19:10 12/07/2016

Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết vụ kiện biển Đông

Nguyễn Lê

Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ Việt Nam hoan nghênh việc PCA đã đưa ra phán quyết cuối cùng trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên biển Đông vào ngày 12/7/2016.<br>
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ Việt Nam hoan nghênh việc PCA đã đưa ra phán quyết cuối cùng trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên biển Đông vào ngày 12/7/2016.<br>
Việt Nam hoan nghênh việc Tòa án Thường trực Trọng tài (PCA) đã đưa ra phán quyết cuối cùng trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên biển Đông vào ngày 12/7/2016. Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình, đã nêu rõ như vậy ngày 12/7/2016, khi trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước phán quyết của PCA.

Trước đó, vào cùng ngày, PCA đã ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với yêu sách của Trung Quốc tại biển Đông sau 3 năm thụ lý, theo đó tòa tuyên bố "đường chín đoạn" của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, đồng thời Trung Quốc không có "chủ quyền lịch sử" tại biển Đông.

"Tòa án Trọng tài Thường trực kết luận rằng không có căn cứ pháp lý nào để Trung Quốc đòi chủ quyền lịch sử đối với tài nguyên, vượt quá các quyền mà Công ước về Luật Biển cung cấp, trong vùng biển thuộc phạm vi "đường chín đoạn", thông cáo báo chí của PCA viết.

Đáng chú ý, PCA cũng kết luận các thực thể nổi (khi thủy triều lên) ở quần đảo Trường Sa là những "bãi đá", nên các thực thể này không thể có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ).

Theo ông Lê Hải Bình, Việt Nam một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện đầy đủ trong tuyên bố ngày 5/12/2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi PCA.

Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.

Nhân dịp này, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ông Lê Hải Bình nói.