Vietnam Airlines báo lỗ sau kiểm toán năm 2023 giảm 50% so với cùng kỳ
Đây là kết quả khả quan của Tổng công ty trong giai đoạn phục hồi sau covid và trong bối cảnh môi trường kinh doanh còn nhiều khó khăn, thách thức.
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP Vietnam Airlines (mã HVN-HOSE) giải trình chênh lệch LNST năm 2023 so với năm trước và lộ trình khắc phục tình trạng cổ phiếu bị kiểm soát.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán 2023 mới được công bố, HVN ghi nhận doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 92.231 tỷ đồng, tăng hơn 21.400 tỷ, tương ứng 30% so với năm 2022 (70.792 tỷ đồng);
Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng ghi nhận lợi nhuận gộp 3.885 tỷ đồng trong năm 2023 (trong khi cùng kỳ, HVN lỗ 2.876 tỷ đồng); lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh -5.977,7 tỷ (trong khi cùng kỳ -11.218 tỷ đồng);
Kết quả, lũy kế cả năm 2023 kiểm toán, HVN lỗ hợp nhất là 5.631 tỷ đồng, giảm 50% tương đương giảm lỗ 5.591 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do giảm lỗ sau thuế thuế thu nhập doanh nghiệp của Công ty mẹ và Pacific Airlines; bên cạnh đó các công ty con như: VAECO (Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay), VACS (Công ty TNHH MTV Suất ăn Việt Nam), NCS (Công ty cổ phần Suất ăn Nội Bài)....đều tăng lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước.
Lỗ sau thuế kiểm toán năm 2023 của công ty mẹ là 4.798 tỷ đồng giảm gần 46% tương đương giảm lỗ 4.054,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Theo HVN chủ yếu do tổng doanh thu và thu nhập khác của Công ty mẹ cả năm tăng 39,1% tương đương tăng hơn 19.635,6 tỷ đồng trong đó chủ yếu do doanh thu cung cấp dịch vụ tăng 39,9% tương đương tăng hơn 19.521 tỷ đồng do thị trường hàng không quốc tế đi/đến Việt Nam dần phục hồi (doanh thu nội địa tăng 4,5%, doanh thu quốc tế tăng 126,5% so với cùng kỳ năm trước).
Tổng chi phí cả năm 2023 của công ty mẹ tăng 26,38% so với cùng kỳ chủ yếu do chi phí nhiên liệu (giá và sản lượng đều tăng) và chi phí bán tăng so với cùng kỳ năm trước và tăng tương ứng với doanh số bán hàng.
Lãi gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty mẹ và hợp nhất năm 2023 sau kiểm toán lần lượt đạt trên 2.137 tỷ đồng; 3.885 tỷ đồng. Đây là kết quả khả quan của Tổng công ty trong giai đoạn phục hồi sau covid và trong bối cảnh môi trường kinh doanh còn nhiều khó khăn, thách thức.
Trong năm 2023, Tổng công ty chủ động triển khai hàng loạt các giải pháp ngắn hạn và dài hạn để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh covid và cải thiện kết quả sản xuất kinh doanh và bổ sung nguồn vốn và dòng tiền cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên do thị trường vận chuyển quốc tế phục hồi khác nhau ở các khu vực, tình trạng thừa tải và cạnh tranh cao cộng thêm các yếu tố tiêu cực phát sinh như giá nhiên liệu tăng cao, xung đột chiến tranh Nga- Ukraine, Israel -Plastine tại Dải Gaza và các rủi ro tài chính (tỷ giá, lãi suất) gia tăng nên hoạt động sản xuất kinh doanh sau kiểm toán vẫn bị thua lỗ trong Quý 4 và cả năm 2023.
Theo dự báo, thị trường nội địa và quốc tế sẽ được phục hồi tích cực, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty cũng sẽ có kết quả tích cực hơn vào năm 2024 - 2025.
Giải trình biện pháp, lộ trình khắc phục tình trạng HVN bị kiểm soát:
HVN cho biết, Tổng công ty đã hoàn thành Đề án cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn 2021-2025 và đã báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt. Trong đề án, trong năm 2024-2025 Tổng công ty sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu hợp nhất như: thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường thích nghi và cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh; tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền.
Tuy nhiên, bên kiểm toán cũng lưu ý, tại ngày 31/12/2023, nợ ngắn hạn của Tổng Công ty và các công ty con vượt quá tài sẳn ngắn hạn vởi số tiền là 46.287 tỷ đồng, khoản phải trả đã quá hạn của Tổng Công ty và các công ty con là 13.743 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 17.026 tỷ đồng. Trong năm kết thúc cùng ngày, Tổng Công ty và các công ty con có kết quả kinh doanh lỗ sau thuế thu nhập doanh nghiệp với số tiền là 5.632 tỷ đồng.
Theo đó, bên kiểm toán cho rằng khả năng hoạt động liên tục của Tổng Công ty và các công ty con sẽ phụ thuộc chủ yếu vào khả năng hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau COVID-19 và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng và các khoản phải trả cho nhà cung cấp và bên cho thuê, cũng như khả năng thành công của đề án tái cơ cấu hiện đang được các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt và những điều kiện này, cùng các vấn đề khác cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thế dẫn tới nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Tổng Công ty và các công ty con.
Bên cạnh đó, báo cáo tài chính hợp nhất của Tổng Công ty cho năm kết thúc ngày 31/12/2022 được kiểm toán đã đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần cùng các vấn đề cần nhấn mạnh về các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Tổng Công ty và các công ty con và về phương pháp tính và ghi nhận chi phí khấu hao, chi phí phân bổ tiền sửa chữa bảo dưỡng máy bay và động cơ cho các năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2020, 2021 và 2022 theo hướng dẫn kế toán riêng được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với báo cáo tài chính đó trong báo cáo kiểm toán ngày 7/12/2023.