kiểm soát này, trong đó có các thương vụ trong lĩnh vực tài chính.

Từ đầu năm đến nay, các vụ M&A của doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực tài chính ở nước ngoài đã đạt trị giá gần 9 tỷ USD, so với mức 12 tỷ USD trong cả năm 2016 - theo dữ liệu của Reuters.

Đầu tháng này, Legend chi 1,8 tỷ USD để mua cổ phần 90% trong ngân hàng Banque Internationale a Luxembourg (BIL). Legend cho biết thương vụ này nằm trong phạm vi chương trình con đường tơ lụa mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng nhằm tăng cường kết nối thương mại toàn cầu.

Giới thạo tin nói Legend còn đang “để mắt” đến các ngân hàng và công ty bảo hiểm ở Đông Nam Á, châu Âu và Hồng Kông.

“Chúng tôi cần những công ty tài chính nước ngoài đó. Việc mua lại những công ty đó sẽ giúp mở rộng tài sản của chúng tôi và mở rộng sự tham gia của các công ty nước ngoài vào các dự án của chúng tôi ở nước ngoài”, ông Huo Jianguo, Phó chủ tịch tổ chức Hội nghiên cứu WTO Trung Quốc thuộc Bộ Thương mại nước này, phát biểu.

“Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc thu hút các định chế tài chính quốc tế tham gia vào con đường tơ lụa. Nếu cứ như vậy, thì sáng kiến này sẽ trở thành cuộc chơi của một người và không bền vững”, ông Huo nói.

Một loạt công ty lớn khác của Trung Quốc cũng đang có kế hoạch thực hiện các vụ mua lại trong lĩnh vực tài chính-bảo hiểm-ngân hàng ở nước ngoài.

China Everbright dự kiến phân bổ 1,5 tỷ USD trong ngân sách chi tiêu năm 2017 để mua lại một công ty quản lý quỹ, ngân hàng phục vụ tư nhân hoặc một công ty bảo hiểm ở nước ngoài.

China Merchants Banks thì đang tích cực tìm mua các công ty quản lý tài sản ở châu Âu, theo nguồn thạo tin.

“Tài chính chắc chắn là lĩnh vực được khuyến khích trong định hướng đầu tư ra nước ngoài gần đây của Trung Quốc”, luật sư Christina Lee thuộc công ty luật Baker McKenzie ở Hồng Kông nhận xét. “Các định chế tài chính Trung Quốc đến nay mới chỉ tập trung vào thị trường trong nước. M&A là cách nhanh chóng để họ có được sự hiện diện và chuyên môn trên thị trường quốc tế”.