33 đoàn đại biểu Quốc hội muốn giám sát an toàn thực phẩm
Hầu hết các tầng lớp nhân dân trong tâm trạng bất an khi sử dụng thực phẩm hàng ngày
Có đến 4 cơ quan và 33/63 đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị giám sát về vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Đây là thông tin được nhấn mạnh tại bản thuyết minh về sự cần thiết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm - một trong 4 chuyên đề được trình Quốc hội sáng 25/7.
Nỗi lo bệnh tật
Năm 2009, Quốc hội khóa 12 đã tiến hành giám sát tối cao tại kỳ họp thứ 5 chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm”.
Sau giám sát, Quốc hội ban hành nghị quyết đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tháng 6/2010, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội thông qua Luật An toàn thực phẩm .
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, an toàn thực phẩm đang trở thành vấn đề “nóng” của xã hội, nhận được sự quan tâm rất lớn của nhân dân và các cơ quan có thẩm quyền, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thuyết minh.
Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, thực tế cho thấy, hầu hết các tầng lớp nhân dân trong tâm trạng bất an khi sử dụng thực phẩm hàng ngày, đã và đang phải đối mặt với những vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, như: dịch tiêu chảy cấp ở người, dịch cúm gia cầm, dịch tai xanh ở lợn; tình trạng sử dụng salbutamol trong chăn nuôi,việc giết mổ và chế biến các loại gia súc, gia cầm không bảo đảm điều kiện vệ sinh.
Tình trạng sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, chất tăng trưởng trong thức ăn chăn nuôi, chất bảo quản, phụ gia trong nông nghiệp không đúng quy định dẫn đến dư lượng kháng sinh trong trái cây, rau quả, thực phẩm còn diễn ra khá phổ biến.
Trong chế biến, lượng hóa chất độc hại tồn dư trong thực phẩm vượt mức cho phép như hàm lượng 3-MCPD trong nước tương, dầu hào; thành phần melamin trong sữa; hàn the trong chả lụa, chất tẩy trắng trong bún; việc sử dụng hóa chất ngoài danh mục cho phép trong sản xuất chế biến thực phẩm... được xem là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến hàng chục ngàn người chết vì ung thư, nhiễm độc.
Bản thuyết minh nêu những con số đáng chú ý: năm 2000, tại Việt Nam chỉ có khoảng 69.000 ca mới mắc bệnh ung thư, nhưng cho đến năm 2015 vừa qua, số ca mới mắc ung thư tăng lên hơn gấp đôi, xấp xỉ 150.000 ca.
Thậm chí đến 2020, số ca mắc mới ung thư được dự báo sẽ lên đến gần 200.000 ca.
Cũng theo đánh giá của một số chuyên gia trong lĩnh vực ung thư cho thấy, tỷ lệ người mắc ung thư do sử dụng thực phẩm “bẩn” gây ra chiếm tỷ lệ cao nhất - khoảng 35%, hút thuốc chiếm khoảng 30%, còn lại là yếu tố di truyền khoảng 10% và một số nguyên nhân khác .
Ngày càng khó kiểm soát
Về mặt quản lý nhà nước, lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm hiện đang
được giao cho 3 bộ chủ chốt là các Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn..
Tuy nhiên, không có cơ quan nào chịu trách nhiệm chung và công tác điều hành, phối hợp còn chưa có một đầu mối chỉ đạo quyết liệt, nên trong thực tế, chuyển biến trong lĩnh vực này còn chậm, tình hình ngày càng khó kiểm soát, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá.
Trong số các nguyên nhân tiếp theo được đề cập có chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, việc xử lý vi phạm chưa nghiêm minh, chưa chú ý xem xét xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm.
Sự cần thiết phải giám sát chuyên đề này, theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là do nhiều ngành, nhiều cấp quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng chưa thực thi đầy đủ trách nhiệm của mình, nhất là người đứng đầu.
Sự chồng chéo và thiếu phối hợp đã dẫn đến tình trạng khi có những vụ việc xảy ra, cơ quan nào cũng khẳng định đã làm đúng quy trình, và cuối cùng không quy được trách nhiệm.