21:04 12/04/2023

SSC "bác" đơn xin tạm hoãn công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2022 của HVN

Hà Anh

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từ chối đề nghị tạm hoãn công bố thông tin đối với báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 của Tổng CTCP Hàng không Việt Nam với lý do đề xuất tạm hoãn của hãng bay quốc gia không thuộc trường hợp bất khả kháng được cho phép giãn hạn...

Sơ đồ giá cổ phiếu HVN trên HOSE từ đầu năm 2023 đến nay.
Sơ đồ giá cổ phiếu HVN trên HOSE từ đầu năm 2023 đến nay.

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (mã HVN-HOSE) thông báo công văn của UBCKNN về việc công bố BCTC kiểm toán năm 2022 của HVN.

Theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từ chối đề nghị tạm hoãn công bố thông tin đối với báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 của Tổng CTCP Hàng không Việt Nam với lý do đề xuất tạm hoãn của hãng bay quốc gia không thuộc trường hợp bất khả kháng được cho phép giãn hạn.

Trước đó hồi đầu tháng 4/2023, HOSE đã có thông báo về việc chưa nhận được báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 của 24 doanh nghiệp trong đó có Vietnam Airlines.

Trong văn bản gửi Sở, Vietnam Airlines cho biết, tổng công ty có quy mô lớn hoạt động trên toàn cầu với 27 đơn vị trực thuộc (9 đơn vị trong nước và 18 chi nhánh nước ngoài) và 15 công ty con có quy mô vừa và lớn, hoạt động trong nhiều lĩnh vực và cũng phải lập báo cáo tài chính hợp nhất. Tổng công ty và các công ty con đang sắp xếp ổn định lại hoạt động sản xuất kinh doanh, khắc phục các hậu quả của đại dịch COVID-19, từng bước tái cơ cấu doanh nghiệp.

Trong điều kiện như vậy, Vietnam Airlines cần thêm thời gian cho việc đối chiếu báo cáo, xác nhận báo cáo, tổng hợp số liệu tuân thủ chuẩn mực kiểm toán.

Được biết, ngày 01/06/2022, HOSE đã ban hành quyết định giữ nguyên diện kiểm soát đối với cổ phiếu HVN do vốn chủ sở hữu -2.160 tỷ đồng, căn cứ BCTC hợp nhất Q 1.2022 và Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên BCTC kiểm toán 2 năm gần nhất (năm 2020, 2021) là số âm, thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát theo quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều 38 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/03/2022 của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

Theo BCTC hợp nhất quý 4 năm 2022 của HVN, Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ lũy kế năm là -10.452,6 tỷ đồng, Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 31/12/2022 là -34.199,5 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu -10.199,2 tỷ đồng.

Căn cứ quy định tại điểm e khoản 1 Điều 120 tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán ngày 26 tháng 11 năm 2019 như sau: “ 1 . cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây:... e) Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá so vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét;. ”,

Do đó, HOSE lưu ý công ty về khả năng cổ phiếu HVN bị hủy niêm yết nếu BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục có lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ và/hoặc vốn chủ sở hữu là số âm.

Mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) điều chỉnh giảm 12% giá mục tiêu của HVN xuống 13.400 đồng/cổ phiếu nhưng duy trì khuyến nghị "phù hợp thị trường" đối với HVN.

Theo VCSC, giá mục tiêu thấp hơn của chúng tôi chủ yếu do mức giảm 12% trong dự báo tổng EBITDAR giai đoạn 2023-2024 của chúng tôi, điều này chủ yếu được củng cố bởi (1) các giả định thấp hơn của chúng tôi đối với lượng hành khách và mức sinh lời mảng trong nước của HVN trong giai đoạn này và (2) dự báo khả năng sinh lời thấp hơn của chúng tôi cho VNA tính riêng trong giai đoạn 2023-2024 do các giả định về mức chênh lệch dầu/nhiên liệu máy bay cao hơn của chúng tôi.

Đáng chú ý, trong Báo cáo cập nhật này, VCSC duy trì mức chiết khấu 15% so với định giá của HVN nhằm phản ánh rủi ro bị hủy niêm yết tại sàn HOSE.

Trong năm 2023 và 2024, chúng tôi dự báo HVN sẽ tiếp tục ghi nhận lỗ lần lượt là 8 nghìn tỷ đồng và 4,4 nghìn tỷ đồng do chúng tôi thận trọng dự phóng trọng hoạt động vận tải quốc tế sẽ dần phục hồi trong bối cảnh giá nhiên liệu cao, trong khi HVN có đòn bẩy hoạt động cao.

Bên cạnh đó, các yếu tố hỗ trợ/rủi ro đối với HVN là việc nối lại các chuyến bay quốc tế nhanh hơn/chậm hơn dự kiến; giá dầu thô thấp hơn/cao hơn; lãi cao hơn/thấp hơn dự kiến từ việc thoái vốn khỏi công ty con và công ty liên kết; tỷ giá USD/VND thấp hơn/cao hơn.

Theo báo cáo tài chính năm 2022 tự lập, HVN đạt doanh thu đạt gần 71.000 tỷ đồng tăng 70% so với cùng kỳ (27.911 tỷ đồng). Tuy nhiên, giá nhiên liệu bay cùng tỷ giá tăng mạnh khiến HVN vẫn lỗ trước thuế 10.091 tỷ đồng và đây cũng là năm lỗ thứ 3 liên tiếp của HVN và lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ khiến cổ phiếu không đủ điều kiện niêm yết trên HOSE.

Vì HVN là công ty đại chúng, nên VCSC cho rằng HVN sẽ được niêm yết trên UPCoM nếu có nguy cơ bị hủy niêm yết trên sàn HOSE.