2/3 start up được rót vốn hơn 30 tỷ trong tập 12 Shark Tank Việt Nam
Tập 12 Shark Tank Việt Nam ghi nhận hai thương vụ đầu tư thành công là Power Centric và VBEC
Ngoài hình thức đầu tư thông thường, trong tập 12 Shark Tank Việt Nam - Thương Vụ Bạc Tỷ, các cá mập còn mạnh tay xuống tiền rót vốn bằng hình thức "đầu tư" khác là cho vay trái phiếu chuyển đổi.
2/3 thương vụ được đầu tư với hơn 30 tỷ
Tập 12 Shark Tank Việt Nam ghi nhận hai thương vụ đầu tư thành công là Power Centric và VBEC.
Theo startup, Power Centric là công ty chuyên nghiên cứu và sản xuất công nghệ năng lượng xanh như Pin và hệ thống lưu trữ máy phát điện. Sau 2 tháng chạy thử, công ty đạt doanh thu hơn 500 triệu đồng, và hiện đã có đơn đặt hàng trị giá hơn 5 tỷ đồng. Dự kiến doanh thu 2019 từ những đối tác đang làm việc đã lên đến 5 triệu USD.
Nhận thấy sản phẩm mang tiềm năng thị trường rất lớn, Shark Hồng Anh, Shark Phú và Shark Hưng nhanh chóng đề nghị đầu tư. Tuy nhiên, startup thuyết phục được Shark Hưng với mức đầu tư 1 triệu USD. Trong đó, 500 nghìn USD cho 25% cổ phần, còn lại là cho vay chuyển đổi.
Sau Power Centric, thương vụ may mắn tiếp theo là của trung tâm triển lãm yến sào Việt Nam VBEC, hiện có tới 34 cổ đông, với doanh thu năm đầu hoạt động ở mức hòa vốn.
Nhận thấy cấu trúc công ty quá rắc rối, lần lượt các Shark đều từ chối đầu tư. Duy nhất có Shark Phú đồng ý rót vốn 10 tỷ đồng với hình thức cho vay trái phiếu chuyển đổi, lợi nhuận 18%/ năm. Trường hợp không đạt KPI thì sẽ chuyển thành hình thức cho vay với lãi suất 18%/ năm, được đảm bảo bằng toàn bộ tài sản của startup.
Từ đầu tư cổ phần sang hình thức cho vay trái phiếu chuyển đổi
Bên cạnh hình thức đầu tư đổi lấy cổ phần, tại mùa 2, rất nhiều nhà đầu tư đã rót vốn với hình thức cho vay trái phiếu chuyển đổi.
Không riêng gì với VBEC và Power Centric, nhiều startup cũng được rót vốn dưới hình thức "đầu tư" này. Đơn cử có thể kể đến Dôta, Mắm Lê Gia, Hoa Nắng…
Trái phiếu chuyển đổi là loại trái phiếu mà người nắm giữ có khả năng chuyển đổi chúng thành một lượng cổ phiếu nhất định của công ty phát hành. Cho vay dưới dạng trái phiếu chuyển đổi hoặc cho vay lãi suất được đánh giá là lựa chọn khá an toàn trong bối cảnh mức độ chấp nhận rủi ro của nguồn vốn đầu tư thấp.
Nhiều nhà đầu tư thấy được tâm huyết, đam mê của startup. Song vì mô hình quá rủi ro, bản thân startup lại chưa đưa ra một lời giải đáp rõ rang về các con số tài chính. Do vậy, để giảm thiểu các rủi ro, đồng thời vẫn có thể hỗ trợ cho các startup, các nhà đầu tư đã chuyển sang hình thức cho vay này.
Đây cũng là ưu đãi mà nhà tài trợ chính của chương trình - Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank) mang đến cho các startup mùa 2. Đối với bất cứ thương vụ nào được nhận đầu tư tại Shark Tank, TPBank đều hỗ trợ trực tiếp nguồn vốn qua việc cấp thẻ Visa Credit, miễn phí thường niên năm đầu với hạn mức lên tới 300 triệu đồng cùng gói vay với lãi suất ưu đãi 0% trong 6 tháng đầu với số tiền vay tối đa tới 2 tỷ đồng.
"Với vai trò là nhà tài trợ chính tại mùa 2, TPBank mang đến không chỉ là nguồn lực tài chính trong việc tổ chức chương trình, hỗ trợ về nguồn vốn cho các dự án triển vọng của các startup, mà với kinh nghiệm và bản lĩnh thương trường, chúng tôi tin tưởng sẽ hỗ trợ đắc lực cùngcác startup trẻ đầy khát vọng, vững vàng bước đi trên con đường thực hiện hoài bão của chính mình, tạo thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ có giá trị trong đời sống và xã hội.", ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TPBank, chia sẻ.