VNPT sẽ thoái vốn tại 50 công ty bất động sản, tài chính...
Tập đoàn VNPT sẽ thoái vốn tại hàng loạt các công ty về bất động sản, ngân hàng, khách sạn
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định 25/2016/NĐ-CP về điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), theo đó tập đoàn sẽ thoái vốn tại hàng loạt các công ty về bất động sản, quản lý quỹ, ngân hàng, khách sạn…
Theo nghị định trên, vốn điều lệ của VNPT là 72.237 tỷ đồng, Nhà nước là chủ sở hữu. Chính phủ trực tiếp thực hiện hoặc phân công cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ có liên quan, Hội đồng thành viên VNPT thực hiện các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với VNPT.
VNPT có 71 đơn vị trực thuộc, 2 công ty con do VNPT sở hữu 100% vốn điều lệ gồm Tổng công ty Truyền thông (VNPT-Media) và Tổng công ty Dịch vụ viễn thông (VNPT - Vinaphone), 5 công ty con khác và 3 đơn vị sự nghiệp của VNPT (Bệnh viện Bưu điện (tại Tp. Hà Nội), Bệnh viện Đa khoa Bưu điện (tại Tp.HCM), Bệnh viện Phục hồi chức năng Bưu điện (tại Tp. Hải Phòng);...
Đáng chú ý theo nghị định trên, VNPT sẽ tiến hành thoái vốn tại hàng loạt các công ty, quỹ... như Quỹ đầu tư Việt Nam (BVIM), Quỹ đầu tư chứng khoán Sài Gòn A2 (SFA2), Quỹ đầu tư tăng trưởng Việt Nam (VF2), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải Việt Nam, Công ty Tài chính Bưu điện (PTF), Công ty Cổ phần khách sạn Bưu điện (P&T Hotel), Công ty Cổ phần Bất động sản Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT Land), Công ty Cổ phần Xây lắp Bưu điện miền Trung (CTC), Công ty Cổ phần Du lịch trực tuyến (E-Travel), Công ty Cổ phần tin học Tin học Viễn thông Petrolimex, Công ty Cổ phần Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT), Công ty Cổ phần Đầu tư Viễn thông và Hạ tầng đô thị (ITC), Công ty Cổ phần viễn thông VTC…
Liên quan đến việc thoái vốn khỏi các doanh nghiệp ngoài ngành, tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2016 tháng 12/2015 của VNPT, ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc tập đoàn này cho biết, một trong những khó khăn của VNPT trong năm 2015 là việc thoái vốn khỏi các doanh nghiệp ngoài ngành.
Lý do theo ông Long bởi thị thường tài chính tiếp tục ảm đạm, chưa có hướng dẫn của cơ quan quản lý Nhà nước về trình tự, thủ tục tiếp theo để triển khai thoái vốn đối với các danh mục đã bán đấu giá, thỏa thuận lần hai không thành công.
Trước đó, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch VNPT cho biết, khi thoái vốn, VNPT đều có lãi, không lỗ. Đơn cử với hai doanh nghiệp mà VNPT đầu tư vốn lớn nhất như Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sacom và Ngân hàng Hàng hải chiếm nửa số vốn đầu tư ngoài ngành của VNPT, nhưng VNPT cũng lãi.