85% lao động nữ tại các khu công nghiệp có nguy cơ mất việc làm
Trình độ nghề nghiệp chính là rào cản lớn nhất đối với nữ giới, đặc biệt là nữ giới tại các khu công nghiệp
Một nghiên cứu của Viện Công nhân và Công đoàn (thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho thấy, có đến 85% lao động nữ tại các khu công nghiệp có nguy cơ mất việc làm, gây khó khăn cho quá trình bình đẳng giới.
Như VnEconomy đã đưa tin, ngày 13/7, Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp với Mạng lưới các doanh nghiệp hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE), Đại sứ quán Australia và Dự án Investing in Women tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam: "Phát triển bền vững gắn với các giá trị bình đẳng".
Tại phiên thảo luận thứ hai với chủ đề "Hiệu quả từ việc thúc đẩy các giá trị bình đẳng ở nơi làm việc", các chuyên gia đã cùng thảo luận những vấn đề liên quan đến câu chuyện bình đẳng giới ngay tại chính doanh nghiệp của mình.
Một khảo sát nhỏ cho thấy, có đến 49% người tham gia hội thảo cho rằng, quan điểm của chủ doanh nghiệp về tính chất công việc chỉ phù hợp theo giới chính là rào cản gây khó khăn lớn nhất cho thực hiện bình đẳng giới ở nơi làm việc. Trong khi đó, cũng có đến 31% cho rằng, quan điểm trọng nam khinh nữ là trở ngại khó khăn nhất.
Chuyên gia Võ Trí Thành cũng viện dẫn một số nghiên cứu khác cho biết, có 80% giải thích bất bình đẳng trong doanh nghiệp là văn hoá trọng nam khinh nữ, nhận thức của chủ doanh nghiệp.
Không phủ nhận những con số này, tuy nhiên lấy ví dụ từ chính doanh nghiệp mình, ông Huỳnh Bảo Quang, Tổng giám đốc Ngân hàng Maritime Bank khẳng định, bình đẳng giới tại Maritime Bank diễn ra rất tự nhiên, và dường như trong tư tưởng, văn hóa làm việc của cán bộ, nhân viên Maritime Bank gần không có sự phân biệt về giới.
"Chúng tôi có 4 nguyên lý cơ bản. Thứ nhất, quy luật công bằng trong cuộc sống, những nơi có sự công bằng thì có sự sinh sôi, phát triển tốt. Thứ hai là nguyên lý về quản trị, trọng nhân tài. Nếu một tổ chức trọng nhân tài thì sẽ có cơ hội thành công lớn hơn.
Thứ ba là bình đẳng giới, có nghĩa là không tạo điều kiện ưu ái hơn cho giới này giới khác, bình đẳng giới là tạo điều kiện, môi trường công bằng để tất cả lao động cùng phát triển. Cuối cùng, cuộc cách mạng 4.0 thúc đẩy sự tích cực từ đội ngũ cán bộ, đặc biệt là sự ân cần, ấm áp quan tâm của cán bộ nhân viên với khách hàng mà đây là thế mạnh của phụ nữ", ông Quang nói.
Đồng quan điểm với ông Quang, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng cho biết, doanh nghiệp của bà gần như không có sự phân biệt giữ nam và nữ.
Đặc biệt, với mô hình doanh nghiệp thiên về sản xuất như PNJ, bà Dung cho rằng ưu thế của nữ lao động là khéo tay, nên PNJ ngày càng đào tạo nhiều cho công nhân nữ để họ tạo ra những sản phẩm tốt hơn.
"Ngược lại ở khu vực bán hàng, nam giới lại có lợi thế hơn, cho nên công việc phù hợp với cá nhân nào thì bố trí, chứ chúng tôi không có biên giới giữa nam và nữ trong hoạt động kinh doanh", bà Dung nói.
Trong khi đó, một nghiên cứu của Viện Công nhân và Công đoàn (thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho thấy, có đến 85% lao động nữ tại các khu công nghiệp có nguy cơ mất việc làm, đây chính là rào cản bình đẳng giới.
Bình luận điều này, bà Cao Thị Ngọc Dung cho rằng, một số doanh nghiệp có quan điểm lao động nữ ngoài 35 tuổi làm việc tại các khu công nghiệp đã trải qua một quãng thời gian làm việc dài, nên sẽ mệt mỏi, làm việc không còn hiệu quả nên sa thải họ. Tuy nhiên đây là cách nhìn nhận riêng, còn thực tế, nếu doanh nghiệp biết cách đào tạo lao động, tạo điều kiện cho lao động phát triển thì giá trị sẽ gia tăng hơn là đến lúc người lao động nghỉ việc và phải đào tạo lại lớp lao động mới.
"Nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã ý thức được việc phải tạo điều kiện cho lao động nữ nâng cao trình độ. Ví như trong lĩnh vực dịch vụ, đã có những lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ nữ giới hay mời chuyên gia đánh giá, nâng cao tay nghề cho lao động nữ. Trong ngành thuỷ sản hiện nay, tỷ lệ lao động nữ nghỉ việc đã ngày càng giảm", bà Dung khẳng định.
Cũng bàn luận đến vấn đề này, ông Thân Đức Việt, Phó tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, đặc thù của ngành may mặc sử dụng nhiều lao động, và đa phần là lao động nữ. Khi bàn đến vấn đề bình đẳng giới, nhiều người vẫn nghĩ là thiệt cho nữ giới, tuy nhiên ông Việt khẳng định ở May 10 thì ngược lại, thiệt thòi hơn cho nam giới.
"Doanh nghiệp chúng tôi có đến 72,5% là nữ giới, trong đó đảm nhận vị trí trưởng, phó phòng là 51%. Có thể do quy luật tự nhiên của ngành may mặc tạo nên thực tế này, song phần nào cũng là do doanh nghiệp luôn xây dựng môi trường bình đẳng từ trên xuống dưới", ông Việt cho biết.
Phó tổng giám đốc của May 10 thừa nhận, thu nhập và văn hoá, môi trường làm việc là những yếu tố cốt lõi tạo nên sự phát triển bền vững. Nên doanh nghiệp này luôn tuyên truyền cho nam giới hiểu được vai trò của phụ nữ, hiểu được sự vất vả, vừa phải đảm bảo thiên chức trong gia đình, vừa đảm đương công việc.
"Chính vì vậy mà tại các buổi tan ca, đàn ông May 10 đi đón con không ít", ông Việt hồ hởi nói.
Mặt khác, đặc thù sản xuất kinh doanh với 80% tỷ trọng của May 10 là xuất khẩu nên các doanh nghiệp nước ngoài yêu cầu rất cao về đầu vào, trong đó có những điều kiện đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Thậm chí, có những tiêu chuẩn như phải đảm bảo 25 nữ/nhà vệ sinh, 30 nam/nhà vệ sinh, nên theo ông Việt, nếu không làm được những điều này thì các đơn hàng hàng triệu đô sẽ không thể được ký.
"Lãnh đạo doanh nghiệp luôn đưa ra chính sách đảm bảo môi trường làm việc tốt nhất cho người lao động. Cùng một vị trí công việc, nếu nữ và nam có trình độ như nhau, thì thường bổ nhiệm nữ chứ không phải nam", ông Việt nhấn mạnh.
Chia sẻ của lãnh đạo các doanh nghiệp được bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Deloitte Việt Nam rất tâm đắc. Với vai trò người điều phối phiên thảo luận thứ hai, bà Hà Thị Thu Thanh đúc kết, bình đẳng giới mang lại rất nhiều giá trị cho doanh nghiệp, trong đó giá trị lớn nhất chính là tạo dựng văn hóa, tăng năng suất lao động, lợi nhuận cho doanh nghiệp và ổn định nguồn nhân lực.
Mặc dù quá trình thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay đã đạt được nhiều thành tựu, bản thân các doanh nghiệp đã ý thức được tầm quan trọng của lao động nữ, tuy nhiên bà Thanh cho rằng, xã hội nói chung và lãnh đạo doanh nghiệp nói riêng vẫn cần phải tăng cường truyền thông, đưa ra các biện pháp hữu hiệu và thiết thực hơn nữa để phát triển bền vững gắn với các giá trị bình đẳng.