15:47 23/03/2014

“Việt Nam chưa có đặc khu kinh tế đúng nghĩa”

Hoài Ngân

Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhìn nhận việc xây dựng các đặc khu kinh tế tại Việt Nam

Trưởng ban Kinh tế Trung ương, ông Vương Đình Huệ.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương, ông Vương Đình Huệ.
Phát biểu tại một hội thảo về phát triển đặc khu kinh tế diễn ra tại Quảng Ninh hôm 20/3 vừa qua, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đã đề cập đến việc xây dựng luật về đặc khu kinh tế.

Theo ông Huệ, việc này đã có trong chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khoá 13.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, Việt Nam cần xác định được những vị trí có lợi thế địa kinh tế thuận lợi nhất để xây dựng các đặc khu nói trên. Ngoài ba khu vực Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) đã được lựa chọn, những địa điểm tiềm năng khác là Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu (hình thành tuyến phát triển ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam); Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh (tuyến phát triển phía Bắc); các tỉnh ven biển miền Trung (Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định,...).

Khi đã xác định được "địa điểm", theo ông Huệ, cần tìm kiếm, vận động các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có ảnh hưởng và sức mạnh tài chính, công nghệ bằng các phương cách phù hợp.

Cụ thể, Việt Nam có thể thuê các công ty tư vấn quốc tế chỉ dẫn cho các nhà đầu tư, các tập đoàn kinh tế quốc tế những địa điểm mà họ có thể đầu tư, kiếm lợi nhuận. Chính phủ cũng có thể trực tiếp gặp gỡ và mời các nhà đầu tư chiến lược vào Việt Nam. Trong khi đó, chính quyền các địa phương, các bộ ngành có thể tìm kiếm, vận động các nhà đầu tư chiến lược vào Việt Nam, khởi động cho quá trình tiếp cận tới cấp quyết định cao nhất.

Mặt khác, để phát triển các đặc khu kinh tế, theo ông Huệ, cần xây dựng, ban hành các thể chế hành chính và kinh tế của các đặc khu kinh tế cần phải hiện đại, mang tầm quốc tế, có sức cạnh tranh vượt trội với các đặc khu khác đã hình thành trên thế giới.

Đến nay, trên thế giới đã có hơn 3.500 khu kinh tế tự do tại 135 quốc gia. Ở Việt Nam, tại hội nghị Trung ương 4 khoá 8 (tháng 12/1997), ý tưởng xây dựng các khu kinh tế đã được đề xuất. Tuy nhiên, mãi đến năm 2002, chủ trương xây dựng thí điểm mô hình khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) mới được quyết định, và đến nay đã có 15 khu kinh tế ven biển với tổng diện tích khoảng 54.000 ha.

Những khu kinh tế này, theo ông Vương Đình Huệ, đã đạt được các kết quả nhất định, xét về các mặt thu hút đầu tư trong và ngoài nước, giải quyết công việc làm ăn cho hàng vạn lao động, đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương... Tuy nhiên, thể chế cho các khu kinh tế này tuy có vượt trội so với các khu công nghiệp, nhưng chỉ tập trung vào các ưu đãi về thuế, về tiền thu đất... nên so với các khu kinh tế tự do trong khu vực và trên thế giới thì vẫn còn nhiều bất cập, không đủ sức cạnh tranh.

Mặt khác, cho đến nay hầu như chưa có những nhà đầu tư chiến lược nước ngoài thực hiện đầu tư ở các khu kinh tế này. Một số nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện các dự án đầu tư lớn nhưng ít có dự án đầu tư với công nghệ hiện đại.

"Có thể nói, đến nay ở Việt Nam chưa có một đặc khu kinh tế nào đã được xây dựng theo đúng nghĩa. Việt Nam là nước có lợi thế lớn về kinh tế biển, đảo với hơn 50 cảng biển, 40 vũng, vịnh, 3.000 hòn đảo lớn nhỏ; là một trong 10 nước trên thế giới có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển (3.260 km). Vì thế, việc xây dựng một số đặc khu kinh tế để tạo các cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam", ông Huệ nhấn mạnh.