500 người giàu nhất thế giới mất 511 tỷ USD năm 2018
Nhóm 500 tỷ phú giàu nhất hành tinh đã chứng kiến giá trị tài sản ròng “bốc hơi” tổng cộng 511 tỷ USD trong năm nay
Nhóm 500 tỷ phú giàu nhất hành tinh đã chứng kiến giá trị tài sản ròng "bốc hơi" tổng cộng 511 tỷ USD trong năm nay, khi sự gia tăng tài sản trong nửa đầu năm bị đảo ngược trong nửa cuối năm do những đợt bán tháo liên tiếp trên thị trường tài chính.
Theo tin từ Bloomberg, căng thẳng thương mại và nỗi lo ngày càng lớn về việc kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái đã gây áp lực suy giảm lớn lên các thị trường trên toàn cầu. Trong bối cảnh như vậy, 500 nhân vật trong xếp hạng Bloomberg Billionaires Index còn nắm tổng cộng 4,7 nghìn tỷ USD tài sản khi chốt phiên giao dịch ngày thứ Sáu, thấp hơn 511 tỷ USD so với thời điểm chốt năm 2017.
Từ khi xếp hạng trên ra mắt vào năm 2012 đến nay, đây mới chỉ là lần thứ hai tổng tài sản của 500 người giàu nhất thế giới giảm xuống trong vòng 1 năm. Tuy nhiên, cú giảm của năm nay là sự đảo ngược mạnh mẽ những gì diễn ra hồi đầu năm - thời điểm mà thị trường chứng khoán toàn cầu tăng mạnh, đưa tổng tài sản ròng của nhóm tỷ phú lên mức kỷ lục 5,6 nghìn tỷ USD.
"Nỗi lo của các nhà đầu tư đang bị đẩy lên cao", bà Katie Nixon, Giám đốc đầu tư thuộc Northern Trust Wealth Management, phát biểu. "Chúng tôi không cho là sẽ xảy ra suy thoái, nhưng thấy là đang có nhiều rủi ro suy giảm tăng trưởng đối với kinh tế toàn cầu".
Ngay cả tỷ phú Jeff Bezos, người có mức tăng tài sản lớn nhất trong năm nay, cũng không tránh được sự biến động. Tài sản của nhà sáng lập Amazon đạt đỉnh 168 tỷ USD hồi tháng 9, tăng 69 tỷ USD so với đầu năm. Sau đó, khối tài sản này sụt 53 tỷ USD, mức giảm lớn hơn cả giá trị vốn hóa thị trường của hãng hàng không Delta Air Lines hoặc hãng xe Ford. Hiện tại, tài sản của ông Bezos còn 115 tỷ USD.
Dẫu sao, ông Bezos vẫn có một năm tốt đẹp hơn những gì mà nhà sáng lập Facebook, ông Mark Zuckerberg, phải trải qua. Năm nay, khối tài sản ròng của ông Zuckerberg sụt 23 tỷ USD khi mạng xã hội lớn nhất thế giới đi từ cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác.
Tổng cộng, có 173 tỷ phú trong nhóm 500 người giàu nhất hành tinh chứng kiến sự sụt giảm tài sản trong năm nay, với mức giảm bình quân 5,9%, khiến tổng tài sản của các tỷ phú này giảm còn 1,9 nghìn tỷ USD.
Châu Á, khu vực chứng kiến sự gia tăng tài sản mạnh mẽ của giới tỷ phú trong những năm gần đây, cũng không tránh được tình trạng mất mát tài sản của những người giàu nhất. 128 tỷ phú châu Á trong xếp hạng của Bloomberg mất tổng cộng 144 tỷ USD trong năm 2018.
Trong đó, 3 tỷ phú mất nhiều tiền nhất đều là các tỷ phú Trung Quốc, dẫn đầu là ông Vương Kiện Lâm (Wang Jianlin) của tập đoàn Wanda Group, người mất 11,1 tỷ USD.
Mặc dù vậy, châu Á vẫn sản sinh thêm nhiều tỷ phú mới trong năm nay. Có 39 gương mặt châu Á lọt vào Bloomberg Billionaires Index trong năm, nhưng có những người không trụ lại được lâu trong xếp hạng. Tính đến ngày 7/12, 40% trong số những gương mặt mới này không còn là tỷ phú.
Giới tỷ phú Trung Đông thậm chí còn có một năm tệ hơn. Nhiều tỷ phú của Saudi Arabia đã "sa lưới" chiến dịch chống tham nhũng của thái tử Mohammed bin Salman. Nhiều người sau đó đã được thả, nhưng sự hoài nghi và nỗi lo về các chính sách mạnh tay của ông Mohammed đã có những ảnh hưởng bất lợi đến nền kinh tế Saudi Arabia.
Người giàu nhất Saudi Arabia, hoàng tử Alwaleed, người được thả tự do vào tháng 3 sau 83 ngày bị giam giữ, mất 3,4 tỷ USD. Kể từ mức đỉnh vào năm 2014, tài sản của ông Alwaleed đến nay giảm 60%.
Tài sản của các tỷ phú châu Phi giảm 14% năm nay do sự bán tháo tài sản tại các thị trường mới nổi.
Các tỷ phú nổi tiếng nhất châu Âu, từ nhà sáng lập thương hiệu Zara, ông Amanciio Ortega, cho tới cựu Thủ tướng Italy, ông Silvio Berlusconi, đều chứng kiến tài sản lao dốc.
Tình hình kinh doanh khó khăn hơn khiến tài sản của nhà Schaeffler, cổ đông chính của hãng sản xuất phụ tùng xe hơi Đức Continental AG, sụt 17 tỷ USD.
Từng là tỷ phú giàu nhất thế giới, "ông trùm" viễn thông Mỹ Latin, tỷ phú Carlos Slim của Mexico, cũng mất hơn 7,6 tỷ USD năm nay, còn 54 tỷ USD, và đang giữ vị trí giàu thứ 6 thế giới.
Tuy nhiên, mất nhiều tiền nhất trong số các tỷ phú khu vực Mỹ Latin năm nay là nhà sáng lập Jorge Paulo Lemann của công ty 3G Capital. Ông Lemann mất 9,8 tỷ USD, nhưng vẫn là người giàu nhất Brazil.
Tình hình có vẻ khả quan hơn đối với các tỷ phú Nga. Dù giá dầu sụt giảm, căng thẳng với Ukraine gia tăng và lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow siết chặt, tổng tài sản của 25 tỷ phú giàu nhất Nga chỉ giảm nhẹ, về mức 255 tỷ USD.
Trong số 16 tỷ phú Nga bị giảm tài sản năm nay, mức giảm lớn nhất thuộc về "đại gia" ngành nhôm Oleg Deripaska, người mất 5,7 tỷ USD và trượt khỏi danh sách 500 người giàu nhất thế giới.
Ngược lại, ba tỷ phú ngành năng lượng Nga là Leonid Mikhelson, Gennady Timchenko và Vagit Alekperov chứng kiến tài sản tăng thêm tổng cộng 9 tỷ USD.
Dù giá dầu giảm sâu vào cuối năm, các tỷ phú ngành năng lượng vẫn là nhóm "ăn nên làm ra" nhất năm nay, với tài sản ròng tăng thêm 6 tỷ USD. Nhóm tỷ phú công nghệ mất 55 tỷ USD tài sản, sau khi đạt mức gia tăng tài sản 262 tỷ USD trong năm 2017.
Tất cả các nhóm tỷ phú ngành khác đều chứng kiến tài sản suy giảm, trong đó tài sản của các tỷ phú bán lẻ giảm 75 tỷ USD và tài sản của các tỷ phú công nghiệp sụt 79 tỷ USD.