Vốn ngoại mua đột biến, cổ phiếu tài chính tăng ào ạt
Động lực tăng mạnh từ chứng khoán Mỹ trên cơ sở lạm phát giảm tốc đã hỗ trợ tâm lý trong nước. Tuy dòng tiền không có gì đáng chú ý, nhưng áp lực bán giảm đáng kể, tạo điều kiện cho giá cổ phiếu phục hồi. Duy có một số mã bất động sản vẫn mất thanh khoản, trong khi nhóm cổ phiếu tài chính dẫn sóng tăng. Nhà đầu tư nước ngoài cũng gây bất ngờ bằng màn giải ngân cực mạnh...
Động lực tăng mạnh từ chứng khoán Mỹ trên cơ sở lạm phát giảm tốc đã hỗ trợ tâm lý trong nước. Tuy dòng tiền không có gì đáng chú ý, nhưng áp lực bán giảm đáng kể, tạo điều kiện cho giá cổ phiếu phục hồi. Duy có một số mã bất động sản vẫn mất thanh khoản, trong khi nhóm cổ phiếu tài chính dẫn sóng tăng. Nhà đầu tư nước ngoài cũng gây bất ngờ bằng màn giải ngân cực mạnh.
Khối ngoại giảm mạnh mua ròng hôm qua phát tín hiệu ngắt quãng đợt mua ròng kéo dài 5 phiên liên tiếp. Tuy nhiên sáng nay kỳ vọng vẫn còn, thậm chí khối này giải ngân bất ngờ gần 1.085 tỷ đồng trên sàn HoSE, trong khi bán ra chỉ có 209,9 tỷ đồng.
Mức mua ròng tới 874,9 tỷ đồng là cao nhất trong các phiên sáng của đợt mua ròng 6 phiên liên tục gần nhất. Giá trị mua của khối này chiếm tới 23% tổng giao dịch sàn HoSE, một tỷ lệ cao đột biến. Thông thường giao dịch mua của khối này chỉ chiếm 7-8% giao dịch hàng ngày.
Rổ VN30 dược mua 690,2 tỷ đồng giá trị cổ phiếu, bán ra 91,3 tỷ đồng, tương ứng mua ròng 598,9 tỷ đồng. Như vậy lượng vốn mua chính của khối ngoại dồn vào blue-chips. Nổi bật là STB +270,4 tỷ đồng ròng, VHM +87,2 tỷ, HPG +78,4 tỷ, SSI +28,7 tỷ, CTG +59,4 tỷ. Ngoài ra là DGC +24,4 tỷ, VND +23 tỷ, GEX +22,5 tỷ và chứng chỉ quỹ FUEVFVND +62,3 tỷ, FUESSVFL +62,2 tỷ.
Nhóm cổ phiếu tài chính giao dịch mạnh mẽ, với 6/10 vị trí trong nhóm những mã kéo điểm số khỏe nhất cho VN-Index. Dẫn đầu là VCB tăng 2,47%, BID tăng 4,61%, CTG tăng 5,49%, TCB tăng 4,4%. 19/27 cổ phiếu ngân hàng trên các sàn tăng giá, trong đó 17 mã tăng hơn 1% giá trị. Nhóm chứng khoán có SSI tăng 2,16%, VND tăng 1,75%, HCM tăng 1,32%, MBS tăng 2,8%, SHS tăng 1,47%...
Riêng với nhóm bất động sản, áp lực giảm vẫn là chủ đạo. NVT, KDH, NTL, CKG, HDG, KBC, CEO, ITA và cả VIC, VHM đều tăng. Tuy nhiên PDR vẫn đang dư bán sàn 65,59 triệu cổ, NVL dư bán sàn 60,9 triệu cổ, DXS dư sàn 2,92 triệu...
VN30-Index kết phiên sáng tăng 1,99%, mạnh hơn mức tăng 1,45% của VN-Index. Lý do là động lực của nhóm cổ phiếu tài chính chiếm ưu thế trong chỉ số này, ngoài ra là MSN tăng cực tốt 5,56%, MWG tăng 3,19%... Độ rộng rổ này ghi nhận 25 mã tăng/5 mã giảm. Độ rộng chung của HoSE là 248 mã tăng/176 mã giảm. Dù vậy độ rộng cũng thể hiện sự thay đổi khi áp lực bán có tín hiệu tăng: Trong 30 phút đầu tiên, VN-Index có 226 mã tăng/100 mã giảm, lúc chỉ số đạt đỉnh 10h50, độ rộng là 242 mã tăng/168 mã giảm. Lực bán như vậy có mạnh lên, nhưng chưa đủ để tạo sức ép đẩy lùi giá, mà chủ đạo là kiềm chế biên độ tăng. Thực tế trong 45 cuối của phiên sáng, VN-Index hầu như chỉ đi ngang.
Thanh khoản không gia tăng rõ ràng là nguyên nhân chính khiến sức mạnh tạm thời bị giới hạn. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn chỉ cao hơn sáng hôm qua 3,5%, đạt 5.050 tỷ đồng. Mức tăng này phần lớn là do giá cổ phiếu tăng. HoSE thậm chí giảm giao dịch 1,5%, chỉ đạt 4.408 tỷ đồng.
Với điều kiện thuận lợi của chứng khoán thế giới cũng như kỳ vọng đà tăng lãi suất hạ nhiệt, USD suy yếu, thị trường chứng khoán trong nước có phiên phục hồi sau bán tháo hôm qua là bình thường. Điều quan trọng là nhà đầu tư phải chấp nhận mạo hiểm bỏ nhiều tiền hơn vào mua. Do đó thanh khoản không tăng tốt trong khi giá cổ phiếu tăng vẫn cho thấy đà đi lên chủ đạo nhờ yếu tố giảm bán. Cung cầu có thể sẽ thay đổi trong phiên chiều nay, khi có thêm lượng hàng mới về có nhu cầu cắt lỗ.