10:53 29/12/2018

Tướng Tô Lâm nói về một mục tiêu "sâu hơn" của 2019

Hà Vũ

Nếu mỗi năm giảm 3% - 5% số vụ vi phạm pháp luật thì 3.000 gia đình không có người đi tù

Các thành viên Chính phủ tham dự hội nghị trực tuyến với các địa phương.
Các thành viên Chính phủ tham dự hội nghị trực tuyến với các địa phương.

"Nếu mỗi năm giảm 3% - 5% số vụ vi phạm pháp luật thì sẽ giảm đi khoảng 3.000 vụ phạm pháp, 3.000 gia đình không có người đi tù và cũng 3.000 gia đình không có người bị hại", Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Tô Lâm phân tích tại hội nghị triển khai nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2019, được Chính phủ tổ chức trong cả ngày 28/12.

Tại đây, sau các báo cáo của Chính phủ, ý kiến của một số địa phương, một số thành viên Chính phủ cũng đã đăng đàn.

Cũng như các bộ trưởng Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính..., người đứng đầu Bộ Công an bày tỏ phấn khởi trước thành tựu 2018.

Ông nói: "Thành tựu này có đóng góp rất tích cực của lực lượng công an. Năm 2018, lực lượng công an đã hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo an ninh, chủ động giữ vững an ninh quốc gia, chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, góp phần ổn định tình hình đất nước để tập trung phát triển kinh tế".

Nhận định tình hình 2019 có nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, Bộ trưởng Tô Lâm nêu ba vấn đề mà Bộ Công an xác định sẽ tập trung chỉ đạo.

Nhiệm vụ đầu tiên là bằng các biện pháp nghiệp vụ, tiếp tục duy trì an ninh, hoà bình của đất nước, nhất là khu vực biên giới quốc gia, thêm bạn bớt thù, vô hiệu hoá các nguy cơ ảnh hưởng an ninh quốc gia để đảm bảo vị thế đất nước, môi trường thuận lợi cho phát triển.

Ngành công an cũng xác định tập trung thực hiện mục tiêu xây dựng xã hội trật tự kỷ cương an toàn lành mạnh để mọi người dân có thể thụ hưởng môi trường an toàn, tạo thuận lợi cho mọi người dân trong cuộc sống. Theo đó, mục tiêu cao nhất đề ra là phấn đấu kéo giảm tội phạm.

Khám phá bao nhiêu vụ án thì đó là nhiệm vụ của ngành công an, nhưng cao hơn, sâu hơn là kéo giảm tội phạm.

Nhấn mạnh như vậy, rồi Thượng tướng Tô Lâm phân tích, năm 2018 cả nước có 53.000 vụ phạm pháp. Đặt mục tiêu kéo giảm 3-5%/năm, tức mỗi năm giảm được khoảng 3000 vụ án, tức bằng ấy gia đình không có người đi tù, cũng bằng ấy gia đình không mất mát, không có người bị hại.

"Cứ khám phá án mãi, tăng tỷ lệ phá án, tăng số án được phá…  mà không kéo giảm được tội phạm, thì cũng không bộ máy nào mà đủ đáp ứng công việc", ông nói.

Vấn đề thứ ba Bộ trưởng Tô Lâm đề cập, là tiếp tục xây dựng lực lượng công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, hiệu lực hiệu quả, gần dân hơn, xây dựng từng bản làng, thôn xóm, khu dân cư yên lành, để làm sao lấy lại niềm tin của nhân dân với lực lượng công an.

Đề nghị Thủ tướng gỡ vướng

Trước khi các bộ trưởng đăng đàn, chủ tịch hai thành phố Hà Nội, Tp.HCM và các thành phố trực thuộc Trung uơng cũng được dành thời gian phát biểu.

Mặc dù chủ toạ nhắc đi nhắc lại rằng nêu kết quả 2018 thật khái quát, dành thời gian 7 phút để tham gia thảo luận các vấn đề đặt ra cho 2019, nhưng hầu hết lãnh đạo địa phương đều báo cáo khá dài về năm trước và nêu không nhiều kiến nghị.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Thơ nói, 2018 Đà Nẵng phải đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan.

Ông Thơ đề nghị Thủ tướng và các cơ quan sớm có hướng giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc trong việc thi hành kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ về những sai phạm trong quản lý đất đai của thành phố, tạo điều kiện sớm giải phóng nguồn lực từ hàng trăm, thậm chí hàng nghìn dự án, để thành phố tiếp tục phát triển.

Đề nghị tiếp theo của Chủ tịch Đà Nẵng là đẩy nhanh tiến độ để sớm kết thúc việc thanh tra, điều tra các vụ việc, vụ án, đưa ra xử lý sớm để thành phố có điều kiện tập trung thời gian và nguồn nhân lực tập trung giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội cũng như tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp.

Với Tp.HCM, 2018 cũng là một năm nhiều khó khăn, theo chia sẻ của Chủ tịch  Nguyễn Thành Phong.

Ông Phong cho biết, môi trường đầu tư ảnh hưởng, nhiều dự án thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP) phải chậm lại sau chủ trương tạm dừng xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT theo công văn của Bộ Tài chính.

Lãnh đạo Tp.HCM kiến nghị Chính phủ chấp nhận chủ trương điều chỉnh một số nghị định, thông tư theo hướng phân cấp mạnh cho thành phố. 

Đồng thời, sớm sửa luật Đầu tư công theo hướng phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền cho địa phương, gắn với trách nhiệm liên quan, đồng bộ với các luật liên quan, đơn giản hoá thủ tục đầu tư, xác định trách nhiệm của người đứng đầu trong hiệu quả các dự án đầu tư công.