10:42 21/01/2016

Tổng bí thư: Chống tự diễn biến, ngăn lợi ích nhóm

Nguyễn Lê

Nội dung chính diễn văn của Chủ tịch nước và báo cáo của Tổng bí thư tại phiên khai mạc Đại hội Đảng lần thứ 12

Đại hội 12 sẽ đi sâu kiểm điểm việc thực hiện nghị quyết Đại hội 11, nhìn lại 30 năm đối mới, rút ra những bài học, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ trong 5 năm tới - Ảnh: LQP.
Đại hội 12 sẽ đi sâu kiểm điểm việc thực hiện nghị quyết Đại hội 11, nhìn lại 30 năm đối mới, rút ra những bài học, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ trong 5 năm tới - Ảnh: LQP.
8h sáng 21/1, Đại hội Đảng lần thứ 12 đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

“Cần đoàn kết một lòng”

Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, Đại hội 12 tiến hành vào thời điểm có ý nghĩa quan trọng, khi đất nước đã trải qua 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 5 năm thực hiện cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung phát triển năm 2011), 2 năm thực hiện Hiến pháp 2013.

Ông cho biết, Đại hội 12 sẽ đi sâu kiểm điểm việc thực hiện nghị quyết Đại hội 11, nhìn lại 30 năm đối mới, rút ra những bài học, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ trong 5 năm tới.

Đai hội cũng sẽ kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa 11, đánh giá việc thi hành điều lệ và bầu Ban Chấp hành Trung ương khoá 12 gồm những người tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực lãnh đạo, bản lĩnh và trí tuệ áp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.

Đại hội 12 của Đảng thể hiện bản lĩnh, ý chí kiên cường và quyết tâm vươn tới của cả dân tộc, vì một nước Việt Nam công bằng dân chủ văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh.

Sau diễn văn khai mạc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đọc báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa 11 về các văn kiện Đại hội.

Về 30 năm đổi mới, Tổng bí thư nhấn mạnh: “Tổng thể 30 năm đổi mới, thành tựu to lớn nhưng còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp”.

Ông khẳng định, thành tựu của 30 năm đổi mới đã khẳng định đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo, con đường đi lên xã hội chủ nghĩa phù hợp thực tiễn của Việt Nam. Thời kỳ mới đòi hỏi phát triển đất nước toàn diện, đồng bộ hơn.

Bối cảnh 5 năm tới, theo Tổng bí thư, có nhiều diễn biến phức tạp tác động trực tiếp đến Việt Nam. Ở trong nước cũng những thách thức, trong đó sự suy thoái của một bộ phận đảng viên, công chức viên chức, sự tồn tại của quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

“Cần đoàn kết một lòng, quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành nước cơ bản công nghiệp hóa”, Tổng bí thư nói.

Về nội dung “Xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu của Đảng”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, thời gian qua Đảng đã quyết liệt thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo và từng bước răn đe, phòng ngừa tiêu cực. Việc đó đã góp phần siết lại kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, khắc phục một số hạn chế trong công tác nhân sự.

Nhiều cán bộ quản lý các cấp đã chú trọng nâng cao tinh thần lãnh đạo, nghiêm khắc với mình hơn, tự chỉnh lại hành vi, lối sống của mình và người thân. Bước đầu kiềm chế được tham nhũng, lãng phí.

Một số vụ án đã được đưa ra xét xử khiến, được người dân và dư luận đồng tình ủng hộ. Quá trình triển khai Nghị quyết Trung ương 4 đã giúp đất nước bước đầu vượt qua khó khăn.

Tuy nhiên, còn nhiều việc chưa đạt được mục tiêu đề ra, như việc tự phê bình và phê bình còn hình thức, nể nang, chưa làm rõ được việc xảy ra khuyết điểm là ở đâu, do ai chịu trách nhiệm. Tình trạng tham nhũng ngày càng tinh vi và phức tạp, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân cả nước. Một số biểu hiện lợi ích nhóm có xu hướng phức tạp hơn.

Công tác xây dựng Đảng cũng còn nhiều hạn chế khuyết điểm như việc hoạch định kế hoạch của Đảng chưa kịp thời, hiệu quả, chất lượng sinh hoạt Đảng còn yếu, nhiều tầng nấc, hiệu quả chưa cao.

Kiên định xã hội chủ nghĩa

Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong những năm tới, yêu cầu nặng nề của quá trình phát triển đòi hỏi cá nhân lãnh đạo quản lý các cấp từ Trung ương đến cơ sở phải từng bước sửa chữa yếu kém. Phải kiên định chủ nghĩa Marx - Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định xã hội chủ nghĩa, không dao động trong bất cứ tình huống nào, phát huy sự tiên phong, gương mẫu của đảng viên.

Tổng bí thư nhấn mạnh vấn đề tạo sự thống nhất cao trong Đảng, tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định phát triển.

Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chống biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, bè phái, lợi ích nhóm...

Về công tác cán bộ, Tổng bí thư nhấn mạnh cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài; đổi mới công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng; chủ động phòng ngừa không để xảy ra tham nhũng lãng phí, ngăn chặn hành vi can thiệp, bao che cho tham nhũng lãng phí, cản trở việc xử lý tham nhũng.