21:01 08/05/2019

“Tư duy đánh thuế điện thoại di động là tận thu bất thường”

Duyên Duyên

Theo nhiều chuyên gia, đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điện thoại di động, nước hoa, mỹ phẩm là đề xuất không hợp lý, đi ngược lại với nền kinh tế thị trường

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điện thoại di động không khác gì muốn quay lại thời kinh tế bao cấp.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điện thoại di động không khác gì muốn quay lại thời kinh tế bao cấp.

Tư duy đánh thuế điện thoại di động là tận thu bất thường. Tư duy tận thu này không có triết lý và chỉ có hại cho sự phát triển...", luật sư Trương Thanh Đức nhận định.

Như VnEconmy đã đưa tin, UBND Tp. HCM vừa đề xuất mở rộng đối tượng chịu thuế đối với một số hàng hoá, dịch vụ như điện thoại di động, camera, nước hoa, mỹ phẩm, dịch vụ kinh doanh game, dịch vụ thẩm mỹ.

Lý giải cho đề xuất này, UBND Tp.HCM cho biết, nước hoa và dịch vụ thẩm mỹ nên được bổ sung vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt vì loại hàng hóa, dịch vụ này thuộc nhóm khá cao cấp, qua đó giúp mở rộng điều tiết thuế vào thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ mức khá trở lên.

Còn điện thoại di động nên đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để điều tiết thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ khá trở lên, có nhu cầu và khả năng thu nhập thường xuyên sử dụng các sản phẩm thế hệ mới.

Trao đổi với VnEconomy về đề xuất này, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO, cho rằng UBND Tp.HCM không có căn cứ nào hợp lý và thiếu hẳn triết lý đánh thuế khi đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt cho các mặt hàng như điện thoại, nước hoa.

Theo ông Đức, thuế tiêu thụ đặc biệt để đánh vào loại hàng hoá, dịch vụ xa xỉ hoặc độc hại hay ít nhất là vì lý do nào đó mà nhà nước thấy rằng không khuyến khích. Nếu không phải thế thì nó đã là thuế giá trị gia tăng.

Lấy ví dụ cụ thể, luật sư Trương Thanh Đức cho biết, 30 năm trước điện thoại di động còn là một mặt hàng xa xỉ mà còn không bị đánh thuế, nhưng nay nó đã trở thành một vật dụng thiết yếu, thông dụng.

"Kinh tế thị trường phát triển thì cần phải loại bớt nhiều loại hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Nước hoa, mỹ phẩm đã trở thành mặt hàng thiết yếu của phụ nữ, từ nhà giàu cho đến người nghèo đều dùng, chứ đâu còn là xa xỉ phẩm mà đòi đánh thuế tiêu thụ đặc biệt", ông Đức nêu quan điểm.

Từ đó, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các loại hàng hoá nêu trên không khác gì muốn quay lại thời kinh tế bao cấp và là lỗi tư duy rất lớn. 

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng đánh giá đề xuất của UBND Tp.HCM là không thể chấp nhận được.

Ông Long lý giải, mỗi loại thuế có mục đích khác nhau, bối cảnh nguồn thu thuế xuất nhập khẩu giảm nên phải tăng thu nội địa. Vì các sắc thuế cũ không thể nâng mức lên được phải mở rộng, đề xuất thêm đối tượng đánh thuế. 

Tuy nhiên, với điều kiện thu nhập bình quân đầu người còn thấp, hơn 2.500 USD/năm, muốn kích thích sản xuất, tiêu dùng phải khoan sức dân, muốn có nguồn thu cần nuôi dưỡng nguồn thu.

"Đề xuất của Tp. HCM theo tôi là quá cực đoan. Thuế nợ đọng còn nhiều chưa xử lý mà mở rộng đối tượng đánh thuế là không nên. Ngân sách có thu và chi, cần xem xét cải cách cả khoản chi", ông Long nói.