17:05 03/12/2020

Vì sao tạm dừng bổ sung điện gió, điện mặt trời vào quy hoạch?

Bạch Dương

Bộ Công Thương cho biết tạm dừng xem xét các dự án điện mặt trời, điện gió riêng lẻ vào Quy hoạch điện

Các dự án điện mặt trời, điện gió bị tạm dừng bổ sung vào quy hoạch
Các dự án điện mặt trời, điện gió bị tạm dừng bổ sung vào quy hoạch

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 2/12 cho hay, hiện nay các hình thức có thể sản xuất ra điện đang gặp rất nhiều khó khăn. 

"Điện hạt nhân thì chúng ta dừng không tiến hành, nhiệt điện phân tích rất nhiều rồi, có nhiều tác hại. Thủy điện chúng ta cũng nói nhiều, đặc biệt qua đợt mưa lũ vừa rồi. Mọi người đều thấy rằng, rất khó khăn để phát triển điện khi mỗi năm có sự tăng trưởng phục vụ sản xuất và tiêu dùng rất lớn", ông Hải nói.

Vị Thứ trưởng khẳng định điện năng lượng mặt trời là hình thức mà chúng ta đang khuyến khích theo đúng đường lối của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Hiện nay nhiều doanh nghiệp cũng đang mong muốn tham gia vì họ cảm thấy sẽ có quyền lợi khi đầu tư vào hình thức phát điện này.

"Bộ Công Thương đã có chủ trương đề nghị từ nay cho đến khi có Quy hoạch Điện VIII thì tạm thời dừng việc tổng hợp riêng lẻ và bổ sung thêm các dự án điện mặt trời theo đề xuất của các địa phương cũng như các doanh nghiệp để chờ Quy hoạch Điện VIII hoàn chỉnh, sau đó sẽ xem xét một cách tổng thể", Thứ trưởng giải thích. 

Mới đây, Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu UBND các tỉnh thành phố chịu trách nhiệm rà soát quy hoạch địa điểm vị trí các nhà máy điện gió theo các quy định hiện hành bao gồm: dự án, công suất, địa điểm, dự kiến đấu nối...đang được khảo sát, nghiên cứu để bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Cơ quan này cũng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng kết quả rà soát 74 dự án điện gió với tổng quy mô công suất khoảng 6400 MW, chưa tính những dự án đang khảo sát.

Trước tình hình này, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương và nhà đầu tư tạm dừng xem xét đề nghị thẩm định bổ sung quy hoạch các dự án điện gió vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh (2011-2020), đợi Quy hoạch điện VIII hoàn chỉnh sẽ xem xét phê duyệt sau. 

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời, điện gió đã dẫn đến "cơn sốt" các dự án ồ ạt được triển khai và bổ sung vào quy hoạch, gây không ít hệ luỵ.

Tính hết năm 2019, theo báo cáo của Bộ Công Thương, tổng công suất điện gió và điện mặt trời đã khoảng 5800 MW, chiếm 10% tổng công suất nguồn của hệ thống và vượt 205% so với quy hoạch điện VII ban đầu. Đến năm 2030, dự kiến điện gió và điện mặt trời sẽ chiếm khoảng 28% là mức cao nhất, còn cao hơn mức 27% dự báo của nhiệt điện than, dầu và khí (19%) và thủy điện 18%.

Hai năm qua, Bộ Công thương đã nhận được đề nghị khảo sát và xin bổ sung quy hoạch các dự án điện trên bờ và ngoài khơi đến khoảng 50 ngàn MW. Tuy nhiên, bộ mới chỉ duyệt 4800 MW, bằng 1/10 quy hoạch, trước ngày 1/1/2019.

Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến cuối tháng 8, tổng công suất các nguồn điện gió, mặt trời được phê duyệt bổ sung quy hoạch gần 23.000 MW, trong đó điện gió khoảng 11.800 MW và điện mặt trời là 11.200 MW.

Hiện đã có 102 dự án điện mặt trời tổng công suất 6.314 MW đưa vào vận hành, trong đó riêng quý 2/2019 là 90 dự án với tổng công suất 4.000 MW vận hành. Đây là khối lượng công việc kỷ lục trong quá trình phát triển của ngành điện và số nhà máy được đưa vào vận hành cũng nhiều nhất từ trước đến nay.

Thực tế, sự phát triển nóng của các dự án điện mặt trời, điện gió dẫn tới tình trạng một số đường dây, trạm biến áp 110-500 kV tại các khu vực như Ninh Thuận, Bình Thuận trong tình trạng quá tải vào thời điểm các dự án đồng thời phát công suất cao.