15:45 15/02/2012

10 quốc gia ngập đầu trong nợ công

An Huy

Chiếm ưu thế áp đảo là các nền kinh tế châu Âu, hai trong số ba nền kinh tế lớn nhất thế giới góp mặt ở thứ hạng ấn tượng

Bị nợ nần dồn vào chân tường, nhưng Hy Lạp vẫn chưa phải là nước nặng nợ nhất thế giới.
Bị nợ nần dồn vào chân tường, nhưng Hy Lạp vẫn chưa phải là nước nặng nợ nhất thế giới.
Nếu không được châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sớm cấp cho một khoản cứu trợ tiếp theo, Hy Lạp sẽ vỡ nợ vào đầu tháng 3 năm nay. Bị nợ nần dồn vào chân tường, nhưng Hy Lạp vẫn chưa phải là nước nặng nợ nhất thế giới.

Sử dụng dữ liệu từ hãng định mức tín nhiệm Moody’s , trang 24/7 Wall Street đã liệt kê10 quốc gia có tỷ lệ nợ công/GDP cao nhất thế giới hiện nay. Các dữ liệu đều được tính ở thời điểm cuối năm 2011, trong khi GDP/đầu người là số liệu tính đến năm 2010.

Chiếm ưu thế áp đảo trong danh sách là các nền kinh tế của châu Âu. Hai trong bố ba nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng góp mặt ở những thứ hạng ấn tượng:

10. Vương quốc Anh

10 quốc gia ngập đầu trong nợ công - Ảnh 1

Tỷ lệ nợ công/GDP: 80,9%
Tổng nợ chính phủ: 1,99 nghìn tỷ USD
GDP đầu người (đồng giá sức mua-PPP): 35.860 USD
GDP danh nghĩa: 2,46 nghìn tỷ USD
Tỷ lệ thất nghiệp: 8,4%
Định mức tín nhiệm từ Moody’s: Aaa

Tỷ lệ nợ công/GDP của Anh cao thứ 10 thế giới nhưng nước này vẫn nỗ lực duy trì được ổn định kinh tế. Anh không sử dụng đồng tiền chung châu Âu Euro và có ngân hàng trung ương riêng. Chính sự độc lập này đã giúp xứ sương mù ít chịu tác động hơn từ khủng hoảng nợ châu Âu. Lợi suất trái phiếu chính phủ Anh cũng được duy trì ở mức thấp.

9. Đức

10 quốc gia ngập đầu trong nợ công - Ảnh 2

Tỷ lệ nợ công/GDP: 81,8%
Tổng nợ chính phủ: 2,79 nghìn tỷ USD
GDP đầu người (đồng giá sức mua-PPP): 37.591 USD
GDP danh nghĩa: 3,56 nghìn tỷ USD
Tỷ lệ thất nghiệp: 5,5%
Định mức tín nhiệm từ Moody’s: Aaa

Đức là nền kinh tế lớn nhất trong Liên minh châu Âu (EU) và có sức mạnh lớn về mặt tài chính trong khối này. Bởi vậy, Đức đặc biệt quan tâm tới việc duy trì sự ổn định trên thị trường nợ của riêng mình cũng như của toàn khối Eurozone. Đó là lý do vì sao, nước này đã đóng góp một phần không nhỏ vào gói giải cứu tài chính trị giá 45 tỷ Euro mà IMF và EU dành cho Hy Lạp vào năm 2010. Tỷ lệ nợ công/GDP cao nhưng bù lại, Đức là nền kinh tế mạnh và có tỷ lệ thất nghiệp gần như thấp nhất ở châu Âu.

8. Pháp

10 quốc gia ngập đầu trong nợ công - Ảnh 3


Tỷ lệ nợ công/GDP: 85,4%
Tổng nợ chính phủ: 2,26 nghìn tỷ USD
GDP đầu người (đồng giá sức mua-PPP): 33.820 USD
GDP danh nghĩa: 2,76 nghìn tỷ USD
Tỷ lệ thất nghiệp: 9,9%
Định mức tín nhiệm từ Moody’s: Aaa

Pháp là nền kinh tế lớn thứ nhì trong khối Eurozone, sau Đức. Tháng 1 vừa qua, hãng định mức tín nhiệm Standard & Poor’s đã giáng cho nước Pháp một cú sốc khi tước đi của nước này hạng mức tín nhiệm AAA. Chính phủ Pháp không đồng tình với động thái này của Standard & Poor’s vì cho rằng nền kinh tế nước mình cũng ổn định như kinh tế Anh. Cách đây ít hôm, hãng Moody’s cũng đã cảnh báo về khả năng hạ điểm tín nhiệm của Pháp từ mức Aaa.

7. Mỹ

10 quốc gia ngập đầu trong nợ công - Ảnh 4

Tỷ lệ nợ công/GDP: 85,5%
Tổng nợ chính phủ: 12,8 nghìn tỷ USD
GDP đầu người (đồng giá sức mua-PPP): 47.184 USD
GDP danh nghĩa: 15,13 nghìn tỷ USD
Tỷ lệ thất nghiệp: 8,3%
Định mức tín nhiệm từ Moody’s: Aaa

Tỷ lệ nợ công/GDP của Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, tăng lên từ 45,6% vào năm 2001 lên mức 85,5% GDP vào năm 2011. Tỷ lệ chi tiêu công/GDP của nước này tăng từ 33,1% vào năm 2001 lên 39,1% vào năm 2010. Năm 2005, Chính phủ Mỹ nợ 6,4 nghìn tỷ USD. Đến năm 2011, mức nợ đã là 12,8 nghìn tỷ USD. Tình trạng nợ nần gia tăng chóng mặt này là lý do khiến Standard & Poor’s hạ điểm tín nhiệm của Mỹ từ AAA xuống AA+ vào tháng 8/2010.

6. Bỉ

10 quốc gia ngập đầu trong nợ công - Ảnh 5

Tỷ lệ nợ công/GDP: 97,2%
Tổng nợ chính phủ: 479 tỷ USD
GDP đầu người (đồng giá sức mua-PPP): 37.448 USD
GDP danh nghĩa: 514 tỷ USD
Tỷ lệ thất nghiệp: 7,2%
Định mức tín nhiệm từ Moody’s: Aa1

Tỷ lệ nợ công/GDP của Bỉ đạt đỉnh 135% vào năm 1993, sau đó giảm liên tục còn khoảng 84% vào năm 2007 rồi bật tăng lên 97% vào 4 năm 6 đó. Đầu năm nay, Chính phủ Bỉ buộc phải cắt giảm 1,3 tỷ USD chi tiêu công để tránh nguy cơ bị rơi vào vòng xoáy khủng hoảng nợ. Cuối năm ngoái, Moody’s hạ hai bậc tín nhiệm của nước này.

5. Bồ Đào Nha

10 quốc gia ngập đầu trong nợ công - Ảnh 6

Tỷ lệ nợ công/GDP: 101,6%
Tổng nợ chính phủ: 257 tỷ USD
GDP đầu người (đồng giá sức mua-PPP): 25.575 USD
GDP danh nghĩa: 239 tỷ USD
Tỷ lệ thất nghiệp: 13,6%
Định mức tín nhiệm từ Moody’s: Ba3

Một phần vì có GDP/đầu người thấp, Bồ Đào Nha chịu ảnh hưởng mạnh hơn từ suy thoái toàn cầu so với nhiều nước khác. Năm 2011, Bồ Đào Nha phải nhận 104 tỷ USD tiền cứu trợ từ EU và IMF để tránh bị khủng hoảng nợ nhấn chìm. Chính phủ Bồ Đào Nha hiện có kế hoạch hạ thâm hụt ngân sách từ 9,8% GDP vào năm 2010 xuống còn 4,5% vào năm 2012 và xuống còn 3% theo trần của Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2013. Theo xếp hạng tín nhiệm của Moody’s, trái phiếu của Bồ Đào Nha hiện không còn nằm trong hạng được khuyến nghị đầu tư (junk bond).

4. Ireland

10 quốc gia ngập đầu trong nợ công - Ảnh 7

Tỷ lệ nợ công/GDP: 108,1%
Tổng nợ chính phủ: 225 tỷ USD
GDP đầu người (đồng giá sức mua-PPP): 39.727 USD
GDP danh nghĩa: 217 tỷ USD
Tỷ lệ thất nghiệp: 14,5%
Định mức tín nhiệm từ Moody’s: Ba1

Ireland từng có thời là một trong những nền kinh tế mạnh nhất của khối EU. Đầu những năm 2000, nước này có tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn bất kỳ một nước công nghiệp phát triển nào, đồng thời GDP tăng trưởng hàng năm khoảng 10%. Khi suy thoái toàn cầu diễn ra, kinh tế Ireland chuyển sang co cụm chóng mặt. Năm 2006, thâm hụt ngân sách của Chính phủ Ireland là 2,9%, đến năm 2010, tỷ lệ này lên tới 32,4% GDP. Từ năm 2001 tới nay, nợ công của nước này tăng hơn 500%. Trái phiếu của Ireland hiện cũng không còn nằm trong diện khuyến nghị đầu tư theo đánh giá của Moody’s.

3. Italy

10 quốc gia ngập đầu trong nợ công - Ảnh 8

Tỷ lệ nợ công/GDP: 120,5%
Tổng nợ chính phủ: 2,54 nghìn tỷ USD
GDP đầu người (đồng giá sức mua-PPP): 31.555 USD
GDP danh nghĩa: 2,2 nghìn tỷ USD
Tỷ lệ thất nghiệp: 8,9%
Định mức tín nhiệm từ Moody’s: A3

Khối nợ công khổng lồ của Italy được so sanh với một quả bom hẹn giờ, khi mà tăng trưởng GDP của nước này diễn ra hết sức chậm chạp. Năm 2010, GDP của Italy chỉ tăng 1,3% sau 2 năm suy giảm liên tiếp. Vào tháng 12/2011, Chính phủ Italy đã thông qua một kế hoạch ngân sách khắc khổ nhằm hạ lãi suất vay vốn. Tuy nhiên, vào đầu tuần này, Moody’s vẫn hạ một bậc điểm tín nhiệm của Italy.

2. Hy Lạp

10 quốc gia ngập đầu trong nợ công - Ảnh 9

Tỷ lệ nợ công/GDP: 168,2%
Tổng nợ chính phủ: 489 tỷ USD
GDP đầu người (đồng giá sức mua-PPP): 28.154 USD
GDP danh nghĩa: 303 tỷ USD
Tỷ lệ thất nghiệp: 19,2%
Định mức tín nhiệm từ Moody’s: Ca

Hy Lạp vẫn là tâm điểm của khủng hoảng nợ châu Âu, cho dù đã được EU và IMF giải cứu. Athens đang tiếp tục phải đưa ra những kế hoạch cải cách và cắt giảm chi tiêu ngặt nghèo mất lòng dân để được các nhà tài trợ quốc tế cứu thêm lần nữa. Các nhà chức trách châu Âu đang đòi Hy Lạp phải cụ thể hóa hơn nữa kế hoạch khắc khổ để thuyết phục họ. Chỉ trong vòng 1 năm tính từ cuối năm 2010, tỷ lệ nợ công/GDP của Hy Lạp đã nhảy vọt từ 143% lên 168%.

1. Nhật Bản

10 quốc gia ngập đầu trong nợ công - Ảnh 10

Tỷ lệ nợ công/GDP: 233,1%
Tổng nợ chính phủ: 13,7 nghìn tỷ USD
GDP đầu người (đồng giá sức mua-PPP): 33.994 USD
GDP danh nghĩa: 5,88 nghìn tỷ USD
Tỷ lệ thất nghiệp: 4,6%
Định mức tín nhiệm từ Moody’s: Aa3

Bất kỳ một nước phát triển nào cũng thua xa Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, về tỷ lệ nợ công/GDP. Tuy nặng nợ, kinh tế Nhật hiện vẫn chưa đến mức bi đát Hy Lạp, chủ yếu nhờ nước này có tỷ lệ thấp nghiệp thấp và trái phiếu chính phủ chủ yếu do các chủ nợ trong nước nắm giữ. Theo Chính phủ Nhật, 95% dư nợ trái phiếu của Tokyo hiện nằm trong tay của các nhà đầu tư trong nước, chỉ có 5% là trong tay chủ nợ nước ngoài. Bên cạnh đó, Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda đang có kế hoạch tăng thuế bán hàng để giảm nợ công.