Xu thế dòng tiền: Vẫn chưa đủ lực bứt phá
Đang có sự trái ngược nhất định khi quan điểm về thị trường tiếp tục thận trọng, nhưng tỷ trọng cổ phiếu vẫn được tăng lên
Đang có sự trái ngược nhất định khi quan điểm về thị trường tiếp tục thận trọng, nhưng tỷ trọng cổ phiếu vẫn được tăng lên.
Việc VN-Index không bứt phá được trong tuần cuối tháng 8 tiếp tục củng cố quan điểm thị trường sẽ vận động đi ngang kéo dài thêm từ tuần trước. Các chuyên gia mà VnEconomy phỏng vấn cho rằng thị trường vẫn cần thêm thời gian để tích lũy trước khi đột phá qua ngưỡng 680 điểm.
Các căn cứ củng cố quan điểm nói trên vẫn không có thay đổi lớn và yếu tố mới xuất hiện là giao dịch tái cân bằng danh mục tháng 9 của hai quỹ ETF. Thậm chí điều này nói riêng và lực bán lớn của khối ngoại nói chung được đánh giá là lực cản chính của thị trường trong ngắn hạn.
Nguyễn Hoàng
VnEconomy
VN-Index thiếu chút nữa đã mất sạch toàn bộ mức tăng của tuần này chỉ vì một ngày cuối cùng. Anh chị đã đúng về sự lạc nhịp giữa các cổ phiếu lớn và ngày cuối tuần tuy đã đồng nhịp, nhưng lại là nắm tay nhau giảm. Nhiều người kỳ vọng vào sự bứt phá sau kỳ nghỉ lễ, anh chị thì sao?
Ông Trần Hữu Phúc
Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Thị trường kép lại phiên giao dịch cuối tuần trong sắc đỏ với sự dẫn dắt của cổ phiếu trụ cột là VCB. Hàng loạt cổ phiếu lớn như VNM, GAS, BVH, VIC, HPG đều giảm điểm tiêu cực.
Chính sự đồng thuận tiêu cực của nhóm cổ phiếu lớn khiến chúng tôi quan ngại và cho rằng cần thêm thời gian tích luỹ trước khi có sự bứt phá khỏi ngưỡng kháng cự 680 hiện nay.
Ông Phạm Thiên Quang
Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS
Như tuần trước đã đề cập, tôi tiếp tục giữ quan điểm thận trọng về thị trường chung trong ngắn hạn bởi các yếu tố sau:
Khối ngoại liên tục bán ròng suốt nhiều phiên (trùng thời điểm đã có báo cáo của một ngân hàng đầu tư lớn của nước ngoài không tích cực về thị trường chứng khoán Việt Nam). Bên cạnh đó, mức độ vay nợ margin trên thị trường hiện ở mức rất cao.
Ngoài ra, ảnh hưởng của hoạt động tái cơ cấu danh mục ETF có thể dẫn đến hoạt động bán ở nhiều cổ phiếu lớn.
Bà Hồ Huyền
Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
VN-Index tại vùng đỉnh cũ tất nhiên sẽ có giằng co. Điều đáng thất vọng là thanh khoản tuần vừa rồi không có sự bứt phá và sự lạc nhịp giữa các nhóm cổ phiếu. Với diễn biến này khả năng bứt phá sau lễ sẽ khó.
Ông Trần Xuân Bách
Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Hiện tại, không có nhiều cơ sở để kỳ vọng vào sự bứt phá của VN-Index sau kỳ nghỉ lễ. Tôi thiên về kịch bản chỉ số sẽ tiếp tục có những biến động tăng giảm đan xen trong vùng 660-680 điểm trong ngắn hạn.
Nguyễn Hoàng
VnEconomy
Thị trường đang xôn xao về đợt tái cân bằng danh mục hai quỹ ETF tháng 9 tới. Dự kiến sẽ có áp lực bán lớn ở rất nhiều cổ phiếu. Liệu điều này có thể lý giải những lo ngại trong giao dịch mấy ngày qua hay không?
Bà Hồ Huyền
Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Thông tin này có thể khiến cho nhà đầu tư lo ngại thật, nhưng theo cá nhân tôi thì những thông tin dự kiến mua vào bán ra được công bố công khai thì không có gì đáng lo lắm.
Bằng chứng là những phiên thứ 6 ETF bán ra hàng triệu cổ phiếu đều có cầu cân cả. Tôi sợ những thông tin mà mình không biết hơn.
Ông Trần Xuân Bách
Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Bên cạnh áp lực từ việc FED có thể sẽ sớm tăng lãi suất trong những tháng tới thì hoạt động tái cơ cấu danh mục của 2 quỹ ETFs sắp tới cũng được xem là một phần nguyên nhân lý giải cho việc bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại trong thời gian gần đây.
Xu hướng bán ròng này dự báo có thể sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới khi các yếu tố trên chưa được giải tỏa. Do đó, áp lực bán ròng của khối ngoại sẽ vẫn là nhân tố ảnh hưởng chính và gây cản trở đối với xu hướng tăng điểm của thị trường trong ngắn hạn.
Ông Trần Hữu Phúc
Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Đối với quỹ FTSE VIET NAM Index chúng tôi dự đoán có 1 cổ phiếu bị loại ra khỏi danh mục là TTF và 3 cổ phiếu có thể được thêm vào danh mục là VNM HBC HSG.
Còn với quỹ MVIS VIET NAM index thì khả năng chưa có cổ phiếu nào bị loại và tiếp tục thêm vào VNM với tỷ trọng 8% . Việc thêm vào cổ phiếu VNM có thể khiến các cổ phiếu khác trong danh mục của hai quỹ trên sẽ bị giảm tỷ lệ trong kì review này .
Ông Phạm Thiên Quang
Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS
Theo tôi việc tái cơ cấu này rõ ràng có ảnh hưởng đến giao dịch khối ngoại, tuy nhiên việc phân biệt hoạt động bán ròng của khối ngoại chỉ đến từ hoạt động tái cơ cấu danh mục hay còn là hoạt động từ các quỹ đầu tư nước ngoài khác là điều cần theo dõi.
Nguyễn Hoàng
VnEconomy
Ngày cuối tuần có thể nhìn thấy những lệnh bán cực lớn của nhà đầu tư nước ngoài ở VNM, VCB, BVH và nhiều mã khác. Đó khó có thể là các giao dịch sớm của các quỹ ETF như thị trường đang nghi ngại. Liệu các quỹ này có thay đổi cách giao dịch hay không?
Ông Trần Xuân Bách
Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Hoạt động bán ròng của các quỹ ngoại trong thời gian gần đây vẫn có bóng dáng của các quỹ ETFs, tuy nhiên tôi cho rằng ảnh hưởng từ các quỹ này là không nhiều và chỉ mang tính chất mua bán để cân bằng tỷ trọng danh mục của các quỹ hàng ngày.
Hoạt động mua bán của các quỹ ETFs sẽ diễn ra rõ nét hơn trong tuần thứ 3 của tháng 09. Cách thức giao dịch của các quỹ này theo tôi cũng sẽ không có nhiều thay đổi so với các lần review trước.
Bà Hồ Huyền
Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Điều này nằm ngoài phạm vi hiểu biết của tôi. Cho dù giao dịch bán tuần rồi là từ quỹ ETF hay không quỹ ETF thì mỗi lần khối ngoại bán ròng tôi đều rất cảnh giác. Ngoại trừ những lần có tin xấu bất ngờ, không có một đợt giảm nào mà không có khối ngoại.
Ông Phạm Thiên Quang
Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS
Tôi cho rằng các quỹ không thay đổi cách giao dịch nhưng có thể có những động tác kỹ thuật chuẩn bị cho đợt tái cơ cấu.
Ông Trần Hữu Phúc
Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Như chúng tôi nhận định ở trên việc 2 quỹ ETF thêm vào cổ phiếu VNM có thể làm trong đợt cơ cấu danh mục kì này hai quỹ sẽ bán ròng giảm tỷ lệ các mã khác trong danh mục đầu tư của họ.
Nguyễn Hoàng
VnEconomy
Thị trường tổng thể là không được mạnh trong tuần này. Anh chị vẫn giảm tỷ trọng như kế hoạch của tuần trước hay có thay đổi gì? Mức nắm giữ hiện như thế nào?
Ông Trần Xuân Bách
Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tuần qua, tôi tiếp tục thực hiện giải ngân thêm 20% cổ phiếu cho phần danh mục ngắn hạn, qua đó đưa tỷ trọng danh mục tổng lên mức 80% (trong đó, phần danh mục trung hạn chiếm 20% cổ phiếu).
Ông Trần Hữu Phúc
Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Đứng trên góc nhìn kĩ thuật chỉ số Vnindex xuất hiện bóng nến dưới tương đương thân nến, tiếp tục bám sát trên đường MA50, cho thấy lực cầu xuất hiện trở lại khá mạnh mẽ về cuối phiên.
Tín hiệu ngắn hạn của các chỉ số hai sàn vẫn được duy trì ở mức tích cực và vùng 665 điểm đang là ngưỡng hỗ trợ cho VN-Index.
Do đó chúng tôi linh hoạt trong việc cơ cấu danh mục đầu tư, bán chặn khi chỉ số gần 680 điểm và mua ròng khi chỉ số chạm hỗ trợ 660-665 điểm. Tỷ trọng danh mục cổ phiếu ở mức 30-50%.
Bà Hồ Huyền
Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Tôi giảm tỷ trọng cổ phiếu về 20%.
Ông Phạm Thiên Quang
Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS
Mặc dù mức độ thận trọng có tăng lên, tôi vẫn cho rằng cơ hội vẫn còn với những cổ phiếu cụ thể. Tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với tỷ lệ cổ phiếu/tiền mặt 50%/50%.
* Theo yêu cầu của đông đảo bạn đọc, cũng như để tạo kênh phản hồi đa chiều khách quan, VnEconomy xin chia sẻ địa chỉ e-mail của các chuyên gia tham gia "Xu thế dòng tiền". Họ sẵn sàng trao đổi, làm rõ thêm các quan điểm và phản hồi phản biện của bạn đọc.
Ông Phạm Thiên Quang, Trưởng bộ phận Equity Research, Chứng khoán MBS: quang.phamthien@mbs.com.vn
Ông Lê Đức Khánh, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI): leduckhanh@gmail.com
Bà Hồ Huyền, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDS: huyen.ho@vndirect.com.vn
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt: tranxuanbach@baoviet.com.vn