Xu thế dòng tiền: Vẫn chưa thấy đáy
Tâm lý bi quan là cảm nhận rõ ràng từ các chuyên gia được VnEconomy phỏng vấn
Tránh được những biến động bất lợi trong tuần qua, nhưng các chuyên gia vẫn duy trì đánh giá rất thận trọng về thị trường.
Tâm lý bi quan là cảm nhận rõ ràng từ các chuyên gia được VnEconomy phỏng vấn. Thậm chí có những quan điểm chưa nhìn thấy bất cứ điểm tích cực nào trong ngắn hạn. Điều mà nhiều chuyên gia chờ đợi là các đợt bán tháo mới, đẩy thị trường vào trạng thái “washout” rõ rệt.
Kịch bản này không phải là bi quan quá mức mà dựa trên những cơ sở như mức độ margin vẫn đang cao, thậm chí không chỉ ở các cổ phiếu đầu cơ mà đang lan sang cả các blue-chips; tâm lý nhà đầu tư rất xấu.
Đặc biệt vấn đề gây quan ngại là dòng vốn ngoại vẫn đang rút ra không ngừng nghỉ do ảnh hưởng của những biến động mạnh trên thị trường tài sản toàn cầu, hơn là bó hẹp trong câu chuyện tỷ giá trong nước.
Điểm tích cực được các chuyên gia nhìn nhận là việc thị trường giảm nhanh sẽ khiến giá trở nên hấp dẫn hơn, cộng với áp lực margin sẽ giảm dần. Các chuyên gia đều thống nhất về một nhịp “wash-out” rất có khả năng xảy ra.
Nguyễn Hoàng
VnEconomy
VnEconomy
Một tuần sụt giảm kinh hoàng của thị trường và các ngưỡng hỗ trợ mà anh chị chỉ ra trong tuần trước cũng đã “tan nát”. Tâm lý bi quan đang tăng lên cao trào, nhất là khi chứng khoán Trung Quốc cũng có nguy cơ thủng đáy. Liệu anh chị có tìm được điểm tích cực nào trong thị trường lúc này?
Ông Trần Xuân Bách
Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Hiện tại mọi thứ dường như đang có tác động tiêu cực đối với diễn biến thị trường, từ xu hướng lao dốc của thị trường chứng khoán toàn cầu cho đến hoạt động bán ròng mạnh của khối ngoại đã khiến cho tâm lý nhà đầu tư trở nên bi quan và có dấu hiệu hoảng loạn đối với xu hướng sụt giảm của thị trường.
Tuy nhiên trong quá khứ, cơ hội cho thị trường tạo đáy thường xuất hiện mỗi khi tâm lý nhà đầu tư trở nên bi quan nhất, hay nói cách khác đó là khi thị trường xuất hiện những phiên “wash-out”. Thêm vào đó, sau một giai đoạn sụt giảm, khá nhiều các cổ phiếu đã rơi về những vùng giá hỗ trợ tương đối hấp dẫn cho mục đích đầu tư trung, dài hạn.
Bên cạnh đó, trong thời gian tới thị trường sẽ đón nhận những thông tin hỗ trợ đến từ việc chính thức ký kết các hiệp định thương mại tự do, sẽ tạo động lực tái cơ cấu nền kinh tế và hỗ trợ cho các nhóm ngành được hưởng lợi. Kế đến là các quy định về mở room ngoại cho các ngành nghề cụ thể từ phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Cơ chế giao dịch T+0, bán cổ phiếu chờ về và các sản phẩm chứng quyền sẽ giúp tăng tính thanh khoản cho thị trường và tác động tích cực đến triển vọng lợi nhuận của nhóm công ty chứng khoán.
Cơ chế giao dịch T+0, bán cổ phiếu chờ về và các sản phẩm chứng quyền sẽ giúp tăng tính thanh khoản cho thị trường và tác động tích cực đến triển vọng lợi nhuận của nhóm công ty chứng khoán.
Ngoài ra, những thông tin về kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm 2015 có thể sẽ tạo ra bức tranh phân hóa và tác động tích cực đến diễn biến giá cổ phiếu của một số doanh nghiệp.
Ông Trần Hữu Phúc
Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Thị trường này chúng tôi chưa thấy được điểm tích cực nào trong ngắn hạn. Các nhà đầu tư nội đang chịu áp lực rất lớn từ các đợt sụt giảm các tài khoản sử dụng margin tiến gần đến ngưỡng nguy hiểm call margin.
Trong khi đó các nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng trong cả 5 phiên giao dịch của tuần đặc biệt bán ròng các cổ phiếu lớn thuộc VN30 như VIC và MSN.
Ông Phạm Thiên Quang
Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS
Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS
Điểm tích cực là theo quan sát của tôi mức độ margin đã giảm được một phần (trung bình khoảng 10-15% so với đỉnh, tùy từng công ty chứng khoán, dù vẫn còn ở mức tương đối cao), và giá cổ phiếu đã giảm về mức hấp dẫn hơn trước.
Bà Hồ Huyền
Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Khi thị trường giảm sâu như thế này, theo tôi, không nên cố gắng tìm kiếm những yếu tố tích cực làm gì, bởi có thông tin tích cực mà tài khoản nhà đầu tư đang bị lỗ thì mọi bình luận cũng như không.
Còn nếu bắt buộc phải tìm điểm tích cực, thì tôi hi vọng đợt giảm mạnh này sẽ xả được sạch cung có giá vốn cao, kỹ thuật gọi là “wash-out”, thị trường có thể sẽ nhẹ hơn để đi lên.
Ông Lê Đức Khánh
Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)
Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)
Diễn biến vĩ mô vẫn đang tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán không chỉ trong ngắn hạn mà tôi cho rằng có thể cả đầu nửa năm 2016.
Trong ngắn hạn, VN-Index đã xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ “mềm” 550 - 555 điểm và sẽ phi xuống vùng 530 - 535 điểm. Toàn bộ thị trường chung đang có diễn biến xấu có chăng 1 vài tia sáng le lói đến từ một vài mã cổ phiếu riêng lẻ. Trong sự hoảng loạng lại vẫn tồn tại vài cơ hội đầu tư không tồi.
Nguyễn Hoàng
VnEconomy
VnEconomy
Những biến động lớn trong tuần này được cho là một phần do hành động giải chấp. Nhiều khuyến cáo của công ty chứng khoán cũng chung suy nghĩ về giải pháp cắt giảm danh mục và đứng ngoài. Là người trong nghề, anh chị nhận thấy áp lực bán kỹ thuật có lớn hay không, hay chỉ là giao dịch cắt lỗ thông thường?
Bà Hồ Huyền
Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Áp lực giải chấp hiện tại vẫn còn, và lần này cả các blue-chip bền nhất cũng giảm điểm, nên áp lực giải chấp không những lớn ở tài khoản nhà đầu tư cá nhân mà còn xuất hiện ở các quỹ. Việc nhà đầu tư thực hiện bán toàn bộ danh mục là hoàn toàn dễ hiểu.
Với tôi thị trường chứng khoán ngày nào cũng mở cửa, cơ hội còn rất nhiều. Quan trọng là nhà đầu tư còn giữ được tiền để nắm bắt các cơ hội khi nó đến.
Ông Trần Xuân Bách
Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Theo tôi áp lực bán vẫn còn khá lớn và có thể sẽ tiếp tục gia tăng mạnh trong tuần tới. Quy mô margin trên thị trường tuy đã được giảm bớt nhưng nhìn chung mức giảm vẫn chưa thực sự đáng kể.
Tôi đang chờ đợi những phiên xuất hiện lực giải chấp và bán tháo một cách rõ nét hơn trong tuần tới.
Ông Trần Hữu Phúc
Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Chúng tôi cho rằng áp lực bán cắt lỗ đúng kỉ luật là cực lớn khi chỉ số VN-Index thủng ngưỡng 560 điểm. Chúng tôi vẫn tin tưởng việc đứng ngoài thị trường là giải pháp tốt nhất lúc này.
Ông Lê Đức Khánh
Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)
Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)
Tâm lý nhà đầu tư đang xuống rất thấp do ảnh hưởng bởi “câu chuyện Trung Quốc”, giá dầu đang xuống thấp nhất trong vòng 10 năm trở đây. Nói chung áp lực bán tháo trong hiện tại và tuần tới sẽ rất lớn và sức chịu đựng của nhà đầu tư cũng có giới hạn và sự hoảng loạn bán ra sẽ lại tiếp tục ra tăng. Có lẽ tâm lý bắt đáy vẫn hiện hữu và hàng về lại tiếp tục lỗ.
Tóm lại, sai lầm của các nhà đầu tư lại tiếp tục lặp lại. Chiến lược đúng đắn hiện tại chính là việc tạm dừng giao dịch và chỉ giữ tỷ lệ cổ phiếu nhỏ, an toàn trong danh mục.
Ông Phạm Thiên Quang
Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS
Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS
Áp lực cắt lỗ và bán giải chấp đang lớn dần, trong bối cảnh nhiều thông tin bất lợi như thị trường chứng khoán thế giới rơi quá mạnh, giá dầu tiếp tục tìm đáy mới, khối ngoại bán ròng,…
Tuy nhiên, tôi lại thấy cơ hội cũng đang gần hơn khi mặt bằng giá cổ phiếu đang giảm về vùng hấp dẫn hơn. Nếu xuất hiện những phiên call margin mạnh, bán tháo (wash-out), có thể dòng tiền lớn sẽ được kích hoạt trở lại tại vùng giá cổ phiếu hấp dẫn.
Nguyễn Hoàng
VnEconomy
VnEconomy
Một diễn biến cũng rất đáng chú ý là nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ra rất nhiều mà tập trung chủ yếu qua phương thức khớp lệnh ở các cổ phiếu blue-chips. Nếu như cuối năm ngoái thị trường lo ngại việc dòng vốn nước ngoài bán ròng do áp lực tỷ giá, thì tại sao hoạt động này vẫn diễn ra khi tỷ giá 2 tuần đầu năm 2016 vẫn khá ổn định?
Bà Hồ Huyền
Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Theo tôi khối ngoại bán ra, có lẽ là do áp lực của những tin tức xấu trên thị trường chứng khoán toàn cầu.
Thông thường, thị trường Việt Nam không đồng nhịp cùng thị trường thế giới: Khi thế giới tăng mạnh, thị trường Việt Nam tăng chậm; còn khi thế giới giảm, thị trường Việt Nam tất nhiên giảm mạnh theo.
Có lẽ nhà đầu tư nước ngoài bán ra để tránh bão và chủ động hơn với nhịp sóng tiếp theo của thị trường.
Ông Phạm Thiên Quang
Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS
Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS
Tôi cho rằng khối ngoại bán ròng có thể xuất phát từ nguyên nhân thị trường chứng khoán toàn cầu đang giảm rất mạnh, kéo theo tâm lý lo ngại môi trường đầu tư tài sản rủi ro (như cổ phiếu) đang tăng lên.
Ngoài ra, giá chứng chỉ quỹ ETF đầu tư vào Việt Nam cũng đang ở trạng thái discount so với NAV, cũng dẫn đến hoạt động bán ròng của khối ngoại tăng lên.
Ông Trần Hữu Phúc
Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Áp lực bán của các nhà đầu tư nước ngoài hoàn toàn thành một xu thế rút vốn chung của các nhà đầu tư trên toàn thế giới ở các thị trường mới nổi và Việt Nam cũng chịu áp lực rất lớn này.
Giải phải điều chỉnh tỷ giá mới của Ngân hàng nhà nước đã giúp tỷ giá trên thị trường ổn định suốt 2 tuần qua nhưng nếu giá dầu tiếp tục giảm mạnh và Việt Nam tiếp tục nhập siêu suy giảm dự trữ ngoại tệ thị áp lực lên tỷ giá tiếp tục tăng cao.
Ông Lê Đức Khánh
Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)
Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)
Tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ vẫn tiếp tục điều chỉnh chính sách tiền tệ, áp lực phá giá đồng nhân dân tệ đến việc thay đổi chính sách tiền tệ của các nước trong đó có Việt Nam là rất lớn.
Nhiều nhà đầu tư, quỹ nước ngoài cũng đã nhìn thấy xu hướng xấu hay là sự bất ổn liên quan đến tỷ giá cũng buộc phải điều chỉnh chiến lược đầu tư. Cái mà các nhà đầu tư lo lại là dư chấn ảnh hưởng sẽ còn kéo dài chứ không phải ảnh hưởng trong ngắn hạn.
Ông Trần Xuân Bách
Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tôi cho rằng hoạt động bán ròng của khối ngoại trong những tuần vừa qua vẫn chủ yếu xuất phát từ áp lực tỷ giá.
Xu hướng giảm giá của đồng Nhân dân tệ và lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ còn tiếp tục gây áp lực lên VND trong suốt cả năm 2016. Điều này sẽ tạo ra tâm lý kỳ vọng vào sự giảm giá của VND trong thời gian tới.
Do đó, hoạt động rút ròng của dòng tiền ngoại có thể sẽ vẫn còn diễn ra trong những tháng tiếp theo cho đến khi Ngân hàng Nhà nước có những động thái điều chỉnh tỷ giá rõ ràng hơn để xóa bỏ đi tâm lý kỳ vọng vào sự giảm giá VND.
Nguyễn Hoàng
VnEconomy
VnEconomy
Tuần trước đa phần anh chị chỉ duy trì một vị thế nhỏ trong thị trường, thậm chí là đứng ngoài. Điều này đã giúp tránh thiệt hại đáng kể trong tuần này. Liệu quan điểm thận trọng ngắn hạn đó đã thay đổi hay chưa. Nếu có kế hoạch bắt đáy, anh chị dự kiến như thế nào, mức độ giải ngân ra sao?
Ông Lê Đức Khánh
Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)
Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)
Tôi cho rằng mốc mà VN-Index sẽ điều chỉnh tuần tới về quanh mốc 530 – 535 điểm và sẽ có phục hồi về điểm số quanh mốc này.
Có lẽ tôi vẫn tiếp tục giữ vững tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt là 35%/65% và có thể căn nhắc bắt đáy tỷ trọng nhỏ khi chỉ số VN-Index giảm về quanh mốc 530 - 535 điểm.
Việc bắt đáy, dự báo có đủ T+ cũng sẽ chỉ áp dụng ở một số mã cổ phiếu cơ bản hoặc một mã cổ phiếu đầu cơ giảm mạnh với giao dịch ấn tượng.
Ông Trần Hữu Phúc
Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Thật sự sai lầm trong hai tuần giao dịch qua đã phá hỏng toàn bộ thành quả của hoạt động trading ngắn hạn trong cả 1 năm. Chúng tôi nhìn nhận thật sự cần đứng ngoài thị trường trong một thời gian nữa khi các tín hiệu ổn định hơn và cơ hội giải ngân rõ nét hơn.
Bà Hồ Huyền
Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Tôi vẫn giữ trạng thái đứng ngoài. Tuy nhiên như tuần trước tôi chia sẻ, thị trường có thể sẽ hồi phục ở vùng 535 - 540 điểm. Tôi chờ đợi xem thị trường diễn biến như thế nào ở vùng này để hành động tiếp.
Không nên quá bi quan, bởi có thể sau cú sốc này, thị trường sẽ xuất hiện cơ hội hấp dẫn, quan trọng là nhà đầu tư giữ được tiền và ý chí để đi tiếp.
Ông Trần Xuân Bách
Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tôi vẫn giữ nguyên tỷ trọng danh mục tổng ở mức thấp (chỉ còn lại 30% cổ phiếu cho phần danh mục trung hạn). Tôi dự định sẽ giải ngân trở lại với tỷ trọng thấp cho phần danh mục ngắn hạn nếu thị trường xuất hiện các phiên “wash-out” trong tuần tới.
Ông Phạm Thiên Quang
Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS
Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS
Sau một thời gian đứng ngoài thị trường khá lâu, tôi đang bắt đầu quan tâm lại thị trường. Tôi nghĩ cơ hội sẽ đến nếu thị trường diễn ra những phiên bán tháo, margin hạ về mức đỡ rủi ro hơn và giá cổ phiếu ở vùng hấp dẫn hơn.
* Theo yêu cầu của đông đảo bạn đọc, cũng như để tạo kênh phản hồi đa chiều khách quan, VnEconomy xin chia sẻ địa chỉ e-mail của các chuyên gia tham gia "Xu thế dòng tiền". Họ sẵn sàng trao đổi, làm rõ thêm các quan điểm và phản hồi phản biện của bạn đọc.
Ông Phạm Thiên Quang, Trưởng bộ phận Equity Research, Chứng khoán MBS: quang.phamthien@mbs.com.vn
Ông Lê Đức Khánh, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI): leduckhanh@gmail.com
Bà Hồ Huyền, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDS: huyen.ho@vndirect.com.vn
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt: tranxuanbach@baoviet.com.vn