10:14 12/09/2024

Ứng dụng Việt “vượt mặt” Netflix và Spotify về mức độ phổ biến

Ngô Huyền

Trong báo cáo “The Connected Consumer” quý 2/2024 của Decision Lab, FPT Play đã vượt qua Netflix, giữ vị thứ hai về nền tảng phát trực tuyến phim phổ biến tại Việt Nam trong quý 2…

Ứng dụng Việt giữ thứ hạng cao về mức độ phổ biến, vượt qua cả Netflix và Spotify.
Ứng dụng Việt giữ thứ hạng cao về mức độ phổ biến, vượt qua cả Netflix và Spotify.

Đây không phải lần đầu tiên nền tảng video trực tuyến thuần Việt FPT Play vượt qua Netflix. Từ quý 4/2023, ứng dụng video trực tuyến của Việt Nam đã bắt đầu tăng tốc để thay thế vị trí của Netflix trong bảng xếp hạng định kỳ của Decision Lab về hạng mục nền tảng phát trực tuyến phim phổ biến tại Việt Nam.

Theo đó, FPT Play hiện giữ vị trí thứ ba về mức độ phổ biến, xếp sau lần lượt hai nền tảng xuyên biên giới là Youtube và Facebook. Cụ thể, Youtubed dẫn đầu với tỷ lệ sử dụng xem phim đạt 68% – tạo khoảng cách khá xa so với nền tảng khác; Facebook xếp thứ hai với tỷ lệ sử dụng đạt 32%.

Xếp sau Facebook lần lượt, các ứng dụng “suýt soát” về tỷ lệ người sử dụng với FPT Play (29%), Netflix (28%) và VTV Go (27%).

 
Các nền tảng video trực tuyến của Việt Nam (FPT Play, VTV Go, Keeng, MyTV Net, Viettel TV, Fim+/Galaxy Play, & VieON) đạt tỷ lệ yêu thích đạt 33%, tăng 3% so với quý 1/2024.

Trong báo cáo “The Connected Consumer”, Decision Lab nhận định thứ hạng nền tảng phát trực tuyến phim tương đối ổn định. YouTube ghi nhận sụt giảm nhẹ về mức sử dụng, trong khi các OTT nội địa của Việt Nam như VieOn đã tăng trưởng đáng kể, có thể do thành công của việc phát hành các chương trình truyền hình phổ biến.

Các dịch vụ phát trực tuyến thuần Việt đang dần thu hút sự quan tâm của người xem, theo Decision Lab.
Các dịch vụ phát trực tuyến thuần Việt đang dần thu hút sự quan tâm của người xem, theo Decision Lab.

Theo báo cáo, điểm chung của cả hai nhóm tuổi Gen X (những người sinh ra từ năm 1965 đến 1980) và Gen Z (những người sinh ra từ năm 1997 đến 2012) đều lựa chọn Youtube là nền tảng xem phim hàng đầu và các nền tảng nội địa là lựa chọn thứ hai. Trong khi đó, Gen Y (thế hệ được sinh ra trong giai đoạn từ năm 1980 – 2000) lại ưu tiên các nền tảng xem phim Việt Nam.

Xét về tỷ lệ yêu thích, các nền tảng video trực tuyến của Việt Nam (FPT Play, VTV Go, Keeng, MyTV Net, Viettel TV, Fim+/Galaxy Play, & VieON) đạt tỷ lệ yêu thích đạt 33%, tăng 3% so với quý 1/2024. Trong khi mức độ yêu thích của các nền tảng khác đang có dấu hiệu đi xuống, tỷ lệ này ở Zalo đang tăng trưởng tích cực, tăng 4% so với quý I/2024.

Đối với hạng mục nền tảng hàng đầu để phát nhạc trực tuyến, các nền tảng phát nhạc của Việt Nam ZingMP3 và Nhaccuatui lần lượt xếp vị trí thứ 2 và thứ 3, xếp sau Youtube về mức độ phổ biến song đều vượt qua Spotify (nền tảng xếp vị trí thứ 4). Thứ hạng này đã được duy trì từ quý 2/2023 đến nay.

Cụ thể, ZingMP3 đạt tỷ lệ sử dụng 52%, gấp đôi so với Spotify (25%), thậm chí gấp khoảng 4,7 lần so với Apple Music - đạt tỷ lệ sử dụng 11%.

Decision Lab báo cáo lượng người dùng thâm nhập vào hầu hết các nền tảng đều giảm.
Decision Lab báo cáo lượng người dùng thâm nhập vào hầu hết các nền tảng đều giảm.

Riêng với xếp hạng nền tảng hàng đầu để phát nhạc trực tuyến, cả 3 nhóm thế hệ người dùng: GenX, GenY và GenZ đều cho biết Youtube là nền tảng được yêu thích hàng đầu.

Tuy nhiên, trong khi hai nhóm người dùng GenX, GenY đều thường xuyên chọn hai ứng dụng ZingMP3 và Nhaccuatui để nghe nhạc sau Youtube. GenZ có chút khác biệt, Spotify là ứng dụng nghe nhạc phổ biến thứ hai đối với thế hệ này. Và khác với hai thế hệ còn lại, nhaccuatui không xuất hiện trong số 4 ứng dụng nghe nhạc hàng đầu của GenZ.

Có thể thấy ở cả hai hạng mục xem phim và nghe nhạc, nền tảng Youtube đều giữ thứ hạng đầu tiên. Điều này cũng dễ hiểu bởi Youtube không chỉ có kho tài nguyên nội dung video đa dạng đáp ứng cả nhu cầu nghe nhạc và xem phim. Bên cạnh đó, khác với các nền tảng chuyên dụng, Youtube đáp ứng nhu cầu cho người dùng với tuỳ chọn không cần trả phí.

Việc Zing MP3 hay FPT Play có thể “vượt mặt” những gã khổng lồ toàn cầu như Netflix và Spotify về mức độ phổ biến trên thị trường trong những tháng gần đây đã cho thấy sức cạnh tranh mạnh mẽ của các ứng dụng Việt.

Dù vậy, theo các chuyên gia, để duy trì lợi thế trong dài hạn, các nhà phát triển Việt cần không ngừng đổi mới, nâng cao trải nghiệm người dùng và nhất là cạnh tranh về mặt nội dung. Chỉ khi đó, các ứng dụng Việt mới có thể thực sự khẳng định vị thế lâu dài.