22:45 27/05/2019

Tỷ giá USD/VND: Áp lực tăng từ thâm hụt thương mại?

Đào Hưng

Cán cân thương mại nửa đầu tháng 5 của Việt Nam thâm hụt 1,85 tỷ USD khiến cho con số lũy kế từ đầu năm chuyển sang thâm hụt 1,01 tỷ USD

Tỷ giá USD/VND tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Tỷ giá USD/VND tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Các chuyên gia SSI cho rằng, thông tin cán cân thương mại bị thâm hụt 1,01 tỷ USD lũy kế đến nửa đầu tháng 5/2019 có thể ảnh hưởng lớn đến diễn biến tỷ giá.

Theo số liệu vừa được Công ty Chứng khoán SSI công bố, trong tuần từ ngày 20-24/5, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố tiếp tục tăng thêm 12 đồng lên mức 23.066 đồng/USD.

Đà tăng của tỷ giá trung tâm cũng kéo theo đà tăng trên thị trường ngân hàng và thị trường tự do. Cụ thể, tỷ giá giao dịch USD/VND tăng mạnh với mức tăng 80 đồng/USD trên ngân hàng, lên mức 23.335/23.455 và 90 đồng/USD ở thị trường tự do, lên mức 23.410/23.430.

Đánh giá nguyên nhân khiến tỷ giá tăng trong thời gian qua, đại diện Ngân hàng Nhà nước, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, cho biết, tỷ giá tăng trong những ngày qua chủ yếu do những thông tin mới gần đây về đàm phán thương mại Mỹ-Trung làm gia tăng quan ngại thị trường về khả năng xung đột thương mại quốc tế diễn biến tiêu cực.

Đồng thời, vị lãnh đạo này cũng nhận định, việc đồng CNY tiếp tục giảm giá trong một số ngày từ cuối tháng 4 đến nay đã tác động mạnh tới tâm lý thị trường ngoại tệ trong nước, từ đó gây áp lực tới tỷ giá.

Thực tế cũng cho thấy, tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND đã tăng khoảng 0,8%, trong khi USD/CNY đã tăng tới 2,5%.

Tỷ giá USD/VND: Áp lực tăng từ thâm hụt thương mại? - Ảnh 1.

Diễn biến cán cân thương mại và FDI

Còn theo các chuyên gia SSI, ngoài các nguyên nhân trên, thông tin cán cân thương mại nửa đầu tháng 5 của Việt Nam thâm hụt 1,85 tỷ USD khiến cho con số lũy kế từ đầu năm chuyển sang thâm hụt 1,01 tỷ USD cũng có thể ảnh hưởng đến tỷ giá.

"Chúng tôi nhận thấy từ 2012 đến nay, tháng 5 luôn là tháng nhập siêu của Việt Nam, diễn biến vừa qua cũng chỉ theo chu kỳ nhập khẩu. Phần lớn các mặt hàng nhập khẩu là máy móc thiết bị, vật liệu đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu nên đây có thể coi là tín hiệu tích cực cho sản xuất và xuất khẩu của Việt nam trong tương lai gần" các chuyên gia của SSI bình luận.

Bên cạnh đó, các chuyên gia của công ty này cũng nhận định nguồn cung ngoại tệ từ các thương vụ M&A cùng dự trữ ngoại hối hiện tại là đủ để bình ổn thị trường. Các yếu tố quốc tế cũng khó có thể diễn biến xấu hơn nên tỷ giá sẽ vẫn dao động trong mục tiêu kiểm soát từ đầu năm.

Đáng chú ý, trong số các mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất thì máy móc thiết bị dụng cụ, phụ tùng là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn chỉ đứng thứ hai sau máy vi tính, sản phẩm và điện tử. Và riêng 4 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu gần 4,4 tỷ USD mặt hàng này từ Trung Quốc, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2018.

Tại một diễn biến liên quan, từ đầu năm đến ngày 20/5/2019, Trung Quốc đang đứng thứ tư về quốc gia có tổng vốn đăng ký đầu tư vào Việt Nam (FDI), với khoảng 2,02 tỷ USD.