Tòa quốc tế bác yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc
“Tòa án Trọng tài Thường trực kết luận rằng không có căn cứ pháp lý nào để Trung Quốc đòi chủ quyền lịch sử”
“Đường chín đoạn” trên biển Đông của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, và nước này cũng không có “chủ quyền lịch sử” tại biển Đông.
Đây là nội dung chính trong phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên biển Đông, được Tòa án Thường trực Trọng tài (PCA) ở The Hague, Hà Lan tuyên bố hôm nay (12/7). Phán quyết này được xem là một nền tảng quan trọng để các nước giải quyết tranh chấp trên biển Đông.
Đơn kiện Trung Quốc được Philippines nộp lên PCA vào năm 2013. Trong vụ kiện này, Philippines cáo buộc các tuyên bố chủ quyền và hoạt động của Trung Quốc trên biển Đông là đi ngược lại luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) - một công ước mà cả Trung Quốc và Philippines cùng là thành viên.
"Tòa án Trọng tài Thường trực kết luận rằng không có căn cứ pháp lý nào để Trung Quốc đòi chủ quyền lịch sử đối với tài nguyên, vượt quá các quyền mà Công ước về Luật Biển cung cấp", thông cáo báo chí của PCA viết.
Đáng chú ý, PCA kết luận các thực thể nổi (khi thủy triều lên) ở quần đảo Trường Sa là những "bãi đá", nên các thực thể này không thể có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ).
PCA cũng kết luận Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ ngăn chặn các va chạm ở biển và các vấn đề liên quan đến an toàn hàng hải.
Là nước đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với khoảng 90% biển Đông, tuyến đường biển có lượng hàng hóa thương mại trị giá 5 nghìn tỷ USD di chuyển qua mỗi năm, Trung Quốc đã tuyên bố không công nhận vụ kiện và từ chối tham gia quá trình tranh tụng. Bắc Kinh nói PCA không có quyền tài phán trong vụ kiện này, đồng thời khẳng định sẽ không “chấp nhận, công nhận hay thực thi” phán quyết.
Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc sẽ đối mặt nguy cơ bị mất uy tín, bị xem là một quốc gia coi thường luật pháp quốc tế, nếu không tuân thủ phán quyết mà tòa án đưa ra.
Ngoài ra, các nhà phân tích cũng cảnh báo có khả năng Trung Quốc phản ứng mạnh đối với một phán quyết không có lợi cho nước này.
Mỹ đã cử hàng không mẫu hạm và máy bay chiến đấu tới biển Đông để phòng ngừa tình huống như vậy, dẫn tới một bài xã luận đầy vẻ giận dữ trên tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc. Bài viết kêu gọi Bắc Kinh chuẩn bị sẵn sàng cho “đối đầu quân sự” trên biển Đông. Cùng với đó, hải quân Trung Quốc mới đây đã tiến hành tập trận gần quần đảo Hoàng Sa.
Thời gian gần đây, Trung Quốc đã ra sức tập hợp sự ủng hộ của quốc tế đối với quan điểm của nước này cho rằng phán quyết của PCA nên bị phủ nhận. Các nhà ngoại giao Trung Quốc đã viết một loạt bài báo về lập trường của Bắc Kinh để đăng trên các kênh thông tin đại chúng sử dụng tiếng Anh trên khắp thế giới.
Trong một diễn biến khác, tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte mới đây đã tuyên bố nước này sẵn sàng chia sẻ nguồn tài nguyên thiên nhiên với Bắc Kinh trên biển Đông, cho dù PCA ra phán quyết có lợi cho Manila.
Đây là nội dung chính trong phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên biển Đông, được Tòa án Thường trực Trọng tài (PCA) ở The Hague, Hà Lan tuyên bố hôm nay (12/7). Phán quyết này được xem là một nền tảng quan trọng để các nước giải quyết tranh chấp trên biển Đông.
Đơn kiện Trung Quốc được Philippines nộp lên PCA vào năm 2013. Trong vụ kiện này, Philippines cáo buộc các tuyên bố chủ quyền và hoạt động của Trung Quốc trên biển Đông là đi ngược lại luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) - một công ước mà cả Trung Quốc và Philippines cùng là thành viên.
"Tòa án Trọng tài Thường trực kết luận rằng không có căn cứ pháp lý nào để Trung Quốc đòi chủ quyền lịch sử đối với tài nguyên, vượt quá các quyền mà Công ước về Luật Biển cung cấp", thông cáo báo chí của PCA viết.
Đáng chú ý, PCA kết luận các thực thể nổi (khi thủy triều lên) ở quần đảo Trường Sa là những "bãi đá", nên các thực thể này không thể có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ).
PCA cũng kết luận Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ ngăn chặn các va chạm ở biển và các vấn đề liên quan đến an toàn hàng hải.
Là nước đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với khoảng 90% biển Đông, tuyến đường biển có lượng hàng hóa thương mại trị giá 5 nghìn tỷ USD di chuyển qua mỗi năm, Trung Quốc đã tuyên bố không công nhận vụ kiện và từ chối tham gia quá trình tranh tụng. Bắc Kinh nói PCA không có quyền tài phán trong vụ kiện này, đồng thời khẳng định sẽ không “chấp nhận, công nhận hay thực thi” phán quyết.
Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc sẽ đối mặt nguy cơ bị mất uy tín, bị xem là một quốc gia coi thường luật pháp quốc tế, nếu không tuân thủ phán quyết mà tòa án đưa ra.
Ngoài ra, các nhà phân tích cũng cảnh báo có khả năng Trung Quốc phản ứng mạnh đối với một phán quyết không có lợi cho nước này.
Mỹ đã cử hàng không mẫu hạm và máy bay chiến đấu tới biển Đông để phòng ngừa tình huống như vậy, dẫn tới một bài xã luận đầy vẻ giận dữ trên tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc. Bài viết kêu gọi Bắc Kinh chuẩn bị sẵn sàng cho “đối đầu quân sự” trên biển Đông. Cùng với đó, hải quân Trung Quốc mới đây đã tiến hành tập trận gần quần đảo Hoàng Sa.
Thời gian gần đây, Trung Quốc đã ra sức tập hợp sự ủng hộ của quốc tế đối với quan điểm của nước này cho rằng phán quyết của PCA nên bị phủ nhận. Các nhà ngoại giao Trung Quốc đã viết một loạt bài báo về lập trường của Bắc Kinh để đăng trên các kênh thông tin đại chúng sử dụng tiếng Anh trên khắp thế giới.
Trong một diễn biến khác, tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte mới đây đã tuyên bố nước này sẵn sàng chia sẻ nguồn tài nguyên thiên nhiên với Bắc Kinh trên biển Đông, cho dù PCA ra phán quyết có lợi cho Manila.