Về Bình Dương ăn gỏi gà măng cụt
Chỉ cần một ngày cuối tuần, lái xe hơn 1 tiếng đồng hồ từ Sài Gòn, là đã có thể trốn nóng trong vườn trái cây mát mẻ ở Lái Thiêu, thưởng thức món gỏi gà măng cụt xóa tan oi nóng.
Một số địa chỉ bạn có thể ăn gỏi măng cụt ở Bình Dương:- Vườn Xưa quán, đường An Thạnh N12, KP.Thạnh Lộc, P. An Thạnh, Thủ Dầu Một. ĐT: 093 323 76 59.- Vườn Măng quán, 3/7 K2, Thạnh Lộc, P. An Thạnh, Thủ Dầu Một. ĐT: 097 261 87 18.- Hội Ngộ quán, hẻm 279 Lê Hồng Phong, P. Phú Hòa, Thủ Dầu Một. ĐT: 0988 737 552.- Vườn trái cây Hồng Vân, cầu Ngang 116 Hưng Thọ, P. Thuận An. ĐT: 0984 258 024.
Bình Dương có hồ Dầu Tiếng - một trong những hồ nước nhân tạo lớn nhất của Việt Nam và Đông Nam Á. Diện tích mặt hồ lên đến 270km2, quanh năm xanh biếc, phẳng lặng, lòng hồ có các ốc đảo tự nhiên như đảo Xỉn, đảo Trảng... Đến khu du lịch hồ Dầu Tiếng, bạn sẽ được thưởng thức phong cảnh hữu tình với nhiều góc máy của bình minh rực rỡ trên sóng nước, hay mặt trời dần xuống buổi hoàng hôn với đầy màu sắc huy hoàng.Bình Dương cũng có khu du lịch Đại Nam, là địa điểm giải trí, nghỉ dưỡng quen thuộc của nhiều bạn trẻ. Không chỉ có các không gian văn hóa, lịch sử mà khu du lịch còn đón chào bạn với 40 trò chơi hiện đại. Ngoài ra, Đại Nam còn có khu biển nhân tạo với tổng diện tích lên tới 22ha, vườn thú, khu dã ngoại, cắm trại…Và Bình Dương có vườn cây trái Lái Thiêu nằm ven sông Sài Gòn, cách thị xã Thủ Dầu Một khoảng 10km về phía Nam và cách thành phố Hồ Chí Minh chừng 20km về phía Bắc. Nhờ phù sa của dòng sông Sài Gòn chảy từ Sài Gòn về tới Thuận An thì rẽ thành hai nhánh, chính hai nhánh sông này cung cấp nước và mỡ màu, như một món quà ngọt lành của thiên nhiên ban tặng, nên cây trái Lái Thiêu bốn mùa xanh tốt.
Khoảng giữa tháng 5 đến tháng 8 được xem là khoảng thời gian lý tưởng nhất để tới Lái Thiêu. Ngoài mít tố nữ, sầu riêng hay bòn bon, các khu vườn xanh tươi này đã cho ra trái măng cụt thơm ngọt, mọng nước và trở thành một đặc sản để đón tiếp du khách. Và hương vị ấy lại được nâng tầm khi kết hợp cùng với gà để chế biến thành đĩa gỏi vô cùng hấp dẫn.
Gỏi măng cụt được làm khi trái còn xanh vỏ nhưng phần "cơm" (ruột) đã chín tới, "cơm" măng vừa giòn, có vị ngọt, chua vừa phải. Chế biến món gỏi măng cụt khó nhất là khâu cắt măng cụt lấy "cơm" măng vì khi trái còn xanh nhựa rất nhiều, dao cắt một nhát đã dính cứng ngắc không sao đưa dao được và "cơm" đổ màu nâu sậm, rất xấu. Thử nhiều lần, rồi mới tìm ra cách cắt măng dễ mà "cơm" măng vẫn trắng. Măng cụt kê nước cắt vỏ, sau đó bỏ "cơm" măng ra thau nước đá để "cơm" măng được trắng và giữ nguyên độ giòn. Sau đó có thể cắt "cơm" thành khoanh tròn mang hình dạng một bông hoa, hay chỉ đơn giản là tách múi và loại bỏ hột.
Gỏi được trộn với tép bạc luộc lên lột vỏ, thịt ba rọi luộc thái mỏng hay gà vườn luộc xé phay, trộn với "cơm" măng đã tách hột, thêm củ hành tây xắt mỏng, cà rốt bào sợi, đậu phộng rang vàng, thêm chút rau răm, củ hành tím phi vàng, vài lát ớt đỏ và các loại gia vị như chút đường, chút muối, chút bột ngọt… Gỏi măng cụt được ăn kèm với nước mắm tỏi ớt, bánh tráng nướng hoặc bánh phồng tôm.
Gắp một miếng măng cụt chua chua, ngọt ngọt, giòn giòn hòa với vị béo của tôm thịt, mùi thơm lừng của đậu phụng và rau thơm, vị cay thanh của rau răm, vị cay nồng của nước mắm tỏi ớt sẽ thấm vào đầu lưỡi và âm thanh giòn tan của đậu phộng, bánh tráng… Thưởng thức món lạ Lái Thiêu giữa vườn cây trái mát rượi, kèm với tô cháo kèm lòng gà nóng hổi vừa thổi vừa ăn thì ôi thôi, không gì sánh bằng!