Việt Nam tăng 4 bậc trong bảng xếp hạng quốc gia hạnh phúc nhất thế giới
Các chính sách nghiêm ngặt của chính phủ không chỉ giúp kiểm soát hiệu quả Covid-19 mà còn ngăn chặn tác động tiêu cực của dịch bệnh này lên cảm giác hạnh phúc của người dân
Đại dịch Covid-19 kéo dài hơn một năm qua có ảnh hưởng lớn tới xếp hạng quốc gia hạnh phúc nhất thế giới năm nay. Theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2021 (World Happinesss Report) của Liên Hợp Quốc, Việt Nam tăng thăng hạng từ thứ 83 lên 79.
Báo cáo Hạnh phúc Thế giới là báo cáo thường niên do Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc thực hiện từ năm 2012. Báo cáo này xếp hạng các quốc gia và vùng lãnh thổ dựa 6 tiêu chí: GDP trên đầu người, tuổi thọ, quyền tự do, sự hào phóng, phúc lợi xã hội và tình trạng tham nhũng.
Do tình hình Covid-19 trên toàn cầu năm qua, các nhà nghiên đã không thể phỏng vấn trực tiếp mà phải thay đổi phương pháp, tập trung vào các mối quan hệ giữa phúc lợi và dịch bệnh Covid-19.
Tại Đông Nam Á, ngoài Việt Nam, hầu hết quốc gia trong khu vực đều thăng hạng trong báo cáo năm nay. Singapore xếp hạng 32 (giảm một bậc với năm ngoái), Malaysia xếp thứ 81 (tăng một bậc), Indonesia xếp thứ 82 (tăng hai bậc). Myanmar xếp hạng 126 (tăng 7 bậc), Lào xếp thứ 100 (tăng 4 bậc). Thái Lan xếp thứ 54 (không thay đổi). Trong khi đó, Campuchia tụt 8 bậc so với năm ngoái xuống vị trí thứ 114.
Theo ông Shun Wang, giáo sư Viện Phát triển Hàn Quốc, nhìn vào các quốc gia ở khu vực Đông Á, có thể thấy những chính sách nghiêm ngặt của chính phủ không chỉ giúp kiểm soát hiệu quả Covid-19 mà còn ngăn chặn tác động tiêu cực của dịch bệnh này lên cảm giác hạnh phúc của người dân.
Trên toàn cầu, Phần Lan tiếp tục tục dẫn đầu bảng xếp hạng hạnh phúc năm thứ 4 liên tiếp, theo sau là Iceland, Đan Mạch và Thụy Sĩ. Các quốc gia còn lại trong top 10 gồm Hà Lan, Thụy Điển, Đức, Na Uy. New Zealand và Áo.
Trong bảng xếp hạng năm nay, Mỹ thăng hạng từ 18 lên 14, trong khi đó Anh lại tụt hạng từ vị trí 18 xuống 13. Australia giữ nguyên vị trí thứ 12.
Top 10 quốc gia trong bảng xếp hạng năm nay có sự thay đổi, tuy nhiên đa phần vẫn tương tự năm trước. Đây được xem là một dấu hiệu tích cực giữa tình hình đại dịch trên toàn cầu.
"Một điều đáng ngạc nhiên là chỉ số phúc lợi trung bình không giảm. Con số này được tính toán dựa trên đánh giá của người dân về cuộc sống của chính mình", John Helliwell, giáo sư Đại học British Columbia, Canada, nói. "Có thể lý giải rằng mọi người xem dịch bệnh Covid-19 là mối đe dọa chung từ bên ngoài, và nó khiến họ đoàn kết hơn, có cảm giác đồng cam cộng khổ với người khác nhiều hơn".
Xếp cuối bảng xếp hạng năm nay tiếp tục là Afghanistan, theo sau là Zimbabwe, Rwanda và Botswana. Các quốc gia còn lại trong nhóm 10 nước cuối bảng gồm Burundi, Yemen, Tanzania, Haiti, Malawi, Lesotho. Đây chủ yếu là các quốc gia kém phát triển, thường xuyên xảy ra xung đột chính trị và vũ trang.
Theo ông Jeffrey Sachs, đồng biên tập báo cáo, giáo sư kiêm giám đốc Trung tâm Phát triển Bền vững thuộc Đại học Columbia, đại dịch đã nhắc nhở cả thế giới về mối đe dọa môi trường toàn cầu, nhu cầu cấp thiết phải hợp tác và những khó khăn cho sự hợp tác tại mỗi quốc gia và trên toàn thế giới.