13:44 21/01/2016

6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội 12

Nguyễn Lê

Nhiệm vụ đầu tiên là tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11, tại lễ khai mạc Đại hội Đảng lần thứ 12, diễn ra sáng 21/1 tại Hà Nội.<br>
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11, tại lễ khai mạc Đại hội Đảng lần thứ 12, diễn ra sáng 21/1 tại Hà Nội.<br>
Thống nhất nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một trong những nội dung được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, khi trình bày báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 về các văn kiện Đại hội 12 của Đảng, trong phiên khai mạc Đại hội sáng 21/1.

Ông cũng nêu 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội 12.

Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng

Theo Tổng bí thư, mục tiêu đến năm 2020 đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại đã được xác định từ Đại hội 8 của Đảng và trên thực tế, 20 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nỗ lực phấn đấu thực hiện mục tiêu này.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, nên nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu trên không đạt được.

“Trong 5 năm tới, phải phấn đấu quyết liệt hơn, phát triển kinh tế nhanh, bền vững để sớm đạt được mục tiêu này”, Tổng bí thư nói.

Nội dung quan trọng khác được ông đề cập là thống nhất nhận thức nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường.

Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các công cụ, chính sách và các nguồn lực của Nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường.

Thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển. Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội.

Những nhận thức trên đây cần được tiếp tục cụ thể hoá, thể chế hoá phù hợp với từng giai đoạn phát triển trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.

6 nhiệm vụ trọng tâm

Tổng bí thư nhấn mạnh, nhiệm kỳ Đại hội 12, trong khi triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ nghị quyết của Đại hội trên các lĩnh vực, cần tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm.

Một là, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hoá trong nội bộ... Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Nhiệm vụ thứ hai là xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Tiếp theo, Tổng bí thư nêu nhiệm vụ thứ ba: tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược; cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chú trọng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Chú trọng giải quyết tốt vấn đề cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn nợ công.

Với nhiệm vụ thứ tư, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước. Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.

Nhiệm vụ thứ năm là thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân. Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; tăng cưòng quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cuối cùng, nhiệm vụ thứ sáu là phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh.