16:02 11/11/2022

Vốn ngoại rót gần 3,3 ngàn tỷ mua vào, VN-Index tăng nhẹ, 214 mã vẫn giảm sàn

Kim Phong

Đà tăng đã suy yếu nhiều trong phiên chiều nay, khi VN-Index kết ngày chỉ còn tăng 7,29 điểm tương đương 0,77% trong khi cuối phiên sáng chỉ số này vẫn còn tăng 1,45%. Tuy vậy khối ngoại có một phiên giải ngân gây sốc, với tổng giá trị 3.277 tỷ đồng riêng ở HoSE. Giá trị mua ròng lên tới 2.479 tỷ đồng, trong đó riêng cổ phiếu VN30 được mua ròng gần 1.654 tỷ đồng...

VN-Index hạ độ cao rõ rệt trong phiên chiều, bất chấp nỗ lực mua mạnh của nhà đầu tư nước ngoài.
VN-Index hạ độ cao rõ rệt trong phiên chiều, bất chấp nỗ lực mua mạnh của nhà đầu tư nước ngoài.

Đà tăng đã suy yếu nhiều trong phiên chiều nay, khi VN-Index kết ngày chỉ còn tăng 7,29 điểm tương đương 0,77% trong khi cuối phiên sáng chỉ số này vẫn còn tăng 1,45%. Tuy vậy khối ngoại có một phiên giải ngân gây sốc, với tổng giá trị 3.277 tỷ đồng riêng ở HoSE. Giá trị mua ròng lên tới 2.479 tỷ đồng, trong đó riêng cổ phiếu VN30 được mua ròng gần 1.654 tỷ đồng.

Nếu tính riêng phiên chiều, vốn ngoại mua tới 2.192 tỷ đồng và bán ra 587,8 tỷ đồng. Như vậy, chiều nay quy mô giải ngân của khối này chiếm tới 35% tổng giá trị giao dịch của HoSE, là một tỷ trọng cực lớn. Tỷ trọng mua tính cho cả phiên cũng xấp xỉ 30% giá trị sàn.

Nguồn lực này đổ vào hàng loạt cổ phiếu, tâm điểm là STB với gần 25,75 triệu cổ, tương đương 65% thanh khoản. STB tăng giá 2,97%, nhưng chiều nay thực tế bị nhà đầu tư trong nước xả khá lớn và ép giá xuống. So với cuối phiên sáng, mức đóng cửa của STB đã tụt 2,19%. So với giá đỉnh trong ngày, STB cũng tụt xuống tới 3,7%. Tổng giá trị mua ròng tại STB đạt 402,6 tỷ đồng.

KDH cũng là mã được mua đáng chú ý khi mã này thuộc diện bị bán tháo giá sàn. Tuy vậy KDH chủ yếu được mua qua thỏa thuận, tổng giá trị đạt 388,6 tỷ đồng, giá tăng 6,32%. HPG được khối ngoại mua 31% thanh khoản, tương đương giá trị ròng 224,3 tỷ đồng và giá tăng 1,65%. VHM +134,6 tỷ, CTG +112,8 tỷ, SSI +105,3 tỷ là những cổ phiếu được mua ròng cực mạnh khác.

Mặc dù cầu ngoại gia tăng đột biến buổi chiều, nhưng giá cổ phiếu lại có xu hướng tụt dần xuống. Cụ thể, trong rổ VN30 có tới 19 cổ phiếu rơi giá thấp hơn buổi sáng, chỉ 9 mã tăng thêm. GVR gây bất ngờ lớn bằng một đợt xả mạnh từ khoảng 1h45 trở đi. Đến 2h20 giá GVR đã rơi xuống tận mức sàn dù chốt buổi sáng giá vẫn đang xanh 0,4%. Kết phiên GVR vẫn đóng cửa giá sàn. Nhiều cổ phiếu khác hạ độ cao đáng kể là MBB, VNM, TCB, BVH, VPB, GAS, CTG, tụt giá từ 1% tới 4% so với buổi sáng, dù chốt phiên vẫn đa số là tăng so với tham chiếu.

Cổ phiếu bất động sản, xây dựng, vật liệu sàn la liệt.
Cổ phiếu bất động sản, xây dựng, vật liệu sàn la liệt.

Ở diện rộng hơn, độ rộng của VN-Index cuối phiên chỉ còn 213 mã tăng/233 mã giảm, trong khi cuối phiên sáng khá tốt với là 248 mã tăng/176 mã giảm. Như vậy lực bán có phần áp đảo chiều nay và các blue-chips giữ nhịp là yếu tố quan trọng nâng đỡ chỉ số. VCB tăng 3,71%, MSN tăng 6,79%, BID tăng 3,75%, VIC tăng 2,45%, CTG tăng 3,74% là những trụ kéo điểm tốt nhất.

Tuy độ rộng giằng co, nhưng HoSE vẫn có tới 90 mã giảm sàn, tập trung chủ yếu ở nhóm bất động sản, xây dựng và vật liệu. Thậm chí nhóm chứng khoán cũng đóng góp nhiều mã giảm sàn. Điều này cho thấy áp lực cung cầu đang rất thất thường ở các cổ phiếu khác nhau. Bất kỳ cổ phiếu nào cũng có thể bị bán tháo nếu nhà đầu tư cần tiền mặt. Nếu như các cổ phiếu bất động sản mất thanh khoản thì có thể là nguyên nhân trực tiếp, nhưng khi nhiều cổ phiếu khác như chứng khoán hay thép thì rất có thể là việc quyết liệt thu hồi tiền mặt.

Áp lực giảm tới giá sàn chiều nay xuất hiện nhiều mã thanh khoản rất lớn: DXG giao dịch 124,1 tỷ; DGC giao dịch 206,4 tỷ; PVD giao dịch 135,8 tỷ; EIB thanh khoản 283,5 tỷ; HAG 119 tỷ; HSG 105,6 tỷ; VCG 112,1 tỷ; HCM 172,9 tỷ; VCI 260,2 tỷ; DIG 229,2 tỷ... Các cổ phiếu này không hề có tín hiệu xấu nào trong buổi sáng, nhưng buổi chiều bị bán cực mạnh, thậm chí sẵn sàng bán tới giá sàn. Riêng HoSE có 90 mã giảm kịch biên độ và tính chung 3 sàn tới 214 mã.

Đây là trạng thái thị trường rất lạ, khi nhiều cổ phiếu không thể đi theo xu hướng chung mà còn ngược hướng với cường độ lớn. Hẳn phải có áp lực bán kỹ thuật mới tạo được sức ép như vậy, vì tâm lý nhà đầu tư thông thường sẽ giảm bán khi thấy thị trường xanh.

Một điểm cũng đáng chú ý là thanh khoản hôm nay không tăng được bao nhiêu, nhưng dòng vốn ngoại mua rất lớn. Tỷ trọng mua chiếm 30% thanh khoản ở sàn HoSE là chưa từng có với khối này. Nhưng con số đó lại thể hiện rằng dòng vốn trong nước đang mất hút.